Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp xem xét, quyết định việc điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
Giao quyền chủ động hơn cho Chính phủ
Sau phiên họp thường kỳ tháng 1/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại vừa họp để xem xét, quyết định việc điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Theo đó, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình một kỳ họp tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín (tháng 2/2025).
Tại tờ trình, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với ba chính sách.
Một là, hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước ở Trung ương (Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).
Hai là, hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và mối quan hệ giữa các cơ quan của Chính phủ. Theo đó, Dự thảo hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính phủ với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp trong việc xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt liên tục, dân chủ, hiện đại, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.
Dự thảo sửa đổi xác định nguyên tắc chung về phân định thẩm quyền theo hướng trao quyền chủ động hơn cho Chính phủ trong thực hiện quyền hành pháp, quyết định các biện pháp tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt trong việc chủ động linh hoạt trong phản ứng chính sách đối với các tình huống cấp bách.
Thủ tướng chính phủ là người đứng đầu chính phủ, tập trung vào nhiệm vụ lãnh đạo công tác của Chính phủ, không giải quyết công việc cụ thể thuộc trách nhiệm Nhà nước của các bộ, ngành.
Lần sửa đổi này cũng tăng trách nhiệm của bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực theo phân công của chính phủ.
Ba là, hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong mối quan hệ với chính quyền địa phương. Thẩm tra, Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng về tổ chức và hoạt động của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Báo cáo thẩm tra phản ánh ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này chuẩn bị rất khẩn trương để phục vụ cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy ngay tại Kỳ họp bất thường tháng 2/2025, nên việc sửa đổi toàn diện một luật quan trọng như Luật Tổ chức Chính phủ cần hết sức cân nhắc về phạm vi điều chỉnh để bảo đảm tính khả thi, chất lượng của văn bản.
Do đó, theo Thường trực Ủy ban Xã hội, thời điểm này chỉ nên tập trung vào những vấn đề cấp bách, trực tiếp liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy. Đối với những vấn đề khác, chỉ lựa chọn các vấn đề, nội dung quan trọng, bức thiết, đã rõ, đã chín về cơ sở lý luận và thực tiễn để đưa vào trong Luật, còn lại những vấn đề chưa rõ, chưa tổng kết đầy đủ, thì cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi vào thời điểm thích hợp.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ cần bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, tránh chồng lấn với các luật khác, đồng thời bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp.
Phân biệt rõ mô hình chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo
Với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, lần sửa đổi này hướng tới xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Theo đó, với chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính đô thị, thì tại thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã tổ chức cấp chính quyền địa phương (có Hội đồng Nhân dân- HĐND và Ủy ban Nhân dân-UBND). Tại quận, phường thị trấn, xã không tổ chức cấp chính quyền, mà chỉ tổ chức UBND là chính quyền địa phương.
Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính nông thôn thì tại tỉnh, huyện tổ chức cấp chính quyền (có HĐND và UBND), còn tại xã thì chỉ tổ chức UBND.
Quyết tâm đến cùng thông qua luật theo trình tự rút gọn
Lưu ý thời gian từ nay đến khi diễn ra Kỳ họp bất thường lần thứ chín rất gấp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cần quyết tâm chính trị rất cao, quyết tâm đến cùng để trình Quốc hội xem xét thông qua các dự án luật về sắp xếp tổ chức bộ máy theo trình tự thủ tục rút gọn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, chậm nhất ngày 20/1, Chính phủ cần gửi các hồ sơ, tài liệu sang Quốc hội để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, bảo đảm chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội.
Với chính quyền địa phương ở hải đảo, thì các huyện đảo không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, chính quyền địa phương ở huyện đảo là cấp chính quyền (có HĐND và UBND) thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã. Riêng TP. Phú Quốc thực hiện theo mô hình tổ chức chính quyền đô thị như đã nêu ở trên (tại phường, xã không tổ chức HĐND).
Riêng chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, luật quy định khung về mô hình tổ chức, còn tổ chức và hoạt động cụ thể của từng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định cùng với việc quyết định thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó.
Thẩm tra, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương mới trong Dự thảo Luật là vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến các thiết chế dân chủ và tổ chức, hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương trên cả nước nên cần dựa trên các cơ sở chính trị, cơ sở lý luận đầy đủ, vững chắc và việc tổng kết thực tiễn về tổ chức mô hình tổ chức chính quyền địa phương trong thời gian qua; đồng thời, bảo đảm phù hợp và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức chính quyền địa phương. Ngoài ra, còn phải đánh giá tác động một cách đầy đủ, kỹ lưỡng, toàn diện, lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu sự tác động, trên cơ sở đó xây dựng các phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương với các lý lẽ, lập luận cụ thể, thuyết phục để báo cáo, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền trước khi đề xuất cụ thể trong dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét.
Nguyễn Lê