REE muốn tham gia các dự án bất động sản dọc hệ thống metro và đường vành đai ở TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.
Sáng 1/4, CTCP Cơ điện Lạnh (HoSE: REE) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 với nhiều mục tiêu kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ.
Về kế hoạch năm nay, REE đặt mục tiêu 10.248 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 22% so với năm 2024. Nếu hoàn thành, đây sẽ là lần đầu tiên doanh thu công ty vượt mốc 10.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ dự kiến đạt 2.427 tỷ đồng, tăng gần 22% và chỉ kém mức kỷ lục của năm 2022.
Kế hoạch kinh doanh tham vọng
Theo Tổng giám đốc Nguyễn Thị Mai Thanh, để đạt mức tăng trưởng 15% mỗi năm, REE sẽ tập trung mở rộng công suất và phát triển kinh doanh. Công ty dự kiến đẩy mạnh các dự án trong mảng năng lượng, cấp nước, cơ điện và bất động sản.
Đáng chú ý, công ty cũng có ý định mở rộng đầu tư sang các ngành mới như phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu hay bất động sản theo trục giao thông (TOD), như dọc hệ thống metro và đường vành đai ở TP.HCM.
Trong lĩnh vực năng lượng, REE Energy đặt kế hoạch nâng công suất thêm 100 MW trong năm 2025, hướng tới tổng 500 MW trong vòng 3 năm tới và mục tiêu dài hạn đạt 2.000-3.000 MW vào cuối năm 2030.
Dù công suất có thể gấp 5 lần lên 5.000 MW vào năm 2025, CEO Mai Thanh cho biết đây vẫn là kế hoạch khiêm tốn.
Bà cho biết mảng điện của REE gặp nhiều bất lợi trong năm qua. Các nhà máy lớn của công ty tập trung ở miền Trung, nhưng khu vực này lại có rất ít bão và mưa, ảnh hưởng đến nguồn nước. Trong khi đó, chỉ các nhà máy ở miền Nam và miền Bắc có điều kiện thủy văn thuận lợi.
Ngoài ra, sản lượng hợp đồng (Qc) do Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) giao ở mức cao, trong khi nguồn nước không đủ để đáp ứng sản lượng yêu cầu, dẫn đến nguy cơ thua lỗ do bị phạt. Phải đến cuối năm 2024, mức Qc mới được điều chỉnh nới lỏng.
REE đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục. Ảnh: REE.
Một khó khăn khác là tình trạng chậm thanh toán từ EVN do tập đoàn này gặp thua lỗ. Bà Mai Thanh cho biết REE đã chủ động chia sẻ với EVN về vấn đề này. Dù có thời điểm EVN nợ lên đến cả nghìn tỷ đồng, CEO REE cho biết các vướng mắc này đến nay đã được giải quyết.
Với mảng cấp nước, REE Water đặt mục tiêu tăng trưởng nhẹ, tập trung vào các dự án mở rộng công suất và hợp tác với các nhà máy nước trong nước lẫn quốc tế. Một dự án lớn đang được triển khai là nhà máy sản xuất nước với công suất khoảng 300.000 m3/ngày.
Bất động sản cũng được kỳ vọng tăng trưởng mạnh. REE Land đặt mục tiêu doanh thu 2.112 tỷ đồng, tăng 84%. Trong khi đó, lợi nhuận dự kiến tăng 58% lên 803 tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 tổng lợi nhuận công ty.
Công ty sẽ hoàn tất bán các sản phẩm thấp tầng còn lại tại dự án The Light Square ở Thái Bình, tìm khách hàng cho tòa nhà văn phòng New City và tiếp tục mở rộng quỹ đất để phát triển văn phòng cho thuê.
Mảng cơ điện được đánh giá có nhiều tiềm năng nhờ xu hướng thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư công tại Việt Nam. REE M&E đã ký mới hợp đồng trị giá hơn 5.100 tỷ đồng trong năm 2024, vượt 28% kế hoạch và gần gấp 5 lần cùng kỳ.
Đáng chú ý, công ty đã trúng gói thầu dự án sân bay Long Thành trị giá 2.534 tỷ đồng. Với hợp đồng chuyển tiếp 5.556 tỷ đồng sang 2025, REE M&E tin tưởng sẽ hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đề ra.
Chia cổ tức 25% và kế hoạch tăng vốn
Đối với cổ đông, REE tiếp tục duy trì chính sách cổ tức ổn định 25%, gồm 10% tiền mặt và 15% cổ phiếu. Với hơn 471 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty dự kiến phát hành thêm gần 70,7 triệu cổ phiếu mới, qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 5.400 tỷ đồng.
Với phần cổ tức tiền mặt, mỗi cổ phiếu sẽ nhận về 1.000 đồng. REE đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 28/2 và dự kiến thanh toán vào ngày 4/4 với tổng số tiền chi trả hơn 470 tỷ đồng.
Đây là năm thứ 4 liên tiếp công ty duy trì tỷ lệ cổ tức 25%. Trong giai đoạn 2016-2019, cổ tức dao động 16-18% nhưng không chia vào năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đối với năm 2025, công ty có kế hoạch tạm ứng tối đa 10% bằng tiền mặt để dành vốn cho hoạt động đầu tư.
Tại đại hội, HĐQT REE đề cử ông Ashok Ramachandran vào vị trí Thành viên HĐQT thay thế ông Huỳnh Thanh Hải, người đã nộp đơn từ nhiệm vào ngày 12/2.
Ông Ashok Ramachandran, sinh năm 1980, quốc tịch Australia, có bằng thạc sĩ và hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật, quản lý và điều hành doanh nghiệp tại Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ và châu Á. Ông hiện là Giám đốc điều hành JSW Energy - một trong những công ty năng lượng hàng đầu Ấn Độ.
Minh Khánh