95 mùa xuân qua, Đảng ta - đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam - đã lãnh đạo đất nước vượt qua muôn vàn gian nan, thử thách, làm nên những thắng lợi, thành tựu vĩ đại, ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Bối cảnh, sứ mệnh đặc biệt
Giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta và áp đặt ách thống trị tàn bạo, khiến dân tộc ta chịu cảnh nô lệ, lầm than. Với truyền thống yêu nước và tinh thần không chịu khuất phục, nhân dân ta đã vùng lên đấu tranh liên tục, mạnh mẽ bằng nhiều con đường với nhiều khuynh hướng khác nhau - từ phong trào Cần Vương đến khởi nghĩa Yên Thế, từ các phong trào Đông Du, Đông kinh Nghĩa Thục, Duy Tân đến khởi nghĩa Yên Bái... Các phong trào đều không thành công vì thiếu một đường lối đúng đắn, chưa tập hợp và phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc, thiếu một phương pháp đấu tranh thích hợp và nhất là chưa có được một tổ chức lãnh đạo, một chính đảng đáp ứng được yêu cầu của dân tộc và thời đại.
Trước yêu cầu của lịch sử và với khát vọng giải phóng dân tộc cháy bỏng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Người đi khắp các châu lục, qua gần 30 quốc gia, hàng trăm thành phố và làm rất nhiều nghề để kiếm sống, để học những "sàng khôn" của nhân loại. Hành trình này giúp Người hiểu rõ cội nguồn những khổ đau của các tầng lớp nhân dân lao động là ở sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc và hình thành nên ý thức giai cấp rõ rệt. Quyết tâm hướng tới "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi", Nguyễn Tất Thành đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin một cách tự nhiên. Người tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác - Lênin, người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động, dày công chuẩn bị cả về tư tưởng, lý luận và con người cho sự ra đời của một tổ chức chính trị tiên phong lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngày 3-2-1930, tại Cửu Long (Hồng Kông - Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam đã diễn ra, thống nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đây là một quyết định có ý nghĩa lịch sử trọng đại, quy tụ các tổ chức cộng sản thành một lực lượng duy nhất, có đường lối cách mạng rõ ràng, thống nhất. Sự kiện lịch sử này đã chấm dứt cuộc khủng hoảng đường lối và tổ chức của cách mạng Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta - kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập dân tộc và tiến lên CNXH.
Diễn ra từ ngày 25-1 đến 1-2-2021, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để lại dấu ấn đậm nét về một đại hội “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”Ảnh: TTXVN
Những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại
Từ khi thành lập, với đường lối đúng đắn, phương pháp thích hợp và sáng tạo, năng lực tổ chức thực tiễn và sự chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên cùng sự tin yêu, đùm bọc, hết lòng che chở, bảo vệ của nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước giành được những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử và thời đại.
Chỉ 15 năm sau khi ra đời, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945, xóa bỏ chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở Việt Nam, mở ra chương mới của lịch sử dân tộc. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và cuộc sống của chính mình.
Ngay sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, đất nước đối mặt muôn vàn khó khăn, thử thách khi cùng lúc phải đương đầu với "giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm". Trong hoàn cảnh "ngàn cân treo sợi tóc", Đảng đã lãnh đạo nhân dân kiên cường bảo vệ và xây dựng chính quyền non trẻ, đồng thời tích cực chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với đường lối đúng đắn, phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc, Đảng lãnh đạo nhân dân lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù trong 9 năm kháng chiến gian khổ và anh dũng, đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về hòa bình ở Đông Dương.
Trong suốt hơn 20 năm sau đó, đất nước ta bị chia cắt và chưa có hòa bình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với một ý chí sắt đá và quyết tâm không gì có thể lay chuyển, nhân dân ta đã thực hiện cuộc kháng chiến vĩ đại, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, viết nên một trong những trang sử hào hùng nhất của dân tộc, một sự kiện có tầm vóc quốc tế và có tính thời đại sâu sắc.
Đây là sự hiện thực hóa của tầm nhìn và quyết tâm mà Đảng ta đã đưa ra từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960): "Nước Việt Nam ta là một, dân tộc Việt Nam ta là một. Nhất định nước ta sẽ được thống nhất trên cơ sở độc lập và dân chủ, nhất định dân tộc sẽ được đoàn tụ trong hòa bình, tự do và hạnh phúc. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng ý chí thống nhất Tổ quốc của nhân dân cả nước ta quyết không bao giờ lay chuyển và cuối cùng chúng ta nhất định sẽ giành được thắng lợi".
Trong lúc phải khẩn trương khắc phục những hậu quả vô cùng nặng nề do chiến tranh để lại, đất nước ta lại tiếp tục phải đương đầu với những thử thách mới. Đảng lãnh đạo toàn quân và toàn dân ta vừa ra sức khôi phục kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân, vừa kiên cường chiến đấu giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không gian sinh tồn của dân tộc. Đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế cao cả đối với nhân dân Campuchia.
Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương dự Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Bình.Ảnh: TTXVN
Đổi mới toàn diện
Trước những yêu cầu mới trong phát triển đất nước, để khắc phục những bất cập của cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp dẫn tới khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm sau chiến tranh, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Đảng ta đã đề ra và thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường quá độ lên CNXH.
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã vượt qua mọi khó khăn, vươn tới những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo nàn, bị chiến tranh tàn phá, bị bao vây, cô lập, đến nay Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm.
Quy mô nền kinh tế năm 2024 đã đạt trên 470 tỉ USD, đứng thứ 32 thế giới và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện chỉ còn 1,93% (theo chuẩn đa chiều) so với mức 60% năm 1986. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng nâng cao; cục diện đối ngoại không ngừng được mở rộng...
Những thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam suốt 95 năm qua bắt nguồn từ nhiều nhân tố. Trong đó, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố quyết định hàng đầu, bên cạnh sự hy sinh, chiến đấu, lao động, sáng tạo của toàn dân, toàn quân dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Trong những thời điểm khó khăn, thử thách, Đảng ta đã thể hiện rõ bản lĩnh, tinh thần đoàn kết, là một khối thống nhất về ý chí và hành động; được tôi luyện và ngày càng trưởng thành, vững mạnh, xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy, kỳ vọng của nhân dân.
Thực tiễn đó đã khẳng định: Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm và uy tín để lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
7 nhóm vấn đề trọng tâm
Trước những yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và những thách thức từ tình hình thế giới, công tác xây dựng Đảng càng cần tập trung vào các nhóm vấn đề trọng tâm sau đây:
Một là, tiếp tục kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Đảng ta ra đời với sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Đảng luôn kiên định mục tiêu giải phóng dân tộc, xây dựng CNXH, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đảng không tồn tại vì lợi ích riêng mà hoạt động vì quyền lợi của toàn dân. Quyền lực lãnh đạo của Đảng không phải tự thân mà có, mà do nhân dân trao quyền, là sự ủy thác của nhân dân. Đảng không có mục đích nào khác là đấu tranh vì lợi ích của nhân dân, quốc gia và dân tộc.
Hai là, không ngừng hoàn thiện hệ thống lý luận của Đảng. Nền tảng lý luận vững chắc là kim chỉ nam cho hành động của Đảng, quyết định sự đúng đắn trong đường lối lãnh đạo và chiến lược phát triển đất nước. Trải qua hơn 95 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng đã đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm, từng bước phát triển tư duy lý luận về con đường đi lên CNXH, về mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, về quốc phòng, an ninh và đối ngoại cùng nhiều lĩnh vực quan trọng khác. Việc hoàn thiện nền tảng lý luận là yêu cầu cấp thiết để Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước trong bối cảnh thế giới đang có những biến chuyển sâu sắc trên các mặt của đời sống.
Trong quá trình phát triển, thực tiễn luôn đặt ra những vấn đề mới, đòi hỏi Đảng phải không ngừng tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận. Công tác tổng kết thực tiễn cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá chính xác kết quả đạt được, thẳng thắn, khách quan chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm và nguyên nhân; nhận diện rõ những điểm nghẽn, nút thắt đang kìm hãm sự phát triển của đất nước, từ đó đề xuất các giải pháp đột phá...
Ba là, tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn tại, phát triển của Đảng. Cần không ngừng củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của từng tổ chức Đảng; xây dựng tổ chức cơ sở Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, làm nòng cốt trong hệ thống chính trị và gắn bó mật thiết với nhân dân.
Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cần được tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng.
Bốn là, quyết tâm củng cố tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo. Trong nhiều kỳ đại hội gần đây, các văn kiện đại hội đều nhấn mạnh các nhiệm vụ cụ thể về tinh gọn tổ chức bộ máy hoặc nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Đảng cũng đã liên tục ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt. Do đó, tổ chức bộ máy vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn chồng chéo...
Năm là, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Trước yêu cầu phát triển và hội nhập ngày càng cao, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, phải đáp ứng những tiêu chuẩn quan trọng, bao gồm: bản lĩnh chính trị vững vàng; đạo đức trong sáng, tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu, liêm chính, tận tụy phục vụ nhân dân, không vụ lợi cá nhân, không tham nhũng, tiêu cực; có tư duy đổi mới, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; có năng lực thực tiễn, khả năng lãnh đạo, quản lý...
Để làm được điều này, cần đổi mới mạnh mẽ tư duy trong công tác cán bộ. Các quy trình về công tác cán bộ phải trở thành cơ chế để lựa chọn người tốt nhất, xứng đáng nhất, chứ không phải là cơ chế để hợp thức hóa việc tuyển chọn, bổ nhiệm, đề bạt người không bảo đảm tiêu chuẩn, không thực sự tiêu biểu, không thực sự vì dân.
Sáu là, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong công tác xây dựng Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong tình hình mới. Công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo sẽ góp phần hiện đại hóa công tác quản lý đảng viên, điều hành tổ chức Đảng. Các nền tảng số, mạng xã hội có thể được sử dụng để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân một cách nhanh chóng, sinh động, hiệu quả...
Bảy là, tập trung sức lực, trí tuệ phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đã được nêu trong các nghị quyết của các cấp ủy Đảng, đặc biệt chú trọng các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tiến hành đại hội đại biểu Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
(*) Các tít phụ trong bài viết do Báo Người Lao Động đặt
Từ gần 5.000 đến hơn 5,4 triệu đảng viên
Năm 1945, khi lãnh đạo toàn dân thực hiện thành công Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta chỉ có gần 5.000 đảng viên, nhưng với đường lối đúng đắn, tinh thần kiên trung, ý chí quật cường và lòng yêu nước, Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi vẻ vang, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đến năm 1960, khi đất nước bước vào giai đoạn kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước, số lượng đảng viên đã tăng lên khoảng 500.000 người, trở thành hạt nhân dẫn dắt toàn dân tộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.
Ngày nay, với hơn 5,4 triệu đảng viên, lực lượng của chúng ta không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đủ sức gánh vác trọng trách đưa đất nước tiến lên trong thời kỳ mới. Mỗi đảng viên chính là biểu tượng của niềm tin, trí tuệ và ý chí đoàn kết của cả dân tộc.
Sứ mệnh đưa đất nước vươn mình
Sứ mệnh của Đảng hiện nay là phải lãnh đạo, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, xây dựng thành công nước Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu; mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới. Ưu tiên hàng đầu là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước XHCN phát triển, có thu nhập cao.
Để tiếp tục gánh vác trọng trách lịch sử, Đảng phải không ngừng lớn mạnh, giữ vững bản chất cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu và sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Đảng phải luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn, phát huy dân chủ trong nội bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, trong sạch, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, không ngừng hoàn thiện lý luận, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, tạo nền tảng vững chắc để lãnh đạo đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Mời xem toàn văn bài viết "Rạng rỡ Việt Nam" của Tổng Bí thư Tô Lâm trên Báo Người Lao Động điện tử (https://nld.com.vn/rang-ro-viet-nam-196250202152854504.htm)
Tổng Bí thư TÔ LÂM