Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ một số cơ quan truyền thông địa phương Ấn Độ cho hay trên máy bay có khoảng 205 người. Trong khi đó, một số hãng truyền thông khác lại đưa ra con số là 104. Những người này chủ yếu đến từ bang Punjab và bang Gujarat.
Trước đó, ngày 4/2, hãng tin Reuters cho hay, một chiếc máy bay vận tải quân sự C-17 chở người Ấn Độ nhập cư trái phép vào Mỹ đã lên đường bay sang Ấn Độ và phải mất hơn 24 giờ mới tới nơi.
Chiếc máy bay vận tải quân sự C-17 của Mỹ chở người Ấn Độ nhập cư trái phép hạ cánh xuống thành phố Amritsar, miền Bắc Ấn Độ (Ảnh: Reuters).
Dù thông tin về chuyến bay không xuất hiện trên các trang web theo dõi chuyến bay công khai, song các kênh truyền hình địa phương đã phát đi hình ảnh chiếc C-17 hạ cánh tại thành phố Amritsar.
Dưới thời các chính quyền Mỹ tiền nhiệm, người Ấn Độ nhập cư trái phép cũng từng được trục xuất trở lại Ấn Độ. Song đây là lần đầu tiên Washington triển khai máy bay quân sự cho mục đích này. Đây cũng là chuyến bay trục xuất người nhập cư xa nhất mà Mỹ sử dụng máy bay quân sự.
Người nhập cư là một trong những vấn đề then chốt giữa Ấn Độ và Mỹ kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền ngày 20/1. Hai bên dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề này trong cuộc gặp giữa ông Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến diễn ra tại Washington vào tuần tới.
Trước đó, trong cuộc gặp với người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar hồi tháng 1, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nhấn mạnh, Chính phủ Mỹ mong muốn hợp tác với Ấn Độ để giải quyết những mối lo ngại liên quan đến người nhập cư bất hợp pháp.
Kể từ thời điểm đó, New Delhi tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận người nhập cư bất hợp pháp sau khi đã xác minh thông tin chi tiết. Ngoài ra, Ấn Độ mong muốn hợp tác với Mỹ nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho công dân nước này có thể nhận được hộ chiếu cho lao động có tay nghề cao.
Khánh An