Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Trí Nam ĐỖ BÁ DÂN:
Tạo niềm tin, thôi thúc doanh nghiệp “xả thân” cống hiến
Thời gian qua, những khó khăn từ tình hình trong nước và thế giới đã khiến không ít doanh nhân, doanh nghiệp cảm thấy lo ngại, thậm chí có phần chùn bước. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW với các quan điểm, định hướng rất rõ ràng, lần đầu tiên xác định “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế, cùng với các giải pháp cụ thể như: giảm gánh nặng thuế, hỗ trợ tiếp cận vốn, đất đai… đang mang lại sự phấn khởi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Những ai có ý định khởi sự kinh doanh trong giai đoạn này sẽ có thêm động lực để cởi mở tư duy, sẵn sàng nắm bắt cơ hội. Còn với các doanh nghiệp đang hoạt động như chúng tôi, Nghị quyết tạo thêm niềm tin và thôi thúc mạnh mẽ hơn, khiến chúng tôi sẵn sàng "xả thân" cống hiến.
Các chính sách của Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, cũng như Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, không chỉ là nguồn hỗ trợ, động viên, khích lệ doanh nghiệp mà còn tạo ra áp lực tích cực. Chúng tôi tự nhủ rằng: khi đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo cơ chế thuận lợi như vậy thì doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa, hành động xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng đó. Có thể nói, Nghị quyết vừa là động lực, vừa là áp lực để chúng tôi hành động quyết liệt hơn, tự tin hơn và nỗ lực hơn gấp nhiều lần!
Trên thực tế, doanh nghiệp tư nhân không trông chờ một cách thụ động vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà luôn nỗ lực vươn lên để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, khi có các chính sách hỗ trợ kịp thời, điều đó thực sự rất quý giá, đặc biệt với những doanh nghiệp ở các đô thị lớn như Hà Nội, nơi chịu áp lực chi phí thuê mặt bằng rất cao. Tôi tin rằng, nếu các chính sách từ Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có thể tăng gấp 2 - 3 lần so với trước.
Một điểm rất đáng chú ý của Nghị quyết số 68-NQ/TW và Nghị quyết số 198/2025/QH15 là yêu cầu bảo đảm nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm; không hình sự hóa các quan hệ dân sự. Đây là tín hiệu rất tích cực với cộng đồng doanh nghiệp. Trên thực tế, đa số doanh nghiệp luôn nỗ lực tuân thủ pháp luật một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, họ khó có thể kiểm soát hoàn toàn việc đối tác có thực hiện đúng quy định hay không. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp thường có tâm lý lo lắng nếu đối tác bị truy cứu trách nhiệm thì mình cũng có thể bị liên đới. Những quy định mới trong Nghị quyết sẽ giúp cởi bỏ đáng kể nỗi lo này, tạo thêm sự an tâm cho doanh nghiệp.
Chúng tôi mong rằng, khi triển khai, các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan sẽ ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp có thể thực hiện thuận lợi; đồng thời, thủ tục cần được cải cách theo hướng nhanh gọn, hiệu quả. Về phía cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi cũng cam kết sẽ phát huy tinh thần chủ động, hành động nhanh và quyết liệt để kịp thời nắm bắt những cơ hội mà Nghị quyết mang lại.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình ĐỖ VĂN VẺ:
Muốn phát triển phải có đất đai
Mới đây, tôi có dịp trực tiếp tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW. Qua hội nghị, chúng tôi càng hiểu rõ hơn về định hướng, chủ trương và quyết tâm của Đảng trong phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt thông qua việc tháo gỡ các vướng mắc thể chế và trao cho doanh nghiệp nhiều cơ hội đột phá trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai... Tài sản của khu vực kinh tế tư nhân cũng được khẳng định sẽ được bảo hộ.
Có thể nói, Nghị quyết số 68-NQ/TW đang tạo nên một chỗ dựa vững chắc, giúp khu vực tư nhân yên tâm phát triển, khi được tôn vinh trong làm giàu chính đáng và được bảo đảm quyền tiếp cận công bằng các nguồn lực như những thành phần kinh tế khác. Doanh nghiệp tư nhân cũng được tạo điều kiện để tham gia vào các dự án lớn, quan trọng của đất nước. Nghị quyết này thực sự mở đường cho đội ngũ doanh nhân và khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn, vươn tầm khu vực và thế giới.
Cần nhấn mạnh rằng, để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh thì một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu chính là đất đai. Điều này đòi hỏi cơ chế, chính sách phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai, đẩy nhanh thủ tục giải phóng mặt bằng và đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan. Khi doanh nghiệp có được quỹ đất tập trung cho sản xuất, kinh doanh, tức có nhà xưởng, thì mới có thể tạo ra sản phẩm, gia tăng giá trị.
Các địa phương cần sớm xây dựng và công bố quy hoạch cụ thể, rõ ràng: khu vực nào dành cho doanh nghiệp sản xuất, công nghệ cao; khu vực nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; khu vực nào dành cho dịch vụ, thương mại. Đồng thời, cần giải quyết nhanh chóng các thủ tục để doanh nghiệp sớm tiếp cận được đất đai phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi những điều kiện này được đáp ứng, mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động đến năm 2030 sẽ không quá xa vời.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam NGUYỄN QUỐC HIỆP:
Quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức, giám sát việc cắt giảm thủ tục hành chính
Các doanh nghiệp chúng tôi đang rất mong chờ việc cụ thể hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW, đặc biệt khi Nghị quyết xác định rõ chuyển đổi tư duy từ "quản lý" sang "phục vụ". Đây là thay đổi có tính đột phá, thể hiện quyết tâm cải cách trong cách tiếp cận và tương tác giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp.
Nghị quyết cũng nêu ra nhiều giải pháp rất quan trọng, trong đó đáng chú ý là nội dung liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra. Theo đó, sẽ chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp, kéo dài; mỗi doanh nghiệp chỉ bị thanh tra, kiểm tra một lần trong năm, trừ khi có bằng chứng rõ ràng về vi phạm. Đồng thời, các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật sẽ được miễn kiểm tra thực tế.
Tuy nhiên, điều mà cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là cách thức triển khai trên thực tế, nhất là đối với những lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Khi đó, cơ chế phối hợp liên ngành sẽ được thực hiện ra sao để bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết? Trong khi các cơ quan thuế, xây dựng, đất đai, phòng cháy, chữa cháy… đều muốn thực hiện thanh tra, kiểm tra riêng biệt thì ai, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm điều phối và bảo đảm chỉ thanh tra, kiểm tra một lần trong năm? Rõ ràng, cần có sự chỉ đạo thống nhất, cụ thể, để bảo đảm tính hiệu quả và nhất quán.
Mặt khác, Nghị quyết yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính với mục tiêu cắt giảm tối thiểu 30%. Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, vốn liên quan đến nhiều bộ, ngành, thì việc cắt giảm thủ tục chỉ có thể thực hiện hiệu quả nếu có địa chỉ cụ thể chịu trách nhiệm. Các doanh nghiệp rất mong muốn Chính phủ quy định rõ cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm tổ chức, giám sát việc cắt giảm này để bảo đảm Nghị quyết được thực thi thực chất, không chỉ dừng ở tinh thần hay khẩu hiệu.
Một vấn đề nữa mà doanh nghiệp rất quan tâm là năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đã có những trường hợp, do cán bộ cấp tỉnh không nắm rõ quy định, doanh nghiệp phải hỏi lên cấp bộ. Nhưng khi có phản hồi từ cấp bộ, doanh nghiệp vẫn không rõ mình có được phép thực hiện hay không. Thậm chí, có doanh nghiệp phải chờ đến 7 tháng mới được giải quyết. Nếu cán bộ nắm vững quy định, doanh nghiệp đã không phải chờ đợi kéo dài như vậy.
Nghị quyết yêu cầu rút ngắn thời gian xử lý thủ tục. Chẳng hạn, quy định thời gian xử lý thủ tục là 15 ngày. Đến ngày thứ 14, cơ quan quản lý mới phản hồi rằng hồ sơ chưa đủ và yêu cầu doanh nghiệp nộp lại từ đầu, đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục chờ đợi thêm. Vậy, giải pháp nào để tránh tình trạng trì hoãn mang tính hình thức như vậy? Đây là điều mà Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần lưu ý, làm rõ để tránh tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Đan Thanh - Hạnh Nhung thực hiện