Trong một cuộc trò chuyện trực tiếp có tên TikTok Refugees (người tị nạn TikTok) trên RedNote hôm 14.1, hơn 50.000 người dùng Mỹ và Trung Quốc đã tham gia phòng chat.
Những người dùng Trung Quốc, với một chút bối rối, đã chào đón những người Mỹ và cùng trao đổi về các chủ đề như thực phẩm, tình trạng thất nghiệp của thanh niên. Tuy nhiên, đôi khi người Mỹ lại đề cập đến các chủ đề nhạy cảm hơn.
"Có được phép hỏi về sự khác biệt giữa luật pháp ở Trung Quốc và Hồng Kông không?", một người dùng Mỹ hỏi.
"Chúng tôi không muốn nói về điều đó ở đây", một người dùng Trung Quốc trả lời.
Những cuộc trao đổi văn hóa ngẫu hứng như vậy đã diễn ra trên khắp RedNote, được biết đến ở Trung Quốc với tên gọi Xiaohongshu, khi ứng dụng này nhanh chóng leo lên đứng đầu bảng xếp hạng tải xuống tại Mỹ tuần này. Sự phổ biến của RedNote được thúc đẩy bởi những người dùng mạng xã hội Mỹ đang tìm kiếm một giải pháp thay thế cho TikTok (do ByteDance sở hữu) vài ngày trước khi lệnh cấm có thể xảy ra.
Chỉ trong hai ngày, hơn 700.000 người dùng mới đã tham gia RedNote, một người thân cận với công ty chia sẻ với hãng tin Reuters. RedNote không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.
Theo ước tính của công ty nghiên cứu dữ liệu ứng dụng Sensor Tower, lượt tải xuống RedNote tại Mỹ đã tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm ngoái trong tuần này và tăng 194% so với tuần trước.
Ứng dụng miễn phí phổ biến thứ hai trên danh sách App Store của Apple là Lemon8. Đây là ứng dụng mạng xã hội do ByteDance sở hữu, trải qua đợt tăng trưởng đột biến tương tự vào tháng 12.2024, với lượt tải xuống tăng vọt 190% lên khoảng 3,4 triệu.
Làn sóng người dùng đổ về dường như khiến RedNote bất ngờ. Hai nguồn tin thân cận với công ty Trung Quốc này nói rằng họ đang cố gắng tìm cách kiểm duyệt nội dung tiếng Anh và xây dựng các công cụ dịch tiếng Anh-Trung.
RedNote chỉ duy trì một phiên bản duy nhất, thay vì chia thành ứng dụng trong nước và nước ngoài. Đây là điều hiếm thấy với các ứng dụng xã hội của Trung Quốc phải tuân theo các quy tắc kiểm duyệt trong nước.
Tuy nhiên, RedNote vẫn muốn khai thác sự chú ý đột ngột này, vì các giám đốc coi đây là con đường tiềm năng để đạt được sự phổ biến toàn cầu tương tự TikTok.
RedNote là công ty khởi nghiệp được hỗ trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm, gần đây được định giá 17 tỉ USD. Ứng dụng RedNote cho phép người dùng tạo các bộ sưu tập ảnh, video và văn bản ghi lại cuộc sống của họ. RedNote được coi là một ứng viên tiềm năng cho việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, ứng dụng này đã trở thành công cụ tìm kiếm thực tế cho hơn 300 triệu người dùng khi họ tìm các mẹo du lịch, kem chống lão hóa và gợi ý nhà hàng.
Giá cổ phiếu của một số công ty niêm yết tại Trung Quốc đang tiến hành kinh doanh với RedNote, chẳng hạn như Hangzhou Onechance Tech Corp, tăng vọt tới 20% hôm 14.1.
Sự gia tăng đột biến về số lượng người dùng RedNote tại Mỹ diễn ra trước thời hạn chót là ngày 19.1 để ByteDance bán TikTok hoặc ứng dụng chia sẻ video đình đàm này phải đối mặt với lệnh cấm vì lý do an ninh quốc gia.
TikTok đang được khoảng 170 triệu người Mỹ sử dụng, chiếm gần một nửa dân số nước này và cực kỳ phổ biến với những người trẻ tuổi cùng các nhà quảng cáo muốn tiếp cận họ.
"Người Mỹ sử dụng RedNote như một lời phản kháng với chính phủ Mỹ vì sự can thiệp thái quá vào doanh nghiệp và các vấn đề quyền riêng tư", Stella Kittrell (29 tuổi, nhà sáng tạo nội dung ở thành phố Baltimore, bang Maryland, Mỹ), cho biết. Stella Kittrell nói tham gia RedNote với hy vọng có thêm cơ hội hợp tác với các công ty Trung Quốc mà cô thấy hữu ích.
Một số người dùng đã tham gia RedNote để tìm kiếm các giải pháp thay thế cho Facebook và Instagram thuộc Meta Platforms, lẫn X của Elon Musk. Một số nhà sáng tạo bày tỏ sự nghi ngờ rằng họ có thể xây dựng lại cơ sở người theo dõi TikTok của mình trên các ứng dụng đó.
“Không thể giống như trên Instagram, X hay bất kỳ ứng dụng nào khác. Chủ yếu là vì cách xây dựng cộng đồng trên TikTok rất tự nhiên”, Brian Atabansi (29 tuổi, nhà phân tích kinh doanh và sáng tạo nội dung sống tại thành phố San Diego, bang California, Mỹ) nói.
Người dùng mới đã đổ xô vào ứng dụng mạng xã hội RedNote trong bối cảnh Mỹ có thể cấm TikTok - Ảnh: Internet
TikTok đang phản đối lệnh cấm sắp tới bằng cách kháng cáo lên Tòa án Tối cao Mỹ. Thế nhưng, các thẩm phán đã ra tín hiệu trong các cuộc tranh luận ngày 10.1 rằng họ có khả năng sẽ duy trì luật buộc ByteDance phải bán TikTok hoặc cấm ứng dụng này tại Mỹ vào ngày 19.1.
Phần lớn các thẩm phán Tòa án Tối cao cho rằng các mối lo ngại về an ninh được ưu tiên hơn quyền tự do ngôn luận, dù họ vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức. Tổng thống đắc cử Trump (nhậm chức vào ngày 20.1) đã tìm cách trì hoãn lệnh cấm TikTok để ông có thể đàm phán. Trump đã nói rằng muốn "cứu" TikTok và có suy đoán rằng ông có thể thực hiện hành động vào phút chót để ngăn lệnh cấm.
Trên thực tế, việc tách hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ sẽ rất phức tạp, ảnh hưởng đến các cổ đông ở Trung Quốc cũng như Mỹ. Các luật sư của TikTok đã tranh luận trước Tòa án Tối cao rằng việc tách riêng phần hoạt động tại Mỹ của sản phẩm này là nhiệm vụ “vô cùng khó khăn”.
Hiện chưa rõ liệu TikTok ở Mỹ sẽ được bán thông qua một quy trình cạnh tranh hay việc bán sẽ được chính phủ Trung Quốc sắp xếp. Tỷ phú Frank McCourt (chủ sở hữu CLB bóng đá Olympique Marseille) và Kevin O'Leary (nhà đầu tư Shark Tank) là một phần của nỗ lực thông qua Dự án Liberty để mua lại TikTok, mà O'Leary cho biết đã thảo luận với ông Trump.
“Cùng với Frank, chúng tôi hướng đến mục tiêu cung cấp một nền tảng do người Mỹ sở hữu, bảo vệ an ninh quốc gia. Tôi tin tưởng rằng tầm nhìn chung của chúng tôi, kết hợp với sự nhạy bén trong kinh doanh của Tổng thống đắc cử Trump, sẽ dẫn đến một thỏa thuận có lợi cho tất cả mọi người”, Kevin O'Leary cho biết trong một tuyên bố.
Trước đây, Kevin O'Leary (người Canada) đã bày tỏ sự quan tâm đến việc hợp tác với các nhà đầu tư khác để mua TikTok ở Mỹ, khởi động một nỗ lực gây quỹ cộng đồng hiện sẽ được đưa vào People's Bid for TikTok. Dự án The People's Bid for TikTok đã đảm bảo được sự hỗ trợ từ ngân hàng đầu tư Guggenheim Securities và Kirkland & Ellis (một trong những công ty luật lớn nhất thế giới).
“Kevin là người ủng hộ không ngừng nghỉ quyền sở hữu mới của TikTok vì ông hiểu được cơ hội to lớn mà việc mua lại nền tảng này mang đến cho các nhà đầu tư, hàng triệu người sáng tạo dựa vào TikTok để kiếm sống và những người Mỹ bình thường yêu thích nền tảng này. Chúng tôi đã xây dựng một nền tảng công nghệ hoàn toàn mới, do người Mỹ sản xuất và tiếp tục là nhà thầu khả thi duy nhất có thể cung cấp quá trình chuyển đổi liền mạch cho mọi người trên TikTok mà không cần thuật toán hiện có”, Frank McCourt tuyên bố.
Frank McCourt cho biết nỗ lực “kết hợp của cả hai sẽ mang lại một động lực đáng kể” cho thương vụ, nhưng không cung cấp các con số tài chính.
Trước đây, Microsoft từng tìm cách mua lại TikTok ở Mỹ và Oracle có quan hệ đối tác công nghệ sâu sắc với công ty Trung Quốc này.
Một giải pháp thay thế cho TikTok là chuyển khách hàng hiện tại của mình tại Mỹ sang ứng dụng tương tự với thương hiệu khác, để có khả năng tránh lệnh cấm, theo một trong những nguồn tin của Bloomberg. Tuy nhiên, không rõ hiệu quả của bước đi này sẽ ra sao.
Một người thân cận với TikTok cho biết trước phiên điều trần của Tòa án Tối cao rằng cuộc chiến pháp lý vẫn là trọng tâm của các giám đốc hàng đầu và họ muốn tiếp tục đấu tranh ở Mỹ hơn là bán TikTok và nhượng quyền kiểm soát mãi mãi.
Theo nguồn tin của trang Bloomberg, các quan chức Trung Quốc đang đánh giá một phương án tiềm năng liên quan đến việc Elon Musk mua lại hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ nếu ByteDance không thể chống lại lệnh cấm. Tuy nhiên, TikTok phủ nhận có ý định bán lại hoạt động kinh doanh ở Mỹ cho Elon Musk khi phản hồi câu hỏi từ BBC.
Sơn Vân