Người dân phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn nhổ bỏ cây rau ngồng để chuyển đổi trồng các loại cây khác
Đến cánh đồng sản xuất rau vụ đông của người dân phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn những ngày này không khó để bắt gặp hình ảnh rau cải ngồng trên các thửa ruộng nở hoa vàng rực. Nguyên nhân do gần một tháng nay giá rau ngồng bắp cải thấp, người dân không còn mặn mà thu hoạch mà để ngồng cải nở hoa.
Bà Hoàng Thị Hằng, người dân khối 8, phường Đông Kinh cho biết: Năm nay gia đình tôi trồng hơn 2 sào rau ngồng bắp cải. Thời điểm đầu mùa, tôi cắt bán với giá 10 đến 15 nghìn đồng/kg. Hơn 1 tháng trở lại đây, giá rau xanh giảm chỉ còn 3 đến 5 nghìn đồng/kg, thậm chí đôi lúc còn không có ai mua. Do giá rau thấp nên hiện gia đình đang nhổ bỏ, làm đất để trồng cà chua.
Không riêng gia đình bà Hằng, các thành viên Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Pò Đứa, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cũng rơi vào cảnh rau được mùa, mất giá. Bà Lý Thị Thắng, Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay, 35 thành viên HTX đang duy trì trồng trên 6 ha rau màu các loại. Tuy nhiên, từ hơn 1 tháng nay, giá rau xanh thấp, thị trường tiêu thụ khó. Hiện nay, một số thành viên HTX đã chuyển sang trồng những loại củ, quả khác cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo số liệu thống kê, toàn thành phố Lạng Sơn hằng năm duy trì sản xuất từ 480 đến 500 ha rau xanh các loại, trong đó có trên 100 ha rau vụ đông; trồng chủ yếu tại phường Đông Kinh, các xã Mai Pha, Quảng Lạc… Theo Phòng Kinh tế thành phố, từ hơn 1 tháng trở lại đây, giá rau xanh vụ đông không chỉ thấp mà tiêu thụ cũng chậm hơn, nông dân khó trong tìm đầu ra.
Tương tự thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc cũng là vùng sản xuất rau vụ đông lớn. Bà Dương Thị Oai, Giám đốc HTX Sản xuất rau an toàn Tân Liên, xã Tân Liên cho biết: HTX hiện có 7 thành viên trồng rau an toàn cung cấp ra thị trường. Toàn HTX hiện có 5.500 m2 đất sản xuất các loại rau theo mùa vụ, chủ yếu trồng các loại rau như: su hào, ngồng hoa vàng, ngồng bắp cải… Từ đầu tháng 12 âm lịch đến nay, giá rau xanh rất thấp. Đơn cử như hiện nay rau cải ngồng chỉ có giá từ 2 đến 5 nghìn đồng/kg; su hào 3 đến 4 nghìn đồng/kg; cải làn từ 3 đến 4 nghìn đồng/kg…- giảm hơn 50% so với thời điểm đầu vụ.
Theo số liệu thống kê, diện tích gieo trồng rau các loại trên địa bàn tỉnh năm 2024 đạt 2.905 ha, tăng 7,59% so với năm 2023; sản lượng rau các loại ước đạt trên 30.000 tấn, chủ yếu là rau vụ đông, trồng tập trung tại các huyện Cao Lộc, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn. Những ngày qua, thời tiết nắng ấm kéo dài là điều kiện rất thuận lợi cho các loại rau phát triển. Tuy nhiên, khác với mọi năm, giá rau xanh vụ đông năm nay rất thấp. Theo khảo sát của chúng tôi tại các chợ đầu mối, rau ngồng đặc sản chỉ có giá từ 3 đến 5 nghìn đồng/kg; su hào 5 đến 6 nghìn đồng/kg; cà chua 8 đến 10 nghìn đồng/kg, giảm hơn 50% so với đầu vụ. Theo người dân, với giá bán như hiện nay bà con hầu như không có lãi, thậm chí là lỗ nếu phải thuê đất.
Được biết, ảnh hưởng của mưa lớn sau hoàn lưu bão số 3 năm nay đã gây hư hỏng nhiều diện tích rau màu của người dân. Sau bão, bà con tập trung làm đất, sản xuất rau các loại dẫn đến diện tích canh tác tăng so với cùng kỳ. Đồng thời, thời tiết nắng ấm kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho các loại rau màu, đặc biệt là rau ăn lá, rau ngồng phát triển. Do đó, sản lượng rau xanh các loại cung cấp ra thị trường cùng thời điểm lớn. Trong khi đó, người dân trồng rau xanh trên địa bàn tỉnh chủ yếu bán tại các chợ, bán cho tiểu thương thu mua, ít có liên kết tiêu thụ sản phẩm. Điều này khiến giá rau xanh giảm mạnh.
Bà Phùng Thị Kim Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Thời gian vừa qua, tình hình thời tiết ban ngày có nắng ấm là điều kiện thuận lợi cho các loại rau màu, đặc biệt là các loại rau cải ngồng sinh trưởng phát triển mạnh, sản lượng đạt cao. Tuy nhiên, với sản lượng rau cung cấp ra thị trường lớn đã khiến giá thành rau giảm. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo, khuyến khích người dân chủ động liên kết hình thành các nhóm sản xuất, HTX; đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn VietGAP, GlobalGAP. Từ đó, người dân chủ động được đầu ra sản phẩm, hạn chế rủi ro trong sản xuất. Cùng với đó, bà con nên chú ý diễn biến thị trường, sức tiêu thụ để sản xuất một cách hợp lý, tránh sản xuất ồ ạt, tự phát dẫn đến cung lớn hơn cầu.
Từ thực trạng trên, có thể thấy, nếu không có định hướng phát triển phù hợp, không có sự liên kết bao tiêu sản phẩm, không có thị trường tiêu thụ ổn định thì chắc chắn câu chuyện được mùa mất giá sẽ còn tiếp diễn, không chỉ đối với cây rau mà còn có thể xảy ra với những loại cây trồng khác. Vì vậy, trong thời gian tới, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành liên quan trong việc triển khai những giải pháp hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt, thực hiện các mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm, ứng dụng kinh tế số… Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, ổn định đầu ra cho nông sản địa phương.
LIỄU CHANG