Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương), năm 2024 xuất khẩu rau quả của Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục, đạt 7,15 tỉ USD, tăng 27,6% so với năm ngoái. Ngành hàng rau quả Việt Nam đã khai thác tốt hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống và tiềm năng.
Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2024 kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt trên 4,63 tỉ USD, tăng 27,3%; Hoa Kỳ tăng 39,8%; Hàn Quốc tăng 39,6%; Thái Lan tăng 73,7%...
Mít bày bán ở siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN
Năm 2025, nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường quốc tế đang mở ra cơ hội tốt cho ngành hàng rau quả Việt Nam. Đáng chú ý là theo báo cáo từ statista.com, năm 2025 doanh thu thị trường trái cây tươi toàn cầu sẽ đạt 778,4 tỉ USD. Dự kiến mức tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2025 - 2029 là 6,22%. Nhu cầu tiêu thụ trái cây, rau củ và sản phẩm chế biến trên thế giới có xu hướng ngày càng tăng nhờ lợi ích đối với sức khỏe.
Hiện nay, rau quả Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên thế giới khi giữ thị phần lớn thứ hai tại Trung Quốc. Song song đó, thị phần tại những thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... ngày càng được mở rộng. Đây là cơ sở để rau quả Việt Nam đạt mục tiêu xuất khẩu 8 tỉ USD trong năm 2025.
Tuy nhiên, cạnh tranh thương mại giữa một số nước lớn là thách thức với xuất khẩu rau quả trong năm 2025. Bên cạnh đó, ngành rau quả Việt Nam là chuỗi cung ứng còn nhiều hạn chế. Sản phẩm dễ bị nhiễm hóa chất, vi phạm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật do quy mô sản xuất nhiều nơi còn nhỏ lẻ, phân tán, dẫn đến chất lượng không đồng đều.
Cục Xuất Nhập khẩu cho rằng, để ngành hàng rau quả xuất khẩu ổn định, tăng trưởng bền vững cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên gồm nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp. Qua đó, giúp nâng cao giá trị nông sản, khẳng định thương hiệu Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu.
Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) thông báo về việc nhận được cảnh báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc đối với lô hàng trái cây tươi gồm sầu riêng và mít xuất khẩu từ Việt Nam không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Cục BVTV có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành tăng cường kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu. Đặc biệt, cơ quan chuyên môn phải thông báo tạm dừng toàn bộ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với các trường hợp không tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Cục BVTV.
Đối với các chủ sở hữu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói không trực tiếp xuất khẩu mà cho phép tổ chức, cá nhân khác xuất khẩu sản phẩm từ vùng trồng, cơ sở đóng gói của mình, Cục BVTV yêu cầu phải gửi văn bản thông báo về Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Trong đó, nêu rõ về dự kiến khối lượng xuất khẩu từ vùng trồng trong năm và tên đơn vị xuất khẩu.
Sau khi nhận được văn bản thông báo, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tổng hợp và gửi báo cáo về Cục BVTV. Đồng thời cập nhật trên cơ sở dữ liệu để các chi cục kiểm dịch thực vật vùng có cơ sở làm thủ tục kiểm dịch thực vật. Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 20-1-2025.
TÚ UYÊN