Theo Washington Post, sự việc đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ về đạo đức nghiên cứu, quyền riêng tư và cách sử dụng trí tuệ nhân tạo trong môi trường công cộng.
Reddit lên án nghiên cứu bí mật dùng bot AI thao túng thảo luận, vi phạm đạo đức và quyền riêng tư người dùng - Ảnh: Getty
Thí nghiệm "âm thầm"
Subreddit r/changemyview với hơn 3,8 triệu thành viên, là nơi người dùng đăng tải các quan điểm cá nhân để mời người khác phản biện với mục tiêu xây dựng, tôn trọng và cởi mở. Tuy nhiên, trong nhiều tháng qua, diễn đàn này đã trở thành “phòng thí nghiệm” cho một thí nghiệm bí mật, trong đó các bot AI được sử dụng để tham gia thảo luận mà không tiết lộ danh tính.
Subreddit là một chuyên mục hoặc cộng đồng con trên nền tảng mạng xã hội Reddit, nơi người dùng có thể đăng bài, bình luận và thảo luận về một chủ đề cụ thể. Mỗi subreddit được đặt tên với tiền tố r/, ví dụ như r/science dành cho khoa học, r/movies dành cho điện ảnh, r/changemyview dành cho tranh luận quan điểm... Mỗi subreddit hoạt động như một diễn đàn độc lập, có quy định riêng, nhóm quản trị viên riêng và cộng đồng người dùng theo dõi (subscribers). Người dùng Reddit có thể tham gia, đăng bài và tương tác trong bất kỳ subreddit nào họ quan tâm.
Vào cuối tuần qua, các quản trị viên của subreddit này đã công khai sự việc, đồng thời gửi đơn khiếu nại chính thức lên Đại học Zurich, yêu cầu trường không công bố kết quả nghiên cứu. Trong bài đăng chi tiết, họ cho biết các nhà nghiên cứu đã điều hành ít nhất 13 tài khoản Reddit giả, với mục tiêu tạo ảnh hưởng đến các cuộc trao đổi ý kiến. Một số tài khoản còn đóng vai nạn nhân của các chủ đề nhạy cảm như bạo lực tình dục hoặc nhân vật phản đối phong trào Black Lives Matter.
“Chúng tôi không được thông báo, cũng không được xin phép. Nếu họ hỏi trước, chúng tôi chắc chắn đã từ chối”, nhóm điều hành viết.
Theo các nhà điều hành subreddit r/changemyview, bot AI đã đăng tổng cộng khoảng 1.700 bình luận. Ban đầu, nhóm nghiên cứu khởi tạo 34 tài khoản, nhưng 21 trong số đó bị shadowbanned (bị ẩn khỏi cộng đồng) chỉ sau hai tuần. 13 tài khoản còn lại hoạt động trung bình 10 - 15 bài viết mỗi ngày, con số mà nhóm nghiên cứu cho rằng “không đáng kể” so với 7.000 bài đăng mỗi ngày trên toàn bộ subreddit.
Giám đốc pháp lý của Reddit, ông Ben Lee, sử dụng tài khoản traceroo trên nền tảng này, đã không giấu sự phẫn nộ. Trong một bài đăng ngày thứ hai 28.4, ông mô tả nghiên cứu là “không phù hợp và cực kỳ phi đạo đức”, đồng thời là “một sai lầm nghiêm trọng cả về mặt pháp lý và đạo đức”.
“Chúng tôi đang tiến hành liên hệ chính thức với Đại học Zurich và nhóm nghiên cứu có liên quan để yêu cầu giải trình. Reddit sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ cộng đồng và đảm bảo những người vi phạm phải chịu trách nhiệm”, ông viết.
Dù ông Lee không nêu rõ hành động pháp lý cụ thể là gì, nhưng tuyên bố này cho thấy nền tảng đang xem xét nghiêm túc mức độ vi phạm quyền lợi người dùng.
Phản ứng của Đại học Zurich và người dùng Reddit
Phát ngôn viên của Đại học Zurich, bà Melanie Nyfeler, đã xác nhận rằng nghiên cứu trên thuộc một dự án được Ủy ban Đạo đức, Khoa Nghệ thuật và khoa học xã hội của trường xem xét vào năm ngoái. Dự án nhằm khảo sát “tiềm năng của AI trong việc giảm chia rẽ chính trị bằng cách can thiệp vào các diễn đàn trực tuyến”.
Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận rằng ủy ban chỉ đưa ra các khuyến nghị, không có tính ràng buộc pháp lý. Các nhà nghiên cứu tự chịu trách nhiệm cho việc thực hiện dự án và công bố kết quả. "Trước sự cố này, chúng tôi sẽ siết chặt quy trình đánh giá, đặc biệt nhấn mạnh việc phối hợp trước với các cộng đồng trực tuyến liên quan". bà Nyfeler nói thêm.
Đối với người dùng trung thành của r/changemyview, thí nghiệm này không chỉ gây khó chịu mà còn tạo cảm giác bị xâm phạm. Anh Logan MacGregor, một trong những quản trị viên, cho biết anh chọn tham gia diễn đàn vì cảm thấy đây là một trong số ít không gian mạng an toàn, văn minh và thực sự mang tính trao đổi.
“Tôi rời khỏi hầu hết mạng xã hội vì thấy chúng ngày càng độc hại. Nhưng nơi này thì khác, nơi bạn có thể bày tỏ bất kỳ quan điểm nào miễn là tôn trọng người khác. Việc bị đưa vào một thí nghiệm mà không hề hay biết khiến tôi cảm thấy bị lợi dụng”, anh nói.
Trong khi đó, dưới tài khoản LLMresearchteam, nhóm nghiên cứu đã phản hồi các chỉ trích từ cộng đồng Reddit, cho rằng việc không tiết lộ mục đích nghiên cứu là cần thiết để duy trì “môi trường tự nhiên” và tránh làm sai lệch hành vi người dùng.
Họ lập luận rằng các nghiên cứu trước đây về khả năng thuyết phục của AI thường diễn ra trong môi trường giả lập, có sự đồng thuận và trả thù lao, điều mà theo họ là thiếu “tính thực tế” trong các tương tác xã hội thực. “Các nỗ lực thuyết phục trong đời thực thường xảy ra mà đối tượng không hề hay biết, như với quảng cáo hay thông tin sai lệch”, họ cho hay.
Dù vậy, nhóm nghiên cứu đã xin lỗi vì sự gián đoạn và khẳng định toàn bộ quá trình được tiến hành với “mục tiêu đạo đức, an toàn và minh bạch”.
Tác động khó lường
Vấn đề cốt lõi không nằm ở việc nghiên cứu AI, mà là cách nó được thực hiện. Phó giáo sư Angeliki Kerasidou tại Đại học Oxford (Anh) nhận định sự lừa dối trong nghiên cứu có thể được chấp nhận trong một số trường hợp hiếm hoi nếu mang lại giá trị xã hội lớn.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng “sự đồng thuận có hiểu biết” là nền tảng đạo đức trong nghiên cứu vì nó tôn trọng quyền tự chủ và nhân phẩm con người. “Thí nghiệm này cho thấy cần suy nghĩ kỹ về không chỉ giá trị khoa học, mà còn là giá trị xã hội và đạo đức của một nghiên cứu”, bà nói.
Quản trị viên của r/changemyview, MacGregor cho biết, dù thất vọng với cách triển khai của nhóm nghiên cứu, anh hy vọng thí nghiệm sẽ khơi dậy cuộc đối thoại rộng hơn về cách ứng phó với AI trong không gian số.
“Họ đúng khi chỉ ra AI là một thách thức hiện sinh. Cách họ làm thì sai. Nhưng tôi nghĩ họ không có ý xấu. Điều quan trọng là bây giờ chúng ta phải cùng nhau tìm một hướng đi đúng để bảo vệ những không gian mạng mang tính nhân văn còn sót lại”, anh nói.
Sự kiện tại r/changemyview là lời nhắc mạnh mẽ rằng công nghệ AI không chỉ là một công cụ kỹ thuật, mà còn đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về đạo đức và sự minh bạch. Trong khi AI có thể giúp con người vượt qua các rào cản giao tiếp và xung đột, thì cách thức triển khai, đặc biệt khi ảnh hưởng đến con người thật - không có sự đồng thuận - cần được kiểm soát chặt chẽ.
Việc phát triển trí tuệ nhân tạo không thể tách rời khỏi trách nhiệm xã hội. Reddit, trong trường hợp này, đã lên tiếng bảo vệ người dùng. Nhưng liệu các nền tảng khác sẽ làm gì khi những ranh giới đạo đức tiếp tục bị thử thách bởi công nghệ?
Hoàng Vũ