Học sinh lớp 12 Trường THPT Trương Định, Hà Nội trong giờ học trên lớp. Ảnh: Đình Tuệ.
Hiểu vai trò của sơ đồ tư duy
Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, cô Mã Thị Tới - giáo viên Địa lí, Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, để đạt hiệu quả thì học sinh cần ôn tập kiến thức theo chủ đề bằng hệ thống sơ đồ tư duy. Tổng hợp kiến thức bằng bảng biểu so sánh những nội dung, đối tượng địa lí có sự giống và khác nhau.
Theo quy chế thi mới, học sinh không được sử dụng Atlat Địa lí trong phòng thi. Tuy nhiên, ở bài thi ĐGNL của ĐHQG Hà Nội vẫn có các câu hỏi sử dụng nguồn tư liệu từ Atlat Địa lí. Các em nên tận dụng kênh hình trên Atlat giúp cho việc học Địa lí thêm phần trực quan và có thể mã hóa thông tin lý thuyết bằng hình ảnh từ Atlat, hạn chế được việc học thuộc.
Một bí quyết khác cô Tới muốn truyền đạt lại cho học trò, đó là "Câu chuyện hóa" những nội dung khó. Ví dụ như khi học về gió – một trong những nội dung khó nhất trong phần địa lí tự nhiên, cô đã viết chuyện tình của gió cho các em dễ học về gió hơn. Qua đó, các em không chỉ dễ hình dung về nội dung bài học mà còn giàu hình ảnh liên tưởng.
Cô Mã Thị Tới có nhiều năm giảng dạy môn Địa lí tại Trường THPT Trương Định. Ảnh: NVCC.
Việc rèn luyện cho học sinh thành thạo kỹ năng chinh phục các câu hỏi liên quan đến bảng số liệu, biểu đồ, tính toán cũng vô cùng quan trọng. Đối với câu hỏi nhận dạng biểu đồ, chọn nội dung thể hiện của biểu đồ thì dùng bảng từ khóa dấu hiệu, điều kiện để lựa chọn hoặc loại trừ.
Với câu hỏi nhận xét bảng số liệu, chú ý về cách diễn đạt trong từng vế của đáp án, có xu hướng tăng không đồng nghĩa là liên tục tăng, tăng nhiều không đồng nghĩa là tăng nhanh… Đối với câu hỏi tính toán, thí sinh cần nắm vững các công thức tính toán thường gặp trong môn Địa lí, chú ý đến đơn vị và yêu cầu làm tròn số liệu của đối tượng cần tính.
Đa dạng hóa nguồn tài liệu ôn tập
Học sinh lớp 12 Trường THPT Trương Định, Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ.
Theo cô Mã Thị Tới, thí sinh nên đa dạng hóa nguồn tài liệu để ôn tập. Các em phải chủ động đọc SGK và tài liệu tham khảo để hiểu rõ về các khái niệm, quy luật và cơ sở lí thuyết trong môn Địa lí. Địa lí được xếp vào lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn, nhưng có mối liên hệ mật thiết với lĩnh vực khoa học tự nhiên thông qua phần Địa lí tự nhiên, Địa lí kinh tế.
Các em không nên giới hạn mình trong SGK mà hãy tìm kiếm các nguồn tài liệu bổ sung như sách tham khảo, bài giảng trực tuyến, video giáo dục, các bài báo liên quan đến môn Địa lí để hiểu sâu hơn về các chủ đề, từ đó dễ dàng lưu lại và mở rộng thêm kiến thức mình được học. Nhiều kiến thức lý thuyết có tính thực tiễn cao sẽ giúp các em mở mang kiến thức xã hội cho bản thân.
Học sinh có thể áp dụng phương pháp teach back – Dạy lại cho người khác. Phương pháp này giúp học sinh hiểu sâu, ghi nhớ lâu hơn nhờ hệ thống hóa và truyền đạt kiến thức. Điều này giúp học sinh phát triển kỹ năng mềm như giao tiếp, tự tin và tư duy phản biện; thúc đẩy học tập chủ động, nhận diện lỗ hổng và tự cải thiện. Về hình thức có thể thảo luận nhóm, trình bày, sáng tạo nội dung và ứng dụng công nghệ.
Đặc biệt, cũng giống như các môn khác, khi làm bài thí sinh phải tuyệt đối tuân thủ theo quy chế thi để tránh mất điểm oan. Ngay từ cách điền thông tin vào tờ giấy thi, tô đáp án phải thật rõ ràng, chuẩn xác; học sinh phải phân chia thời gian hợp lý cho các câu hỏi, ưu tiên trả lời câu dễ trước, câu khó sau tránh mất thời gian. Trước khi hết giờ cần đọc qua một lượt để đảm bảo rằng, không được bỏ sót câu hỏi nào.
"Các em cần nắm thật vững cấu trúc đề thi, rèn luyện thêm các câu hỏi ở dạng thức mới. Tăng cường luyện đề để biết rõ lỗ hổng kiến thức nằm ở đâu thì tập trung nhiều hơn thời gian để rèn luyện nhiều bài tập ở nội dung, dạng thức đó. Để ôn tập đạt hiệu quả tốt, học sinh nên học theo tổng hợp kiến thức bằng sơ đồ tư duy, bảng biểu so sánh nhằm tránh sự nhầm lẫn" - cô Mã Thị Tới lưu ý.
Đình Tuệ