Hãy là “người thông thái”, tránh sập bẫy lừa đảo trên mạng xã hội. Đồ họa: TTXVN phát
Những chiêu thức lừa đảo trong giao dịch tài chính và ngân hàng đang ngày càng trở nên tinh vi và khó nhận diện, đặc biệt là liên quan đến hoạt động vay vốn, phát hành thẻ tín dụng và mua sắm, thanh toán trực tuyến.
Một trong những thủ đoạn mới mà các đối tượng lừa đảo đang sử dụng là mạo danh Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) để thực hiện các cuộc gọi cho khách hàng. Theo cảnh báo của Ngân hàng số Cake by VPBank, kẻ gian thường gọi điện thông báo với khách hàng rằng họ đang có khoản vay quá hạn và yêu cầu đến CIC để giải quyết. Những kẻ lừa đảo còn làm giả báo cáo CIC và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để nhận báo cáo tín dụng hoặc nâng điểm tín dụng, từ đó hỗ trợ quá trình giải ngân vay vốn.
Đối tượng lừa đảo sử dụng các thuật ngữ chuyên môn như "tín nhiệm", "đóng băng"... và gửi đến khách hàng các văn bản giả mạo có đầy đủ con dấu và chữ ký. Những đối tượng này khẳng định rằng khách hàng đang có hồ sơ tín dụng bị khóa, không đủ điểm tín dụng để vay vốn và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của chúng để xử lý. Điều này khiến không ít người nhẹ dạ cả tin rơi vào bẫy lừa đảo.
Không chỉ lừa đảo qua điện thoại, tội phạm công nghệ cao còn chiếm đoạt thông tin thẻ tín dụng thông qua các nền tảng mua sắm trực tuyến.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), các đối tượng tạo các website giả mạo các sàn thương mại điện tử hoặc trang bán hàng với giá vô cùng ưu đãi, đi kèm các khuyến mãi và quà tặng miễn phí.
Khi người tiêu dùng có nhu cầu mua hàng, chúng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin ngân hàng, bao gồm thông tin thẻ tín dụng để thanh toán. Tuy nhiên, sau khi điền thông tin, phương thức thanh toán của khách hàng lại bị từ chối. Lúc này, kẻ gian sẽ yêu cầu khách hàng thử thanh toán bằng thẻ khác. Hậu quả là những kẻ lừa đảo chiếm đoạt thông tin thẻ tín dụng của nạn nhân và thực hiện các giao dịch chuyển tiền bất hợp pháp.
Đáng chú ý, nhiều nạn nhân không nhận ra rằng mình đang giao dịch với một website giả cho đến khi tài khoản ngân hàng bị rút hết tiền.
Một thủ đoạn khác tuy không mới nhưng vẫn khiến nhiều người sập bẫy, đó là mạo danh nhân viên ngân hàng mời mở thẻ tín dụng. Theo Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), các đối tượng này gọi điện hoặc nhắn tin cho khách hàng để hỗ trợ phát hành thẻ tín dụng.
Chúng nhắm đến những khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đủ điều kiện để được ngân hàng cấp thẻ tín dụng.
Các đối tượng sẽ hướng dẫn khách hàng chụp ảnh Chứng minh nhân dân, thông tin thẻ nội địa hoặc yêu cầu đăng ký thẻ nội địa qua ứng dụng ngân hàng của MB. Sau khi khách hàng đã cung cấp những thông tin trên, đối tượng yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản thanh toán để "ký quỹ", hứa rằng sau khi cấp thẻ tín dụng, số tiền này sẽ được hoàn lại. Tuy nhiên, đối tượng đã sử dụng thông tin thẻ do khách hàng cung cấp để thực hiện giao dịch, sử dụng nguồn tiền từ tài khoản thanh toán của khách hàng để chuyển tiền về tài khoản cá nhân của mình.
Để tránh trở thành nạn nhân của các chiêu thức lừa đảo, các ngân hàng khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những cuộc gọi từ số điện thoại lạ hoặc tự xưng là nhân viên ngân hàng, đặc biệt là khi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện các giao dịch. Đồng thời, trước khi thực hiện giao dịch trực tuyến hoặc cung cấp thông tin cá nhân, người dùng cần kiểm tra kỹ các website và số điện thoại để tránh các trang giả mạo. Ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP hoặc mã CVV qua điện thoại và tuyệt đối không yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.
Hơn nữa, người dân không nên tải và cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc, tránh nhấn vào các đường link lạ trong tin nhắn hay email. Điều này giúp bảo vệ thiết bị và tài khoản ngân hàng khỏi những cuộc tấn công có chủ đích. Lưu ý không nhập thông tin thẻ tín dụng trên các website lạ hoặc những trang mà người dùng chưa từng giao dịch.
Nếu phát hiện mình có dấu hiệu bị lừa đảo, người dùng nên báo ngay cho ngân hàng và cơ quan công an để xử lý kịp thời.
Lê Phương/BNEWS/TTXVN