Rào cản trong chuyển đổi số - cần làm chủ xa lộ thông tin

Rào cản trong chuyển đổi số - cần làm chủ xa lộ thông tin
5 giờ trướcBài gốc
Kỳ vọng về công cuộc chuyển đổi số thành công
Nằm trong guồng quay chuyển mình của thế giới khi bước vào kỷ nguyên số, Việt Nam ta là một nước cũng có nhiều thành tựu đáng tự hào. Sự thông minh của người Việt không chỉ trong chiến đấu giành độc lập tự do, bảo vệ Tổ quốc, trong lao động xây dựng đất nước qua các cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu mà còn thể hiện rất rõ trong cách mạng công nghệ 4.0 với bước chuyển đổi mạnh mẽ của nhân loại từ xã hội truyền thống sang xã hội số.
Có thể nói trình độ công nghệ của người Việt Nam rất nổi trội. Có những con người, có những doanh nghiệp bắt đầu tạo được dấu ấn, danh tiếng trên thị trường công nghệ toàn cầu.
Nhìn lại chặng đường phát triển khoa học công nghệ từ khi bước vào thế kỷ 21 cho đến nay, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, những thành tựu đó đang là phương tiện thông minh, là trụ cột và điều kiện cần để nước ta thực hiện chuyển số thành công.
Có được những thành tựu nói trên, trước hết là nhờ vào sự lãnh đạo của Đảng. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến lĩnh vực công nghệ. Coi trọng đổi mới sáng tạo nhằm bắt nhịp và đi tiên phong trong sự phát triển của thế giới. Trong lịch sử lãnh đạo của Đảng, đã có nhiều Nghị quyết về phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ.
Cuối năm 2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57/NQ-TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra những định hướng chiến lược và được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng thuận, xem đây như một "khoán 10" trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Sự ủng hộ này thể hiện khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm vươn lên của dân tộc.
Trong bài biểu của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, khi nói về Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư khẳng định: Nghị quyết 57/NQ-TW không thay thế các nghị quyết trước đây nhưng có thể xem là "Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học" ,"Nghị quyết để thực hiện các Nghị quyết", "Nghị quyết của hành động" với những mục tiêu rất cụ thể, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ đất nước trong thời kỳ mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu: Chúng ta phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt. Đây chính là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta.
Có thể nói Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị thể hiện sự quyết tâm tháo bỏ những vướng mắc, những rào cản, cả về tư duy nhận thức và điểm nghẽn của thể chế để đưa nước ta đi tiên phong cùng các nước phát triển.
Để đạt được mong muốn của Đảng và khát vọng vươn lên của toàn dân tộc, chúng ta cần xem những rào cản của chuyển đổi số là gì?
1. Trước hết, rào cản lớn nhất vẫn là nhận thức của cộng đồng còn nhiều vấn đề chưa tương xứng với xu thế phát triển nhanh của công nghệ, chưa ngang tầm với mong muốn theo Nghị quyết của Đảng.
Nhiệm vụ chuyển đổi số muốn thành công trước hết mọi thành phần trong xã hội hiểu rõ và biết thực hiện kỹ năng công nghệ ứng dụng vào nhu cầu cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam ta, tỷ lệ người làm chủ được thiết bị, điện thoại thông minh để đáp ứng đầy đủ nhu cầu cuộc sống còn thấp. Người dùng điện thoại thông minh phần lớn chỉ có thể nghe, gọi điện, tìm kiếm thông tin, giải trí. Số lượng người dùng điện thoại thông minh như một phương tiện tham gia kinh doanh, tiếp cận với các dịch vụ, sản phẩm, quản lý và sử dụng dữ liệu, tài sản số… chưa đủ lớn để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số quốc gia. Số lượng người lớn tuổi sử dụng điện thoại thông minh nhằm mục đích nói trên chiếm tỷ lệ rất thấp.
Để việc kiến tạo và phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, chính phủ số, tài nguyên số phát triển nhanh và bền vững, cần có lượng công dân số toàn cầu đủ mạnh. Muốn vậy cần phải tiến hành đào tạo công dân truyền thống trở thành công dân số toàn cầu. Công dân số phải hiểu được tất cả các khái niệm liên quan đến chuyển đổi số và có kỹ năng thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trên điện thoại thông minh.
Đây là giải pháp cơ bản để các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển cũng như việc ứng dụng các nền tảng công nghệ thế giới. Một doanh nghiệp công nghệ tạo ra sản phẩm dịch vụ khi người dân không biết dùng hoặc nhờ người khác giúp thì sản phẩm dịch vụ đó không thể phát triển mạnh được.
Ngay cả câu chuyện truyền thông chính thống, người lãnh đạo muốn đông đảo người dân thường xuyên tiếp nhận các thông tin kịp thời liên quan đến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nếu số lượng người dân không có kỹ năng công nghệ chiếm tỷ lệ lớn thì ý muốn đó không thể thực hiện.
Để có phong trào rộng khắp lan tỏa như “Bình dân học vụ số”, "xã hội học tập" "học không bao giờ cùng" nhằm xóa mù công nghệ; các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể trước mắt phải tổ chức đào tạo, huấn luyện giúp mọi thành viên trong cộng đồng trở thành công dân số.
2. Nhiều nhà lãnh đạo, quản lý, doanh nhân còn thiếu nhận thức và tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số. Trong đó có nhiều người chưa hiểu sâu tầm quan trọng và lợi ích lâu dài của chuyển đổi số, dẫn đến thiếu sự cam kết và đầu tư.
3. Hành lang pháp lý hiện tại chưa bảo đảm được yêu cầu phát triển. Vấn đề này sẽ được giải quyết trong tiến hành cách mạng thể chế.
4. Nguồn nhân lực số ở nước ta còn yếu, số lượng và chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh. Theo tinh thần Nghị quyết 57/NQ-TW, việc thu hút nhân lực, nhân tài của đất nước sẽ được ưu tiên cho chuyển đổi số.
5. Văn hóa trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng chưa theo kịp yêu cầu chuyển đổi số. Nhiều doanh nhân, công chức chủ chốt thiếu tinh thần đổi mới, ngại thay đổi hoặc không khuyến khích sáng tạo, khiến nhân viên khó thích nghi với công nghệ mới.
6. Hạ tầng công nghệ tuy đã có nhiều nổ lực xây dựng theo định hướng chiến lược chung. Tuy nhiên cũng còn phải tiến hành hoàn thiện đồng bộ để các tổ chức công nghệ có điều kiện cung cấp các sản phẩm dịch vụ một cách tốt nhất. Cần bảo đảm thiết bị phần mềm và hệ thống công nghệ thông tin đủ mạnh để đáp ứng các giải pháp số.
7. Người dân đang có tâm lý lo ngại về an toàn bảo mật thông tin, sợ bị tấn công mạng, hoặc bị xâm phạm quyền riêng tư khiến nhiều tổ chức chần chừ trong ứng dụng công nghệ số.
8. Chi phí đầu tư phát triển công nghệ cao, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển phục vụ chuyển đổi số khó khăn. Nguồn lực dành cho chuyển đổi số quốc gia cũng còn hạn chế
9. Để tạo thuận lợi trong việc cập nhật thông tin, các tổ chức và cá nhân được chia sẻ những thông tin tin cậy, chống được tin giả, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng tài nguyên số, quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu có hiệu quả, Việt Nam cần xây dựng một mạng xã hội định danh cá nhân.
Các thông tin được cập nhật lên mạng xã hội này đều là những thông tin có nguồn gốc, có người chịu trách nhiệm. Trong vô vàn tin giả, tin xấu độc hiện nay trên mạng xã hội đã tác động tiêu cực đến cộng đồng, làm giảm nguồn năng lượng tích cực trong xã hội, nhận thức của người dân cũng theo đó mà lệch lạc, sự đồng thuận theo quan điểm đường lối của Đảng trong xã hội chưa phải là đại đa số, ảnh hưởng xấu đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Nếu xây dựng được một mạng xã hội tin cậy của riêng người Việt, các thông tin báo chí được cập nhật kịp thời trên mạng này, các công dân số được định danh sử dụng mạng xã hội này để chia sẻ thông tin, chắc chắn thông tin chính thống sẽ lan tỏa sẽ rộng khắp. Ảnh hưởng tích cực của mạng xã hội sẽ rộng hơn.
Lãnh đạo, cơ quan chức năng sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật sẽ có hiệu quả hơn so với các văn bản giấy, công văn phải đi lòng vòng rất nhiều từ cấp chỉ đạo đến cấp thực hiện.
Và khi có phương tiện số chính thống, người dân tin theo, việc cảnh báo, tránh được rủi ro, lừa đảo trong cuộc sống của người dân sẽ hiệu quả hơn.
Đại tá Nguyễn Hòa Văn
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/rao-can-trong-chuyen-doi-so-can-lam-chu-xa-lo-thong-tin-17925051516180685.htm