Rau xanh được xếp hạng rủi ro an toàn thực phẩm lớn nhất

Rau xanh được xếp hạng rủi ro an toàn thực phẩm lớn nhất
3 giờ trướcBài gốc
Xử lý rủi ro ATTP một cách hệ thống
Bà Nguyễn Hồng Minh - chuyên gia ATTP, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát khẩn cấp dịch bệnh động vật xuyên biên giới (ECTAD) - Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) tại Việt Nam cho biết, ATTP là vấn đề hiện hữu ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Hàng năm, ATTP ảnh hưởng đến sức khỏe của 600 triệu người sau khi ăn các thực phẩm bẩn và 420.000 người chết hàng năm, gây thiệt 110 tỷ USD/năm. Đáng chú ý, 40% các bệnh liên quan đến ATTP ảnh hưởng đến trẻ em.
Để giải quyết các vấn đề ATTP, FAO đã lồng ghép cách tiếp cận có hệ thống xếp hạng rủi ro trong ATTP cấp quốc gia. Theo đó, yêu cầu có sự hợp tác của nhiều tổ chức, cơ quan cùng phối hợp để giải quyết vấn đề ATTP.
Đoàn kiểm tra của TP Hà Nội kiểm tra mặt hàng thực phẩm đông lạnh tại một siêu thị trên địa bàn Thủ đô.
Với số lượng lớn và đa dạng các nguyên nhân gây bệnh do thực phẩm, các quốc gia thường gặp khó khăn trong việc ưu tiên phân bổ nguồn lực hạn chế cho các vấn đề cụ thể. Bà Nguyễn Hồng Minh cho biết, khung phân tích rủi ro bao gồm đánh giá rủi ro, quản lý rủi ro và truyền thông rủi ro. Xếp hạng rủi ro là một bước trong khung phân tích rủi ro.
Xếp hạng rủi ro là phân tích có hệ thống và sắp xếp các mối nguy thực phẩm hoặc thực phẩm theo mức độ rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng dựa trên khả năng xảy ra, mức độ nghiêm trọng của các tác động tiêu cực đến một nhóm đối tượng cụ thể.
Theo chuyên gia ATTP, quy trình này có thể được sử dụng để xác định các rủi ro quan trọng nhất đến sức khỏe cộng đồng; giúp xác định các can thiệp phù hợp nhất để giảm thiểu nhiễm bẩn thực phẩm.
Bên cạnh việc xác định các vấn đề ATTP cần hành động quản lý thì quy trình này nhằm mục tiêu kiểm tra cơ sở thực phẩm ở các TP khác nhau của chuỗi cung ứng thực phẩm (ví dụ: trang trại, lò mổ, cơ sở chế biến, bán lẻ, dịch vụ thực phẩm).
Ngoài ra, quy trình này cũng nhằm mục tiêu hỗ trợ các chương trình lấy mẫu, kiểm tra thực phẩm trong nước và thực phẩm nhập khẩu; đưa ra hướng dẫn cho người tiêu dùng.
Chuyên gia ATTP phân tích, xếp hạng rủi ro có thể được sử dụng cho nhiều mối nguy do thực phẩm gây ra, bao gồm các mối nguy vi sinh vật và hóa học, trong các loại thực phẩm.
Một mối nguy đơn lẻ có thể được xếp hạng trên nhiều loại thực phẩm (ví dụ: thực phẩm nào có mức độ nguy hiểm cao nhất đến việc tiếp xúc với thuốc trừ sâu?). Nhiều mối nguy có thể được xếp hạng trong một loại thực phẩm hoặc nhiều mối nguy có thể được xếp hạng trên nhiều loại thực phẩm...
Xếp hạng rủi ro ATTP giúp giám sát dịch bệnh
Có thể thấy, xếp hạng rủi ro sẽ cung cấp cho các cơ quan về ATTP đưa ra quyết định liên quan đến luật, phân bổ nguồn lực, ngân sách cũng như tăng cường giám sát dịch bệnh, giúp ích thông tin đến người dân và cộng đồng cải thiện sản xuất, tiêu thụ thực phẩm.
Kết quả của việc xếp hạng rủi ro có thể hỗ trợ việc xác định rủi ro ưu tiên trong ATTP, sắp xếp các mối nguy do thực phẩm gây ra dựa trên cân nhắc về các tác động sức khỏe cộng đồng. Việc ưu tiên tạo ra một danh sách hành động cho các nhà quản lý rủi ro và cung cấp cái nhìn tổng quan hơn, có thể cung cấp thông tin tốt hơn cho các quyết định liên quan đến quản lý rủi ro.
Mô hình chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm ở Long Biên, Hà Nội.
Thời gian qua, “Dự án ATTP một sức khỏe” của FAO tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo xếp hạng rủi ro ở 4 nước, trong đó có Việt Nam. Thông qua hội thảo xếp hạng rủi ro diễn ra vào tháng 6/2024, FAO tại Việt Nam đã cùng làm việc với các chuyên gia ở Việt Nam để xếp hạng rủi ro.
Qua đó, Ban Tổ chức đã thu thập, đưa ra kết quả 10 loại mối nguy khác nhau, trong đó, tập trung chủ yếu vào rau tươi, cá sống. Cụ thể: rau tươi (nguy cơ nhiễm vi khuẩn campylobacter) là mặt hàng được xếp hạng rủi ro đầu tiên; cá sống được xếp hạng rủi ro thứ 2, 3, 4 (do nguy cơ nhiễm dịch tả vibrio, khuẩn tụ cầu vàng, vi khuẩn salmonella spp+)…
Xếp hạng rủi ro dựa trên dữ liệu đảm bảo tính minh bạch và có thể lặp lại. Quy trình này xác định phạm vi của vấn đề (gồm mục đích và khoanh vùng các loại thực phẩm quan tâm. Một loạt các phương pháp có thể được áp dụng để đáp ứng sự khả dụng của dữ liệu và các số liệu kết quả mong muốn.
Tuy nhiên, khi xếp hạng rủi ro sẽ không tránh khỏi lỗ hổng về số liệu vì rất khó có được số liệu đồng đều và cụ thể cho tất cả các mối nguy về thực phẩm. Do đó, Việt Nam cũng như các nước có thể sử dụng số liệu vùng hay quốc tế, WHO hoặc dựa trên kinh nghiệm của các chuyên gia để đưa ra cách xác định nồng độ, xếp hạng thực phẩm.
“Đặc biệt, sự tham gia của Nhà nước và cam kết mạnh mẽ để hiện đại hóa quản lý ATTP là chìa khóa cho sự phát triển và thực hiện thành công nỗ lực xếp hạng rủi ro ở cấp quốc gia” - bà Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh.
Thanh Bình
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/rau-xanh-duoc-xep-hang-rui-ro-an-toan-thuc-pham-lon-nhat.html