Với em Lê Thị Thu Hà (phường Đông Tiến) nếu không có tinh thần tự học sẽ không thể đạt được những điều mình mong muốn.
Xã hội hiện đại, khi phần lớn phụ huynh đều bận rộn với công việc, vấn đề quản lý, giám sát con cái trong học tập là điều khó khăn. Đặc biệt là đối với những đứa trẻ không có tính tự giác, dễ bị cuốn vào các hoạt động giải trí trên mạng internet, trò chơi điện tử... Hiện nay, Chương trình Giáo dục phổ thông mới với trọng điểm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, trong đó đề cao năng lực tự chủ và tự học để các em hình thành, phát triển các năng lực khác để hoàn thiện khả năng của bản thân.
"Gia đình khó khăn, bố mẹ sang Lào làm ăn buôn bán từ khi em còn đang học bậc tiểu học. Ở với chị gái cùng một đứa em nhỏ nên em phải tự chủ động trong học tập, đặc biệt là tự học, tự rèn luyện. Hằng ngày, ngoài công việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa, em phải phân bổ việc học cho phù hợp, ví dụ buổi sáng học lý thuyết, buổi chiều học các dạng bài liên quan đến tính toán, số học. Ngoài tận dụng tối đa thời gian trên lớp, em còn học hỏi bạn bè, tìm tòi phương pháp học riêng phù hợp với năng lực của mình, có như vậy mới tạo hứng khởi trong học tập. Đối với các bài tập khó, em thường liên lạc qua điện thoại hoặc đến nhà nhờ thầy cô, bạn bè để giải quyết bài vở tốt hơn”. Đó là những chia sẻ của em Lê Thị Thu Hà (phường Đông Tiến) khi kể về hành trình nỗ lực để đạt được ước mơ trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT đầy cam go, căng thẳng vừa qua.
Chị Lê Thị Hồng, hiện giảng dạy tại một trường THCS trên địa bàn xã Hoằng Hóa có con năm nay bước vào lớp 9 cho biết: Thời điểm nghỉ hè nhiều bậc phụ huynh do bận đi làm nên đã cho con học tại các trung tâm, lớp năng khiếu hoặc gửi về quê nhờ ông bà chăm sóc. Cũng may, thời điểm này tôi lại có thời gian gần con nhiều hơn. Vốn không phải là đứa trẻ có tính tự lập, tự giác cao, mỗi lần để mình con tự học, không kèm thường xuyên, ngay lập tức cháu có dấu hiệu sa sút. Vì vậy tôi thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở, động viên, theo dõi sát sao để con đi vào quy củ.
Học sinh Trường Tiểu học Minh Khai 1 (phường Hạc Thành) tham gia các lớp rèn luyện kỹ năng sống giúp các em hình thành thói quen tự giác, tự chủ động trong học tập.
Theo chia sẻ của cô Lê Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Khai 1 (phường Hạc Thành), tự học là phương pháp mang lại giá trị cốt lõi, góp phần giúp các em thích nghi trước những thay đổi trong học tập, nhất là trong bối cảnh Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về cấm dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2/2025 khiến không ít phụ huynh băn khoăn, lo lắng, dẫu vậy cũng là cơ hội để trẻ tự giác trong học tập. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng có ý thức tự giác như vậy. Để quá trình tự học diễn ra hiệu quả, chủ động, mỗi bậc phụ huynh cần kiên trì, đồng hành, động viên, xác định mục tiêu, khuyến khích con tự giác, tạo môi trường học tập thoải mái để trẻ cảm thấy tự tin, chủ động hơn mỗi khi ngồi vào bàn học. Bên cạnh đó, việc cho các em tham gia các chương trình, lớp rèn luyện kỹ năng sống thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cũng góp phần để con tránh xa với tivi hay các thiết bị điện tử khác, giúp con bớt bị áp lực, hứng thú hơn trong học tập.
Cô và trò Trường THPT Lam Kinh (xã Lam Sơn) trong một tiết học.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng Trường THPT Lam Kinh (xã Lam Sơn) cho biết, để đạt được kết quả học tập như mong muốn, ngoài sự nhiệt tình giảng dạy của thầy, cô còn là sự nỗ lực rất lớn của bản thân mỗi học sinh. Khi các em có ý thức tự học sẽ dành cho mình những khoảng thời gian thích hợp nhất, chủ động tìm kiếm kiến thức, kỹ năng, thông tin mà không cần phải đến sự giảng dạy của giáo viên hoặc các lớp, trung tâm dạy thêm. Các em có thể tự học ở nhà hoặc thư viện, học theo nhóm bạn hay học online... Đặc biệt, để xây dựng kỹ năng tự học, các em cũng nên bám sát kế hoạch của mình phân chia thời gian hợp lý, lựa chọn phương pháp kiểm tra, đánh giá sao cho hiệu quả nhất. Từ đó, sẽ hiểu và khắc phục những yếu kém...
Bài và ảnh: Viết Trung