Hình thể, các di chuyển của rắn đã được người xưa nghiên cứu và áp dụng vào nghệ thuật quân sự từ hàng nghìn năm, nên các bộ binh pháp cổ của Trung Quốc đã có ghi về hình thái “Xà trận”. Như sách “Võ kinh” có nói đến 8 thế trận là Thiên, Địa, Phong, Vân, Long, Hổ, Điểu, Xà. Ở nước ta, không biết binh pháp Trung Quốc được truyền vào nước ta từ khi nào, chỉ biết từ thời Lý, Trần, sử sách đã ghi chép về việc triều đình cho binh sĩ tập trận, duyệt võ nghệ hằng năm.
Họa hình ảnh vua Lê Thánh Tông.
“Đại Việt sử ký toàn thư”, “Bản kỷ thực lục”, “Kỷ nhà Lê”, chép rằng sau khi Vua Lê Thánh Tông vừa lên ngôi vào tháng 6 (âm lịch) năm 1460, đặt niên hiệu là năm Quang Thuận thứ nhất, thì đến tháng 7, đã có lệnh cho các vệ quân 5 đạo, các tổng quản, tổng tri các quận rằng: “Có quốc gia là phải có võ bị. Nay phải tuân theo trận đồ nhà nước đã ban, trong địa phận của vệ mình, phải chỉnh đốn đội ngũ, dạy cho quân lính phép đi, đứng, đâm, đánh, hiểu được hiệu lệnh, tiếng chuông, tiếng trống khiến cho binh lính tập quen cung tên, không quên võ bị”.
Như vậy, thời Lê sơ đã ban hành trận đồ của nhà nước. Cụ thể, vào năm Quang Thuận thứ 6 (1465), bộ sử nói trên cho biết thêm, Vua Lê Thánh Tông “ban hành phép duyệt tập trận đồ thủy bộ”, trong đó về thủy trận thì có những đồ pháp như: Trung hư (trống ở giữa), Thường Sơn xà (rắn ở Thường Sơn), Mãn thiên tinh (sao đầy trời), Nhạn hàng (chim nhạn bay theo hàng), Liên châu (chuỗi hạt châu), Ngư đội (đàn cá), Tam tài hành (Thiên - địa - nhân), Thất môn (bảy cửa), Yển nguyệt (trăng khuyết). Còn về bộ trận thì có những đồ pháp như: Trương cơ, Tương kích, Kỳ binh. Nhà vua đồng thời ban hành 31 điều quân lệnh về thủy trận, 22 điều về tượng trận, 27 điều về mã trận, 42 điều về kinh vệ bộ trận.
Tháng Giêng năm Quang Thuận thứ 8 (1467), sau khi ăn Tết ở kinh thành xong, nhà vua ngự giá đi Tây Kinh (tức Lam Kinh) yết tế lăng tẩm các vị tiên đế, khi trở về, cho quân sĩ tập trận ở sông Thiên Phái (tức khúc sông Đáy ở huyện Ý Yên, Nam Định). Đến ngày 29 tháng Giêng, ngự giá đóng tại hành điện An Bạc và nhà vua lại ban phép tập trận đồ. Sang tháng 2, xa giá nhà vua ở hành điện Phi Lai (Hà Nam), sử viết: Ngày 20, nhà vua sai diễn tập trận đồ Trung hư ở Lỗ Giang (khúc sông tại huyện Lý Nhân ngày nay) và đến ngày 26, vua cho luyện tập trận Tam tài, Thất môn ở sông Vi, cũng ở huyện Lý Nhân.
“Đại Việt sử ký toàn thư” ghi lại một câu chuyện bi hài về tập trận Thường Sơn xà trong thời gian này. Đó là chuyện viên Chuyển vận sứ (thời đó tương đương chức huyện lệnh) là Lê Hán Đình, vốn khi tại chức tha
Hình vẽ mô tả thế trận Trường xà đảo quyền và thế trận Trường xà liên châu chụp từ sách “Hổ trướng khu cơ”.
m ô, sợ dân kiện, nên xin nghỉ dưỡng bệnh. Khi vua ở hành cung Thiên Trường, viên Chỉ huy sứ Đào Bảo tiến cử Hán Đình lên triều đình, nói rằng Hán Đình và Thái chúc thừa Nguyễn Đức vốn giỏi binh pháp. Bọn Hán Đình dâng các trận đồ Trung hư, Mãn thiên tinh, Thường Sơn xà... Vua Lê Thánh Tông khen ngợi, phong hai người làm Trấn điện phó tướng quân, sai quân 5 phủ tập theo các trận đồ này, nhưng 2-3 lần đều không được. Vua sai hai người ra dạy cũng không được. Vua nổi giận sai bắt đánh trượng rồi bãi chức đuổi cả hai về bản quán.
Tuy nhiên, sử viết tiếp là cuối tháng 2, ngày 26, Vua Thánh Tông cho quân tập trận Thường Sơn xà ở ngã ba sông Bạch Hạc (nơi hợp lưu của sông Đà, sông Lô và sông Hồng, tại TP Việt Trì, Phú Thọ ngày nay). Có lẽ, phải tập xong các trận đồ này thì mới có sự kiện tiếp theo là “ngày 29, xa giá về đến kinh sư”.
Vậy trận Thường Sơn xà có gì đặc biệt? Các sách “Võ kinh” xưa cho biết: “Thường Sơn xà, giống như tên gọi, là một loại rắn sống ở núi Thường Sơn, tên là Suất Nhiên, nó có một đặc điểm rõ rệt: Tấn công đầu thì đuôi cứu, tấn công đuôi thì đầu cứu, tấn công chính giữa thì đầu đuôi cùng cứu. Con người dựa theo đặc điểm của nó phát minh ra Thường Sơn xà trận, lợi hại vô cùng!”.
Sách “Hổ trướng khu cơ” của Đào Duy Từ cũng viết: “Binh pháp nói rằng: Trận như con rắn Thường Sơn, đánh đầu thì đuôi cứu, đánh đuôi thì đầu cứu, đánh giữa thì đầu đuôi cùng cứu. Các phép biến sau đều theo đấy mà liệu tính”.
Trong sách này, Lộc Khê hầu Đào Duy Từ còn để lại sơ đồ về cách lập trận Trường xà trong bộ trận, nhưng không phải là bày trận dài thuồn thuỗn như con rắn, mà tạo thành hai đường cong như dấu đóng mở ngoặc, các đoạn giữa mỗi khúc có các trại quân, kết nối với nhau như kiểu xâu chuỗi ngọc, nên gọi là Trường xà liên châu. Cách bày trận này mới giúp cho “Con rắn Thường Sơn” dễ dàng dùng đầu cứu đuôi hay đầu đuôi cùng hỗ trợ khúc giữa.
“Hổ trướng khu cơ” mô tả cách dùng trận này: Nếu là núi cao hiểm dốc, khấp khểnh gập ghềnh, sợ giặc đánh bất ngờ mà đầu đuôi không ứng nhau được, thì biến làm trận rắn dài thẳng tiến, hình như Liên châu trường xà - Tiểu chu thiên đệ thập biến. Phép này thì trận Thiên tiến thẳng thăm đường ở đỉnh núi, nếu không có địch thì cho người về báo mà chiếm đóng đỉnh núi. Các trận thì theo thứ tự mà tiến. Nếu thấy có địch cũng cho người về báo, cứ từ từ mà tiến lên, không nên gián đoạn. Nếu giặc đánh vào trận Xà đằng sau lưng thì các trận lấy trước làm sau, lấy sau làm trước, thể như chuỗi hạt châu, không nên gián đoạn. Cho nên binh pháp nói rằng: "Chỗ nào dụng là đầu nghĩa là thế đó".
Ngoài ra, còn một biến thể của thế trận Trường xà liên châu, là Trường xà đảo quyền. Sách viết: “Nếu như địa hình khuất khúc thì biến làm trận Trường xà đảo quyền, tức Tiểu Chu thiên đệ cửu biến. Đại tướng ở giữa, đánh 1 tiếng chiêng 3 tiếng trống, thì bốn trận Xà, Vân, Long, Phong đảo lên bên tả, bày chếch như thế rắn vung, 4 trận Thiên, Hổ, Địa, Điểu, đảo lên bên hữu, bày chếch như hình rắn vung, để hộ vệ đại tướng, du binh hai bên tả hữu cũng tùy thế mà bày ở ngoài”.
Thế trận Trường xà được mô tả nhiều trong sử sách triều Nguyễn. Theo bộ sử “Đại Nam thực lục”, vào tháng 5 năm 1865, trong kỳ thi Đình (quan võ), đề có phần hỏi về trận Trường xà, ai trình bày từ hành binh đến trận pháp đều thông thạo sẽ được xếp hạng ưu.
Tháng 4 năm 1867, Vua Tự Đức ra xem bày trận đồ 6 trận ở kinh thành, đầu tiên là trận Nhất tự trường xà, với tổng cộng hơn 2.000 lính, 10 con voi, 50 con ngựa. Như vậy, trong khuôn khổ diễn tập ở kinh thành, chỉ diễn tập thế trận dàn quân kéo dài như chữ nhất bằng chữ Hán, chứ không phải trận Trường xà liên châu đã nói ở trên. Sử viết: “Vua ngự duyệt, thấy tập thành thạo bèn lệnh thưởng lính mỗi người 5 tiền, quan bộ binh kim tiền và ngân tiền có bậc”.
Trong các kế sách dùng binh thời xưa, cũng có một kế liên quan đến rắn, đó là kế “Dẫn xà nhập huyệt”, tức dụ rắn vào hang. Kế này được kể trong bộ sử “Đại Nam thực lục”, “Tiền biên”, tập 1 như sau: Năm Ất Mùi, năm thứ 7 đời chúa Nghĩa (1655), đại tướng của chúa Trịnh là Trịnh Đào sai tướng giữ châu Bắc Bố Chính là Phạm Tất Đồng cho quân xâm lấn vượt qua sông Gianh. Tháng 3, chúa sai Nguyễn Hữu Dật đi tuần biên giới. Hữu Dật đến dinh Bố Chính, nắm hết được tình hình rồi về. Chúa triệu hỏi. Hữu Dật đáp rằng: “Thần có một kế, bắt Trịnh Đào dễ như trở bàn tay!”. Chúa hỏi kế hoạch thế nào. Hữu Dật đáp rằng: “Gần đây liền năm dụng binh mà quân ta chưa từng sang miền Bắc. Nay thần xin chia quân làm 3 đạo: Thượng đạo tiến trước đánh Tất Đồng, trung đạo tiếp sau làm thanh ứng. Trịnh Đào ở Hà Trung nghe thấy chắc cho rằng quân ta lại đây chỉ để đánh Tất Đồng thôi, tất nhiên bỏ lũy không mà đi cứu viện. Quân hạ đạo nhân tiến đến Hoành Sơn, đánh úp Lê Hữu Đức, thừa hư cướp lấy dinh Hà Trung. Đó là kế “Điệu hổ xuất sơn, dẫn xà nhập huyệt”, đánh một trận có thể thu toàn thắng”.
Chúa mừng nói: “Khanh bàn việc binh có vẻ mầu nhiệm bất trắc như quỷ thần, dù Tử Phòng, (tức Trương Lương, là mưu thần của Hán Cao tổ) Bá Ôn (tức Lưu Cơ, người giúp Minh Thái tổ thống nhất thiên hạ) cũng không hơn được”. Trận này, quân của Nguyễn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tiến theo đúng theo kế sách trên, đánh cho quân Trịnh tan tác, Trịnh Đào bị bắn trúng cánh tay trái, phải bỏ hết voi, ngựa, khí giới, chạy về xã An Trường (nay là TP Vinh, Nghệ An) dưỡng thương. Tin thắng trận báo về, chúa Nghĩa mừng thốt ra câu khen ngợi mà đời sau mãi ghi nhớ: “Hữu Tiến và Hữu Dật thật là hổ tướng!”.
Ngoài ra, sách “Hổ tướng khu cơ” cũng cho biết, trong quân đội thời xưa chia ra làm 9 loại quân, gồm: Thâm quân, Phẫn quân, Thủy quân, Hỏa quân, Cung nỗ quân, Kỵ quân, Xung quân, Xa quân và Du quân, trong đó Du quân như kiểu quân thám thính, với yêu cầu là: “Quân thăm dò tình hình cơ nghi để giúp đỡ ba quân, cử động đều rất quan hệ, thoăn thoắt như vượn leo, sói tuột, rắn bò, chuột rúc, qua chỗ hiểm, vượt chỗ sâu, trèo thành khoét vách”. Mô tả này không khác gì các yêu cầu của các đội quân trinh sát trong quân đội ngày nay, và yêu cầu khéo léo như “rắn bò, chuột rúc” đúng là vô cùng cần thiết để bí mật do thám tình hình quân địch.
Lê Tiên Long