Thời tiết lạnh giá đang ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người dân, làm nhiều người phải nhập viện. Tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 160 bệnh nhân tim mạch và hô hấp do ảnh hưởng của giá rét, trong khi tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương và Bệnh viện Châm cứu Trung ương cũng ghi nhận số bệnh nhân nhập viện tăng khoảng 30% so với trước đây, chủ yếu là bệnh nhân cao tuổi bị đột quỵ, tai biến. Đặc biệt, tại Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu nhiều trường hợp bị đột quỵ nặng, trong đó có nhiều trường hợp khá trẻ.
Rét đậm, rét hại cũng ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của trẻ em do sức đề kháng kém. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ được gia đình đưa tới khám bệnh và phải nhập viện điều trị đang có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là sốt cao, viêm đường hô hấp, cúm, sởi và tiêu chảy.
Tương tự, nhiều bệnh viện ở các tỉnh miền núi, như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái... cũng tiếp nhận cấp cứu, điều trị rất nhiều người bệnh do ảnh hưởng của thời tiết giá lạnh.
Điều trị cho bệnh nhân cao tuổi bị tai biến do ảnh hưởng rét đậm, rét hại tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương
Trước tình hình thời tiết rét đậm, rét hại còn kéo dài, Bộ Y tế lưu ý đối với những người làm việc trong thời tiết lạnh, nếu phải làm việc ngoài trời cần giữ ấm cơ thể và làm việc với cường độ chậm. Người lao động phải giữ người, tay chân khô ráo, tránh ẩm ướt, đặc biệt người lao động làm việc ngoài trời trong những ngày mưa rét phải trang bị và sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ lao động: áo chống nước, áo mưa, mũ, găng tay đệm bông và lớp ngoài chống nước; giày ủng ấm và chống nước…
Đối với các hộ gia đình, tuyệt đối không sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín. Nếu thời tiết quá lạnh buộc phải sử dụng than thì chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, cần mở hé cửa để đảm bảo thông khí và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức; không dùng sưởi qua đêm và đóng kín cửa phòng. Đặc biệt lưu ý thời tiết lạnh gây tăng thêm gánh nặng cho tim nên với người bị bệnh tim, huyết áp nên khám và điều trị theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa; đồng thời kiểm tra theo dõi huyết áp thường xuyên, kể cả người trẻ, người chưa có tiền sử bệnh lý tim mạch và huyết áp.
* Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, trong 2 ngày cuối tuần (8 và 9-2), miền Bắc xảy ra rét đậm, rét hại. Nhiệt độ tại Hà Nội chỉ còn 10-12oC. Thông tin với PV Báo SGGP, chị Triệu Thị Phẩy, hướng dẫn viên leo núi ở xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, trên khu rừng già ở đỉnh núi Phjia Pò (Công Sơn) và núi Phjia Mè (Mẫu Sơn) đã xuất hiện băng vào sáng sớm 8 và 9-2, nhưng tan nhanh trên mặt đất, nhiệt độ ở đây còn gần 1-2oC. Ở khu vực Tây Bắc, sương mù vẫn còn xuất hiện, nhưng giảm mức độ so với 2-3 hôm trước.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, không khí lạnh vẫn đang tăng cường xuống các khu vực ở phía Bắc. Trong ngày 10-2, nhiều nơi ở miền Bắc và Hà Nội vẫn còn rét đậm. Tuy nhiên, từ ngày 11-2, không khí lạnh có xu hướng giảm dần, nền nhiệt ở phía Bắc sẽ nhích lên. Do đang vào lúc giao mùa (đông sang xuân) nên không khí lạnh biến tính sẽ gây hiệu ứng sương mù gia tăng (đậm đặc về đêm và sáng), một số nơi còn kèm mưa phùn, nồm ẩm. Hiện tượng này có thể xuất hiện liên tục nhiều đợt từ nay cho đến hết tháng 2-2025. Các loại phương tiện lưu thông ở miền núi phía Bắc trong những ngày tới cần phải đặc biệt đề phòng sương mù, nhất là ban đêm, để tránh xảy ra tai nạn do tầm nhìn bị hạn chế, đường trơn trượt.
* Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, ảnh hưởng các đợt không khí lạnh tăng cường gây mưa, rét đậm kết hợp triều cường dâng cao khiến hàng ngàn hécta lúa đông xuân mới xuống giống ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Hải Lăng bị thiệt hại. Các địa phương đang nỗ lực chống úng để cứu 2.400ha lúa ngập sâu từ 20-30cm. Tuy nhiên, hiện nước sông dâng cao nên việc tiêu úng gặp khó khăn, chưa thể xác định diện tích lúa bị chết úng hoặc chết rét để gieo lại.
MINH KHANG - PHÚC VĂN - VĂN THẮNG