Rõ lộ trình khắc phục công trình cấp nước xuống cấp, hư hỏng

Rõ lộ trình khắc phục công trình cấp nước xuống cấp, hư hỏng
7 giờ trướcBài gốc
Hàng loạt công trình không hiệu quả
Chất vấn về nội dung này, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bàn Quý Sơn cho biết: tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, UBND tỉnh đã báo cáo tiến độ giải quyết các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả mới đạt 447/1.504 công trình (chiếm 29,72%). Tuy nhiên, đến ngày 30/5, kết quả kiểm kê đã tăng lên thêm 14 công trình không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh có giải pháp khắc phục hư hỏng, đưa công trình vào sử dụng.
Chủ tọa điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 34, HĐND tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Khánh Duy
Trả lời chất vấn của đại biểu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nông Quốc Hùng cho biết: hiện trạng công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh có 1.504 công trình; trong đó, 1.057 công trình vận hành tốt, 240 công trình hoạt động kém hiệu quả, 207 công trình không hoạt động. 14 công trình tăng thêm từ kết quả kiểm kê kết cấu hạ tầng của các địa phương theo Đề án Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh chủ yếu được giao cho UBND các xã quản lý, thông qua Tổ quản lý cộng đồng vận hành công trình tại các xóm. Với mức thu tiền sử dụng nước được xây dựng và thực hiện quy chế quản lý cộng đồng, tùy theo tình hình thực tế, điều kiện của địa phương để thu tiền nước bảo đảm theo Thông tư số 44/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Sở Nông nghiệp và Môi trường triển khai, phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, có phương án sửa chữa, khắc phục 447 công trình. Qua thống kê, kết quả thực hiện đến nay các đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện sửa chữa, khắc phục được 48/461 công trình đạt 10,4%.
Để khắc phục, sửa chữa và đưa vào sử dụng các công trình cấp nước sạch hư hỏng, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, thời gian tới, sở sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực để duy tu, bảo trì công trình cấp nước. Trên cơ sở kết quả rà soát nhu cầu, hàng năm xây dựng kế hoạch duy tu, sửa chữa thường xuyên; đề xuất kinh phí tập huấn cho các Tổ quản lý - vận hành để nâng cao hiệu quả vận hành.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai duy trì hoạt động, đề xuất các giải pháp nhân rộng mô hình quản lý, vận hành tại cộng đồng để các công trình sau đầu tư hoạt động hiệu quả. Xây dựng hoàn thiện các quy định về quản lý, khai thác công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đề xuất các tổ cộng đồng xây dựng bảng giá, trình sở thẩm định, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về giá thu phí sử dụng nước sạch. Từ đó, phân bổ kinh phí cho việc duy tu, bảo dưỡng công trình thường xuyên, bảo đảm công trình sử dụng hiệu quả…
Đẩy mạnh phân cấp, gắn trách nhiệm trong quản lý, vận hành
Theo dõi nội dung trả lời chất vấn của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, đại biểu Mạc Thanh Tâm cho rằng, các giải pháp được đưa ra còn tương đối chung chung. Qua đó, đề nghị phải có mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và lộ trình khắc phục, sửa chữa rõ ràng.
Đại biểu Mạc Thanh Tâm chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: Khánh Duy
Trước đề nghị của đại biểu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, để khắc phục các công trình xuống cấp, hư hỏng cần có kinh phí, trong khi nguồn này phụ thuộc chủ yếu vào đóng góp của Tổ cộng đồng và ngân sách hỗ trợ. Việc duy tu, sửa chữa hiện đang được các Tổ cộng đồng thực hiện. Vì vậy, sở tiếp tục tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức vận hành của Tổ cộng đồng và người dân trong sử dụng các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Đồng thời, nhân rộng mô hình để thực hiện hiệu quả việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng các công trình nước sạch nông thôn tập trung.
Chủ tịch HĐND tỉnh Bế Thanh Tịnh đề nghị, Sở Nông nghiệp và Môi trường xác định rõ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước; đẩy mạnh phân cấp quản lý cho địa phương, gắn vai trò trách nhiệm của người dân đối với công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh xác định rõ lộ trình, mốc thời gian để tập trung nguồn vốn; đẩy nhanh tiến độ khắc phục, xử lý các công trình không hoạt động, hoạt động không hiệu quả.
Khánh Duy
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/ro-lo-trinh-khac-phuc-cong-trinh-cap-nuoc-xuong-cap-hu-hong-10380071.html