Rõ lộ trình, giải pháp cụ thể giải quyết dứt điểm vụ việc tồn đọng, kéo dài

Rõ lộ trình, giải pháp cụ thể giải quyết dứt điểm vụ việc tồn đọng, kéo dài
11 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu
Giảm tỷ lệ ủy quyền, nâng cao chất lượng tiếp công dân
Đánh giá cao số liệu trong Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024 rất minh bạch, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải dẫn chứng, con số 318.362 ngày Chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân là hết sức rõ ràng, tường minh. Đặc biệt, tỷ lệ Chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền tiếp công dân là 18%, trong khi đó so với 5 năm trước, tỷ lệ ủy quyền này lên tới trên 50%; Chủ tịch UBND cấp huyện ủy quyền tiếp công dân là 16%; Chủ tịch UBND cấp xã ủy quyền tiếp công dân chỉ có 8%, đã cho thấy sự chuyển biến lớn, tỷ lệ ủy quyền đã giảm đi rất nhiều. Đây là một thành công trong triển khai thi hành Luật Tiếp công dân và do Thanh tra Chính phủ phủ trực tiếp chỉ đạo đối với các địa phương. Nhờ đó, chất lượng tiếp công dân đã được nâng lên. Thực tế, thẩm quyền giải quyết là của Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND xã, nên nếu người tiếp công dân là cấp phó thì rất khó.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Với những chuyển biến cụ thể như vậy, Trưởng Ban Công tác đại biểu mong rằng, công tác tiếp công dân phải phục vụ tốt hơn cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương cũng như các bộ, ngành. Thông qua thông tin tiếp công dân, chúng ta có thể phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn kịp thời hoặc giải quyết sớm các vụ việc, tránh gây ra những hậu quả, ảnh hưởng, thiệt hại lớn.
Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng đề nghị, cần rà soát việc tiếp công dân theo các quy định của pháp luật, nhất là quy định của Luật Tiếp công dân về việc: “Lịch tiếp công dân của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ở cả trung ương và địa phương phải công khai trên Cổng thông tin điện tử” đã thực hiện được chưa? Hiện nay, việc thực hiện chính quyền số, chuyển đổi số trong các hoạt động hành chính được triển khai rất mạnh, người dân có thể nắm bắt được lịch tiếp công dân trên các Cổng thông tin điện tử, qua đó theo dõi, đánh giá và đăng ký để tham gia các cuộc tiếp công dân.
Liên quan đến việc rà soát, giải quyết 1.003 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, vụ việc khiếu kiện đông người tại các cơ quan trung ương, trong Báo cáo của Chính phủ đã cho thấy có sự quan tâm và tập trung giải quyết. Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, “đến nay có những vụ việc trung ương chuyển về địa phương để tiếp tục giải quyết, nhưng có địa phương không đủ khả năng giải quyết, vì những vụ việc này đã tồn đọng rất lâu. Có những vụ việc trung ương cùng địa phương giải quyết, khi giải quyết xong, người dân vẫn tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành xem xét lại”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Trước thực tế nêu trên, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, khẳng định rõ những vụ việc nào đã giải quyết từ trung ương đến địa phương là đúng, phù hợp với chính sách, pháp luật, từ đó đưa ra kết luận hoặc thông báo chính thức cho các bộ, ngành và địa phương. Cùng với đó, cần tiến hành giải thích, vận động, thuyết phục người dân chấp hành theo đúng quy định của pháp luật, tránh để những vụ việc tồn đọng kéo dài từ năm này sang năm khác.
Công khai các cơ quan, đơn vị không báo cáo đúng thời gian quy định
Đối với công tác dự báo tình hình, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần bám sát những vấn đề nóng của kinh tế - xã hội để dự báo kỹ hơn về tình hình khiếu nại, tố cáo.
Lưu ý tình trạng khiếu nại, tố cáo xung quanh vấn đề liên quan đến đất nông trường và rừng, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, “năm ngoái tôi đã nói về việc tổng hợp khiếu nại, tố cáo xung quanh vấn đề này để so sánh tỷ lệ tháo gỡ và chưa tháo gỡ được. Đó là vấn đề liên quan đến tín chỉ carbon, khoanh nuôi bảo vệ rừng, tiền khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng rừng, phát triển kinh tế dưới cánh rừng. Những vấn đề này rất nóng, nhưng chưa thấy có kế hoạch tháo gỡ”.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Thanh tra Chính phủ công khai thông tin các đơn vị không báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính đúng thời gian quy định lên Cổng thông tin điện tử và các cơ quan báo chí. "Sức mạnh của giám sát là phải công khai, minh bạch, khuyến cáo, kiến nghị, cảnh tỉnh răn đe để người dân thấy rõ", Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng và bảo đảm tính toàn diện của Báo cáo trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám tới đây. Trong đó, cần cập nhật đầy đủ tình hình số liệu về kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính của cơ quan chính nhà nước, Tòa án, Viện kiểm sát. Đồng thời, làm rõ thêm đặc điểm, tình hình công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2024, xác định rõ nguyên nhân của tỷ lệ tăng - giảm số lượt, số người, số vụ và số đoàn đông người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, nhất là việc gia tăng số lượng các đoàn đông người đến Thanh tra Chính phủ.
“Bổ sung đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục rà soát, bổ sung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả công tác này. Tập trung làm rõ các nội dung cần tập trung chỉ đạo, có giải pháp, lộ trình cụ thể để giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài; hạn chế tối đa việc phát sinh vụ việc mới gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Chú ý hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra, bảo đảm giải quyết các khiếu nại, tố cáo từ cơ sở để tránh dồn lên cấp trên”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm kết nối liên thông từ trung ương đến cơ sở và các cơ quan trung ương trong hệ thống chính trị để theo dõi, xử lý kết quả, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này trong tình hình mới. Các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội thường xuyên tiến hành giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở. Chủ tịch UBND ở các địa phương chịu trách nhiệm chính trong vấn đề chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương.
Anh Thảo
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/ro-lo-trinh-giai-phap-cu-the-giai-quyet-dut-diem-vu-viec-ton-dong-keo-dai-post391524.html