Rau 'tàu bay' - vị của Trường Sơn

Rau 'tàu bay' - vị của Trường Sơn
14 giờ trướcBài gốc
Rau tau bay
Nhưng giữa những năm tháng khốc liệt ấy, vị ngọt, vị đăng đắng nhẹ và hương thơm đặc biệt của rau tàu bay, rau sam, rau bồ công anh, rau chua me đất... mọc ven rừng, ven khe, ven suối là những thứ gắn bó hằng ngày với cha tôi. Những loại rau dại khiêm nhường nhưng đã góp phần nuôi sống cả đoàn xe giữa rừng sâu, khi thực phẩm tiếp tế khan hiếm.
Tôi đã nhiều lần nghe ông kể chuyện. Mỗi lần nói đến rau dại, mắt ông sáng lên như đang sống lại trong một chiều tạnh mưa giữa rừng già, khi đoàn xe dừng nghỉ, tranh thủ nấu một nồi canh tàu bay với vài con cua suối, nắm muối rang. “Lính lúc nào cũng đói, có gì ăn là tốt lắm rồi” - cha tôi nói. Những hôm dừng chân bên một con suối vắng, lính tráng tỏa ra đi kiếm rau, mò cua, bắt ốc. Cơm vắt, rau tàu bay luộc chấm muối trắng, vậy mà ngon ngang cơm nhà.
"Rau tàu bay, ngày đó ở Trường Sơn, nơi nào đốt rừng làm rẫy là y như rằng thấy nó mọc sau đó vài tuần. Mọc rất khỏe, lá xẻ, to bằng bàn tay, không giống cải cúc đâu nhưng ăn vào lại có vị na ná. Nó có mùi thơm rất đặc trưng, vừa ngai ngái vừa dịu mát. Thứ rau dại ấy ăn sống cũng được, nấu canh cũng ngon mà phơi khô để dành cũng chẳng sao. Mùa khô có rau tàu bay là thứ cứu đói tốt" - ông kể. “Hồi ấy tao hay tìm rau tàu bay ở hố bom, hay những nơi bị bom nampalm của Mỹ làm cháy hết cây cỏ. Càng những chỗ như thế càng hay có tàu bay”.
Tuy nhiên, dạo gần đây, khi nghe tôi nói chuyện trên mạng nhiều người bảo rau tàu bay ăn hại máu, cha tôi chau mày. Ông không tin ngay, nhưng cũng bảo: "Ngày xưa ăn nhiều mà không sao, nhưng bây giờ y học tiến bộ, có khi đúng cũng nên”.
Tôi tìm đọc thì thấy đúng là rau tàu bay (tên khoa học là Crassocephalum crepidioides) có chứa một số alkaloid thuộc nhóm pyrrolizidine – đây là nhóm chất có thể gây độc cho gan và ảnh hưởng đến máu nếu ăn với liều lượng cao và kéo dài.
Tôi nói với cha: "Có lẽ vì mình ăn từng bữa, ăn vài ngày thôi rồi chuyển rau khác, nên không ảnh hưởng gì. Nhưng nếu người yếu gan hoặc ăn quá thường xuyên thì cũng cần cẩn trọng”. Ông gật gù: "Ừ, cái gì của rừng cũng phải biết chừng mực. Nhưng phải công nhận cái vị tàu bay ngày ấy thì không gì thay thế được”.
Không chỉ tàu bay, cha tôi còn thuộc làu hàng chục thứ rau khác mọc ven sông, ven suối.
Một trong những thứ mà ngày xưa ông hay kiếm được là rau sam, loại thực vật mọc sát đất, cọng mập, màu đỏ tím, lá nhỏ hình bầu dục, vị chua nhẹ. Ngày xưa lính bộ đội rất chuộng rau sam, vì dễ mọc, mọc nhanh, mọc cả nơi khô cằn. Sam luộc, sam xào, nấu canh hay làm nộm đều ngon. Nó còn có tác dụng giải nhiệt, giải độc. Có lần bị rối loạn tiêu hóa, cha tôi hái một rổ rau sam, đun nước đặc lên uống, hôm sau thấy đỡ hẳn.
Rau dệu hay còn gọi là dền dại. Lá xanh non, mềm, mọc từng chùm dọc bờ ruộng, ven khe. Rau này ăn vào mát ruột, rất hợp nấu canh. Ông bảo, nhiều lúc hành quân mấy ngày liền, không tắm rửa được, người ngứa ngáy, chỉ cần ăn một bữa canh dệu với chút mắm là người nhẹ cả đi.
Bồ công anh – thứ rau lá dài có răng cưa, mọc hoang ở các bãi cỏ, đất pha cát. Ăn hơi đắng, nhưng nếu biết cách chế biến thì rất hấp dẫn. Ông kể: "Ngày đó tụi tao thường hái bồ công anh về luộc lên chấm muối. Vị đắng ngấm dần, xong lại thấy ngọt hậu, ngon lắm. Sau này mới biết nó là thuốc, chứ lúc đó chỉ thấy ăn ngon và dễ tìm là mừng rồi”. Nhớ lời cha, tôi tìm được giống bồ công anh lá tròn trong một trang trại ở Hòa Lạc, mang về Thanh Thủy trồng. Chỉ một thời gian sau, sau vườn nhà đầy bồ công anh, cứ đến đầu xuân lại nảy mầm lên xanh mơn mởn.
Chua me đất – loại cỏ nhỏ, lá giống cánh bướm, ăn có vị chua thanh. Cha tôi bảo mỗi lần sốt rét xong, miệng đắng chát, không muốn ăn gì, chỉ cần nhai vài lá chua me đất là đỡ. Có lần qua vùng núi đá, nước uống phải tiết kiệm từng ngụm, ông hái chua me đất cho mọi người nhai dần, đỡ khát mà cũng làm dịu cổ họng.
Tầm bóp, hay còn gọi là thù lù – cây thấp, quả tròn nằm trong bao như cái lồng đèn nhỏ. Quả chín ăn ngọt mát. Hồi đó, lính trẻ đói kẹo, đói đường, tầm bóp là món khoái khẩu. Có khi nguyên một buổi nghỉ, tụi lính đi mò từng bụi tầm bóp, ăn cho đã miệng. Cha tôi bảo: "Chỉ cần thấy đâu có cánh đồng hoang, hoặc bãi đất mới mưa xong, thế nào cũng tìm ra tầm bóp. “Mà phải nhớ cây tầm bóp có quả nằm trong một vỏ mỏng hình cái đèn lồng, nên có nơi gọi đây là cây đèn lồng” - cha tôi nói. “Người ta hay nhầm lẫn rau này với cây thù lù đực, còn gọi là lu lu đực, lá tương tự, nhưng quả nhỏ không có lồng, chín thì chuyển màu đen tím, ăn ngòn ngọt”. Rau thù lù đực vị tương tự tầm bóp nhưng đỡ đắng hơn. “Ra chợ bây giờ thấy bày bán toàn thù lù đực mà ai cũng gọi đó là tầm bóp” - cha tôi nói.
Một trong những thứ rau ngày trước cha tôi hay kiếm được trên đường hành quân là rau dớn, một loại dương xỉ mọc hoang rất phổ biến ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên. Người dân tộc Thái, Tày, Mường… xem rau dớn là “vua của các loại rau rừng” vì vị ngon, dễ kiếm và nhiều công dụng. “Rau dớn nấu kiểu gì cũng được nhưng xào tỏi là nhất. Mà muốn xào rau dớn ngon, sau khi rửa sạch, nên hong nắng cho nó héo đi” - cha tôi bảo.
Tôi từng đưa cha về lại chiến trường xưa. Những đoạn đường mù sương, những khe núi hoang vu, ông vẫn nhớ từng khúc cua, từng bãi xe nghỉ. Dừng ở đâu, ông cũng nhìn quanh, tìm các loại rau dại cũ. Có nơi, tàu bay vẫn mọc đầy. Có nơi, đất đai đã bị trồng keo, trồng sắn hết, rau dại biến mất.
Nhưng ký ức thì không mất. Những bữa cơm cải thiện bằng rau dại, những nồi rau luộc chấm muối rang, những đêm nằm võng nghe tiếng côn trùng, tiếng suối róc rách hòa cùng mùi ngai ngái của cỏ cây rừng già – tất cả in sâu trong cha tôi. Giờ đã ngoài bảy mươi, ông vẫn bảo: "Khi nào con ra sông, nhớ hái cho bố ít rau tàu bay nhé. Luộc ăn cũng được, nấu canh càng tốt”.
Tôi biết, đó không chỉ là vị của một loại rau. Đó là vị của thời tuổi trẻ, của đồng đội, của những ngày tháng gian khổ mà oanh liệt. Vị của Trường Sơn. Vị của đất nước trong những ngày đứng trước ngưỡng cửa tự do.
Sau chiến thắng 30/4/1975, cha tôi ra quân, về quê và lấy mẹ tôi, sinh lần lượt 5 đứa con. Những năm tháng sau chiến tranh đầy khó khăn đói kém ấy, rau dại tiếp tục đồng hành với cha tôi nay đã là chủ một gia đình đông con ở nông thôn.
Ven các dòng sông, dòng suối hôm nay – rau dại vẫn còn. Chúng mọc âm thầm, kiên cường như chính những người lính năm xưa. Không ai trồng mà vẫn xanh. Không ai chăm mà vẫn tươi tốt. Như thể đất trời sinh ra chúng để đồng hành cùng những con người lam lũ.
Có lần, tôi cùng cha đi men theo sông Đà đoạn chảy qua Thanh Thủy, trời đầu hạ, nắng nhẹ, đất còn ẩm sau cơn mưa tối qua. Cha bảo: "Ngó chừng chỗ kia có tàu bay đấy con”.
Tôi men theo chỉ tay của ông, quả nhiên thấy một đám lá xẻ mọc tua tủa dưới chân bụi cây cháy sém, những chùm hoa bông tròn sắp rời ra, bay đi để rồi nơi hạt rơi xuống, sẽ lại có một cây non mọc lên. Hái một nắm mang về, nấu bát canh loãng với chút tôm khô, cha tôi húp một thìa, khẽ nhắm mắt lại. "Vẫn là nó. Vẫn cái vị ấy”.
Trúc Mai
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/rau-tau-bay-vi-cua-truong-son-10304912.html