Rất đúng thời điểm để thực hiện cách mạng về tinh gọn bộ máy

Rất đúng thời điểm để thực hiện cách mạng về tinh gọn bộ máy
6 giờ trướcBài gốc
Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18/2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” diễn ra hôm 19-11, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đây là nhiệm vụ “đặc biệt quan trọng”, là “cuộc cách mạng” về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tổng Bí thư yêu cầu phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, khẳng định việc tinh gọn bộ máy tổ chức lần này là rất đúng thời điểm.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18/2017 Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ảnh: NHÂN DÂN
Hành động quyết liệt, không kéo dài thời gian
. Phóng viên: Chúng ta đã trải qua ba lần “đại phẫu” bộ máy xuyên suốt qua ba nhiệm kỳ, từ năm 2007 đến nay. Từng là người trực tiếp tham gia vào công tác này, ông đánh giá thế nào về những lần “đại phẫu” vừa qua?
+ TS Trần Anh Tuấn: Nói là “đại phẫu” thì chưa chuẩn xác lắm. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng quá trình đổi mới, trong đó có tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính và tinh giản biên chế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước chúng ta đã phát triển đạt được các chỉ tiêu đặt ra về phát triển kinh tế - xã hội.
Gần 20 năm qua, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế đã đạt được nhiều kết quả nhất định, nhất là từ năm 2017, khi có Nghị quyết 18 của Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Điều này đã đáp ứng được yêu cầu chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị cấu thành, mà tiêu biểu là Bộ Công an đã sắp xếp lại cả tám tổng cục và tương đương rất thành công.
Chúng ta cũng thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị; thực hiện bước đầu chuyển chế độ công vụ từ chức nghiệp sang vị trí việc làm. Cải cách hành chính cũng được tiến hành đồng thời với việc tinh gọn bộ máy, không chỉ ở trên Trung ương mà cả các địa phương…
Cơ cấu Chính phủ đã được tổ chức theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm từ trên 30 bộ, cơ quan ngang bộ, cùng hơn 10 cơ quan thuộc Chính phủ xuống còn 22 bộ, cơ quan ngang bộ và tám cơ quan thuộc Chính phủ. Mô hình chính quyền đô thị và nông thôn mới chỉ có TP.Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM thực hiện.
Dù vậy, chúng ta vẫn còn rất nhiều hạn chế liên quan đến phân cấp, phân quyền, ủy quyền. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa được thực hiện một cách tổng thể, đồng bộ và toàn diện.
Từ năm 2011 đến nay, cơ cấu Chính phủ vẫn giữ nguyên 22 bộ, cơ quan ngang bộ với tám cơ quan thuộc Chính phủ; mô hình chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị và đặc điểm nông thôn vẫn chưa thực sự được triển khai, còn nhiều cấp, bộ máy còn cồng kềnh, vẫn còn tình trạng nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối. Chính phủ đã đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương nhưng chưa phát huy được tính tự quản của chính quyền địa phương.
Bây giờ, chúng ta tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 trong cả hệ thống chính trị chính là một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy. Qua đó, tổ chức lại, tái cấu trúc lại cơ cấu tổ chức của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, trong mọi ngành, mọi lĩnh vực một cách tổng thể, toàn diện và đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của thời đại.
TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Tránh tình trạng tách ra rồi lại nhập vào, nhập vào rồi lại tách ra
. Trong phát biểu mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh việc tổng kết Nghị quyết 18 là “cuộc cách mạng” tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị… Ông cảm nhận được điều gì từ thông điệp trên của người đứng đầu Đảng?
+ “Cuộc cách mạng” về tinh gọn tổ chức bộ máy không phải chỉ đơn thuần là tổng kết mà còn tiếp tục thực hiện tinh gọn về tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị theo Nghị quyết 18. Tính cách mạng tôi thấy đã thể hiện ngay từ trong chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm ở chỗ là phải thống nhất về tư tưởng, với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt; phải đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, hy sinh vì lợi ích chung của đất nước, của dân tộc.
Gọi là cuộc cách mạng vì nó thể hiện việc tinh gọn bộ máy tổ chức được thực hiện một cách tổng thể, toàn diện và đồng bộ trong cả hệ thống chính trị, được thực hiện từ Trung ương đến địa phương. Các ban ngành Trung ương gương mẫu làm từ trên xuống dưới. Việc triển khai thực hiện được tiến hành ngay và luôn, theo đúng tinh thần Tổng Bí thư nói là “vừa chạy, vừa xếp hàng”…
Trung ương đã lập Ban Chỉ đạo về tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 18; Chính phủ, Quốc hội cũng đều đã lập các ban chỉ đạo. Đây là những minh chứng thể hiện rõ nét nhất về nhận thức, tư tưởng cho đến các chỉ đạo, bảo đảm tính hành động quyết liệt, không kéo dài thời gian, phục vụ cho đòi hỏi, yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
. Chúng ta có quyết tâm chính trị cao, hành động nhanh và quyết liệt nhưng cần lưu ý điều gì?
+ Tôi cho rằng bên cạnh quyết tâm chính trị cao, thống nhất về tư tưởng, hành động quyết liệt thì vẫn cần phải chú ý đến một vấn đề rất quan trọng là tinh gọn bộ máy phải bảo đảm tính khoa học. Cần tránh lặp lại bài học kinh nghiệm đã rút ra trong những lần trước, ví dụ như không nên để tình trạng “tách ra rồi lại nhập vào, nhập vào rồi lại tách ra”.
Phải làm sao để lần tinh gọn bộ máy này phục vụ cho cả một giai đoạn dài của kỷ nguyên đất nước vươn mình phát triển và hưng thịnh; tránh sau mỗi lần chuẩn bị hết nhiệm kỳ, chúng ta lại phải sửa Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…
Tính khoa học còn thể hiện ở việc chúng ta không tinh gọn bộ máy theo kiểu sáp nhập cơ học mà phải căn cứ vào yêu cầu thực tiễn. Đó là yêu cầu về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, yêu cầu hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN; yêu cầu chuyển sang quản trị quốc gia, yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số; yêu cầu phát huy vai trò tự quản của chính quyền địa phương để tổ chức lại, tái cấu trúc cơ cấu tổ chức trong hệ thống chính trị phù hợp.
Việc tinh gọn tổ chức bộ máy phải làm ngay, không trì hoãn nhưng phải đảm bảo thấu đáo, chúng ta “vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng không có nghĩa là thiếu thận trọng, cẩn thận. Phải có một cái nhìn khoa học, tổng thể và đặt yêu cầu trong bối cảnh hiện nay để thiết kế cơ cấu tổ chức phù hợp.
Tổng Bí thư Tô Lâm
“Cách mạng muốn thành công không thể tránh khỏi những hy sinh”
. Tổng Bí thư Tô Lâm khi nói về vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy đã nhắc tới lòng dũng cảm và sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung.
+ Việc tinh gọn bộ máy trong cả hệ thống chính trị lần này như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói thực sự là một cuộc cách mạng. Tự mỗi người chúng ta phải vượt lên bản thân mình. Muốn cách mạng thành công không tránh khỏi có những hy sinh nhất định - những hy sinh mang tính cá nhân, vì những lợi ích to lớn của đất nước, của dân tộc.
Điều này đặt ra yêu cầu cho mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải rất chú ý, gương mẫu. Bởi lẽ quá trình tinh gọn bộ máy sẽ dẫn đến nhiều câu chuyện phải giải quyết như dôi dư cán bộ, công chức, kể cả dôi dư lãnh đạo, quản lý. Không những thế, phải hy sinh các tình cảm riêng tư, lợi ích cá nhân để khách quan bố trí, trọng dụng những người xứng đáng, có năng lực, phẩm chất vào những vị trí xứng đáng trong tổ chức mới. Không nên vì yêu ghét cá nhân mà làm mất đi nguồn lực to lớn này, nếu họ đi chỗ khác thì đó cũng là sự lãng phí.
Song song với đó, cần dũng cảm để bố trí một số trường hợp cán bộ vào những vị trí không như mong muốn hoặc thậm chí đưa ra khỏi nền công vụ những người không phù hợp. Điều này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải có tinh thần mạnh mẽ, dũng cảm và khách quan, công minh để xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong dịp tái cấu trúc này.
Không nên lặp lại tình trạng trước đây, khi sáp nhập các tổ chức thì tổng số biên chế vẫn không thay đổi, số lượng cấp phó lại tăng và vẫn là gánh nặng cho ngân sách nhà nước…
Đồng thời, cần có sự ghi nhận và các chính sách thỏa đáng đối với những trường hợp do tinh gọn bộ máy mà phải rời khỏi công vụ, để tìm một công việc mới ở khu vực khác.
Tôi vẫn thường chia sẻ rằng làm việc ở đâu cũng tốt, không nên phân biệt khu vực công và tư, miễn là sống và làm việc có ích và “ai cũng có thể tìm được chỗ đứng của mình dưới ánh mặt trời, phù hợp với năng lực của mình”.
Cán bộ hướng dẫn, làm thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: THUẬN VĂN
Rất đúng thời điểm
. Theo ông, hiện tại có phải là thời điểm “chín muồi” để thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy?
+ Lần này thực hiện tinh gọn bộ máy, tôi cho rằng rất đúng thời điểm. Điều này được thể hiện ở mấy điểm sau đây.
Thứ nhất, theo chủ trương của Đảng, chúng ta đang chuyển từ quản lý nhà nước sang quản trị quốc gia, trong đó Nhà nước có vai trò trụ cột, cốt lõi, đồng thời phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp. Để phát huy tổng hợp các nguồn lực tập trung cho phát triển đất nước, việc tinh gọn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị lúc này là quá cần thiết và đúng thời điểm.
Thứ hai, cách mạng công nghiệp 4.0, với việc ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ và sự phát triển của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo… sẽ tạo điều kiện để nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức và hoạt động công vụ. Việc tinh gọn tổ chức bộ máy là nhằm để hiện đại hóa và nâng cao tính chuyên nghiệp của chế độ công vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức trong phục vụ nhân dân, phát triển đất nước.
Thứ ba, sắp tới không xa, đại hội Đảng các cấp sẽ được tổ chức. Nếu chúng ta chờ Đại hội XIV tổ chức thành công xong mới tiến hành thì gần như mất nửa nhiệm kỳ mới triển khai được. Nếu chúng ta thực hiện nhanh, gọn, khoa học và hiệu quả thì sẽ phục vụ rất tốt cho đại hội Đảng các cấp thời gian tới. Việc lựa chọn đúng nhân sự tham gia cơ cấu cấp ủy sẽ bảo đảm sự ổn định, tính bền vững hơn trong suốt thời gian, ít nhất là một nhiệm kỳ.
. Ông có đề xuất cụ thể gì trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máytừ các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các đoàn thể?
+ Trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, chúng ta phải thay đổi tư duy sao cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cách tư duy của chúng ta hiện nay trong tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, công chức và trong vấn đề phân quyền, phân cấp vẫn mang nặng dấu ấn của kế hoạch hóa tập trung, chưa phù hợp với yêu cầu hiện nay.
Nếu tư duy đúng thì nhận thức đúng; tư duy, nhận thức đúng mới có thể đưa ra được mô hình, giải pháp để khắc phục những hạn chế trong những lần sắp xếp, tinh gọn bộ máy trước đây.
Về phía các cơ quan của Đảng, việc tinh gọn bộ máy phải gắn liền với đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng; phân vai rõ ràng và thực hiện đúng cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và xã hội nghề nghiệp”.
Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn phải phân định rõ ràng để gắn với trách nhiệm; lãnh đạo và quản lý phải phân định rành mạch để thực hiện và phải “đúng vai thuộc bài”. Quốc hội không thể đi làm thay nhiệm vụ của Chính phủ hoặc Chính phủ không thể vượt quyền, lấn sân của Quốc hội. Cần phân định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức…
Ngoài ra, khi thực hiện tinh gọn bộ máy đợt này, chúng ta cũng nên nhìn ra thế giới, tham khảo kinh nghiệm của những nước có chế độ chính trị tương đồng; tham khảo tổ chức bộ máy của các nước có nền kinh tế phát triển, kể cả các cường quốc…
. Vậy trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, theo ông điều khó thực hiện nhất là gì?
+ Cái khó nhất hiện nay trong tinh gọn bộ máy là vấn đề đổi mới tư duy và thống nhất về tư tưởng, nhận thức; là sự dũng cảm, dám vượt lên trên bản thân mình, từ bỏ các lợi ích cá nhân để vì lợi ích chung của đất nước và của dân tộc.
Nếu vô tư, khách quan, công minh và biết hy sinh thì sẽ làm được điều này. Còn nếu việc gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ thì sẽ lại đi vào lối mòn, nửa vời, kết quả không như mong đợi.
. Xin cảm ơn ông.
Bảo đảm tính ổn định của tổ chức bộ máy
Khi tiến hành tinh gọn bộ máy, chúng ta phải đảm bảo tính ổn định của tổ chức bộ máy, chỉ làm một lần thôi, không phải làm nhiều lần, tách ra lại nhập vào, nhập vào lại tách ra; tránh làm để có thành tích nhưng không đi vào thực chất. Điều này gây ra lãng phí về thời gian, nhân lực, tiền bạc, cơ sở vật chất…
Những nơi sáp nhập, các trụ sở, công sản nhiều khi không sử dụng, thiếu giải pháp sử dụng hữu ích vẫn để hoang phí. Bây giờ mà đi kiểm tra, thanh tra chắc chắn sẽ có không ít cán bộ bị xử lý vì thiếu trách nhiệm để hoang phí.
Không phải bỗng nhiên Tổng Bí thư Tô Lâm nói bên cạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần chống cả lãng phí. Lãng phí gây ra những hậu quả còn nặng nề hơn cả tham nhũng, bởi tài sản tham nhũng còn có thể thu hồi được nhưng lãng phí rồi không thể thu hồi được nữa.
TS TRẦN ANH TUẤN
*****
Đại biểu Quốc hội PHẠM VĂN HÒA (đoàn Đồng Tháp):
Rào cản lớn nhất là con người
Tôi ủng hộ quan điểm “rất cần thiết” phải thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy. Đây là yêu cầu cấp bách không chỉ với cấp huyện xã mà còn phải thực hiện ở cả cấp tỉnh và các bộ, ngành.
Đất nước ta chỉ có 100 triệu dân nhưng có đến 63 tỉnh thành, như thế là quá lớn. Hay với cấp bộ, tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, “bộ trong bộ” vẫn còn tồn tại.
Việc đổi mới, sắp xếp lại cấp tỉnh, bộ, ngành rất nên thực hiện để tinh gọn tổ chức bộ máy. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói chi thường xuyên của chúng ta quá lớn với khoảng 70% ngân sách trong khi các nước chỉ khoảng 40%. Và như vậy thì còn tiền đâu để chi cho đầu tư phát triển.
Rào cản lớn nhất trong thực hiện chủ trương này, tôi cho rằng chính là con người. Chẳng hạn phòng có năm người, anh nào cũng làm việc, giờ tinh giản anh nào đây? Thống kê cho thấy số lượng cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ chiếm vài phần trăm. Cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” nhưng kết quả đánh giá năm nào cũng từ “hoàn thành nhiệm vụ” trở lên thì tinh giản được không?
Muốn làm được điều này, theo tôi, trước tiên cần phải vượt qua rào cản tâm lý, đồng thời có chính sách đánh giá, tinh giản khoa học hơn, tránh cào bằng như vừa qua.
TRỌNG PHÚ
THU NGUYỆT thực hiện
Nguồn PLO : https://plo.vn/rat-dung-thoi-diem-de-thuc-hien-cach-mang-ve-tinh-gon-bo-may-post821482.html