Vài tháng qua, nhạc chế bất ngờ gây chú ý trở lại với loạt sản phẩm của một nhóm rapper. Gần đây, bản nhạc chế có tên "Nhạc Tết căng nhất 2025" lan tỏa dữ dội, hút hơn 10 triệu lượt nghe/xem sau 2 tuần trên nền tảng YouTube. Song song với sự lan tỏa, nhóm rapper làm nhạc chế với CCMK, Cậu Phát và nhiều gương mặt khác gây tranh luận vì chuyện bản quyền.
Cụ thể, nhóm rapper làm ra sản phẩm âm nhạc bằng cách lấy nguyên giai điệu từ các bản hit, sau đó "chế" lời. Tranh cãi bắt đầu nổ ra khi KayC, một rapper có tiếng trong giới, lên tiếng về việc đúng hay sai chuyện đồng nghiệp vay mượn chất liệu từ nghệ sĩ khác nhưng vẫn muốn phát hành một cách chính thức để khai thác thương mại.
Từ nhạc chế, các rapper thành hiện tượng giới rap.
Giới rap chia rẽ
Với những sản phẩm nhạc chế, kênh YouTube của CCMK và nhóm rapper thu về hàng chục triệu lượt nghe/xem chỉ sau vài tháng. Cho đến sản phẩm mới nhất và cũng có sức lan tỏa lớn nhất, Nhạc tết căng nhất 2025, kênh này không bật kiếm tiền. Cho đến bài thông báo mới nhất của các rapper về chuyện sẽ bật kiếm tiền cho kênh, tranh cãi nổ ra.
Theo đó, đại diện của kênh thông báo sẽ bật kiếm tiền, lý do là không muốn lãng phí tài nguyên. Toàn bộ doanh thu sẽ gửi vào tài khoản Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là bài đăng như một hình thức thông báo và xin phép các nghệ sĩ để các rapper chế nhạc. Nếu nghệ sĩ nào không đồng ý, có thể liên hệ với nhóm rapper để thỏa thuận riêng.
Mấu chốt tranh cãi xảy ra vì 2 điều. Thứ nhất, với các sản phẩm nhạc chế có sử dụng chất xám của người khác, việc chủ kênh bật kiếm tiền chủ động là trái nguyên tắc. Thứ 2, các rapper xem bài đăng này là hình thức để xin phép/thỏa thuận bản quyền, thay vì trực tiếp liên hệ đồng nghiệp.
Một loạt rapper nhảy vào cuộc tranh cãi về quan điểm trên. GDucky, á quân Rap Việt mùa một, cho rằng không thể dùng bài đăng trên trang cá nhân để xin phép nghệ sĩ khác. Với tác quyền âm nhạc, nên thông báo chính thức bằng gmail hoặc tin nhắn xác nhận.
"Mình là người remake (làm mới bản nhạc - PV) trên sự sáng tạo của nghệ sĩ khác, thì nên chủ động liên hệ họ. Ai lại để nghệ sĩ khác không hài lòng rồi mới phải tự tìm đến mình", GDucky đặt câu hỏi cho đàn em.
Từ một bài đăng, vụ việc lan tỏa mạnh đến khắp ngõ ngách của các fanpage/diễn đàn rap. Một nhóm fan công kích KayC, người đầu tiên lên tiếng về vấn đề tác quyền trong các sản phẩm nhạc chế. Trong khi đó, số đông yêu cầu nhóm rapper, là chủ nhân của các bản nhạc, cần xem lại tính khả thi về việc bật kiếm tiền từ nhạc chế.
Trước đó, kênh Nơi tình yêu bốc đầu của nhóm rapper đã đăng hàng chục bản nhạc. Các rapper lấy giai điệu của một loạt bản hit trên thị trường như Sóng gió, Ngày mai em đi lấy chồng, thậm chí là những ca khúc kinh điển như Tàu anh qua núi. Viết lời mới trên nền nhạc đã "viral" sẵn là yếu tố quan trọng để những bản nhạc này có sức hút lớn.
Những bản nhạc đã phát hành trên kênh không bật kiếm tiền, do đó có thể được nghệ sĩ khác bỏ qua về tác quyền. Rapper Wxrdie, một trong những nghệ sĩ bị các rapper lấy nhạc và chế lời, cho biết chưa nhận được lời xin phép nào.
Vanh Leg, Hậu Hoàng, những hiện tượng nhạc chế một thời đã mất hút.
Sẽ ra sao khi các bài nhạc chế bật kiếm tiền?
Tiền Phong đặt câu hỏi cho một chuyên gia trong lĩnh vực phát hành âm nhạc, anh chia sẻ: "Những năm qua, bản quyền âm nhạc trên thị trường Việt Nam đã làm rất chặt chẽ. Với những bản nhạc chế kiểu này, lấy nguyên y giai điệu, chắc chắn sẽ bị đánh bản quyền bằng gậy trên YouTube. Vì các rapper không bật kiếm tiền, nên các sản phẩm của họ vẫn an toàn".
"Một khi các rapper bật kiếm tiền cho kênh, những lượt đánh gậy sẽ tự tìm đến họ. Các bản nhạc của nghệ sĩ giờ phần lớn đều phát hành qua một đơn vị độc lập. Không cần đến nghệ sĩ, chính những đơn vị phát hành sẽ có trách nhiệm bảo vệ bản quyền âm nhạc trên YouTube. Do đó, theo quy trình, muốn làm nhạc chế, trước hết phải chủ động liên hệ nghệ sĩ hoặc đơn vị phát hành cho nghệ sĩ đó để được whitelist (cấp quyền)".
Theo chuyên gia này, nhạc chế cũng như các sản phẩm cover, remix hoặc parody. Với sản phẩm phát sinh, đa phần bên giữ bản quyền sẽ whitelist với điều kiện chia sẻ doanh thu. Với nhiều nghệ sĩ/đơn vị làm chặt, sẽ yêu cầu truy quét doanh thu 100% cho các bản phát sinh. Với những trường hợp tùy ý lấy chất xám của nghệ sĩ khác, sẽ khó thoát cảnh bị đánh gậy. Một kênh YouTube chỉ cần bị đánh 3 gậy sẽ "bốc hơi" ngay lập tức.
Về việc các rapper có ý dùng toàn bộ doanh thu để ủng hộ vào tài khoản Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chuyên gia nhận định: "Trước hết, vẫn phụ thuộc vào phía giữ bản quyền có đồng ý chia sẻ doanh thu phát sinh hay không. Bên làm nhạc chế có ý tốt nhưng chưa chắc chủ nhân của sản phẩm gốc muốn. Sau cùng, vẫn là câu chuyện cần chủ động trao đổi để tìm giải pháp cho đầu ra của sản phẩm phát sinh".
Trước nhóm rapper, nhạc chế Việt Nam từng có giai đoạn hưng thịnh với Vanh Leg, Hậu Hoàng, Đỗ Duy Nam, Trắng TV... Những bản nhạc chế của nhóm nghệ sĩ này từng thay nhau thống trị "top trending" trên YouTube, cũng theo đúng mô-típ lấy cảm hứng từ giai điệu của bản hit khác và viết lại lời mới, sáng tạo MV theo hướng hài hước.
Những hiện tượng nhạc chế đều không tồn tại lâu trên thị trường. Vấn đề lớn nhất với họ vẫn là bản quyền âm nhạc và nguồn thu cho công sức bỏ ra. Với những bản nhạc chế lấy cảm hứng từ nghệ sĩ khác, đa số vẫn chảy doanh thu về chỗ cũ. Nếu những nghệ sĩ chế nhạc bằng giai điệu viết mới, tính chất của nhạc chế giảm đi và cũng không có yếu tố thu hút khán giả.
Nhạc Việt từng rơi vào giai đoạn hỗn loạn, mất kiểm soát cho những sản phẩm nhạc chế, remix, cover... Từ sự phát triển chuyên nghiệp của thị trường, các Label, đơn vị phân phối ra đời, theo sát và hỗ trợ nghệ sĩ. Ngay lúc này, nghệ sĩ Việt được hỗ trợ truy thu tận cùng về doanh thu cho những bản nhạc phát sinh từ nơi khác, miễn là họ luôn giữ trọn vẹn quyền tác giả, tự quản lý hoặc ủy quyền cho đơn vị độc lập kiếm soát.
Hương Ly