Đội cồng chiêng xã Ia Krêl trình diễn tiết mục Mừng lúa mới
Vì vậy, dù đã ở tuổi xế chiều, nhưng nghệ nhân Rơ Mah Khơn, (sinh năm 1965, xã Ia Krêl, tỉnh Gia Lai) vẫn miệt mài với những âm thanh, giai điệu trầm bổng, vang vọng của những chiếc cồng, chiêng. Bởi theo ông, cồng chiêng là loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị…
Những chiếc chiêng “báu vật”
Vượt qua quãng đường dài tìm về với vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió, chúng tôi theo chân cán bộ xã Ia Krêl tới nhà ông Rơ Mah Khơn.
Dưới tán cây rợp bóng mát trước sân nhà, ông Khơn đang cặm cụi lau chùi, vệ sinh những chiếc chiêng mà ông xem như báu vật.
Với ông, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ dân tộc, mà còn là cội rễ, là vật linh thiêng, là tiếng nói tâm linh của người Jrai trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng từ bao đời nay.
Từ khi 12 tuổi, ông Khơn đã bắt đầu theo chân các già làng và các nghệ nhân trong làng tham gia đánh cồng chiêng ở các dịp lễ, những hoạt động văn hóa ở các buôn làng. Kể từ đó ông bắt đầu tìm hiểu và học cách đánh các bài cồng chiêng.
Miệt mài đam mê với những giai điệu uy nghiêm, âm vang trầm hùng của tiếng chiêng, hễ nơi nào có lễ hội, ông đều tìm đến để nghe và học tập. Dần dần, ông đã có thể nắm vững những nhịp điệu, kỹ thuật cơ bản và thuộc lòng các bài cồng chiêng từ dễ tới khó.
Ông Rơ Mah Khơn cẩn thận gìn giữ bộ cồng chiêng mà mình sưu tầm được
Suốt nhiều năm qua, ông Khơn đã thành thạo việc đánh chiêng và say mê với con đường bảo tồn cồng chiêng, bảo tồn văn hóa của dân tộc mình.
Sau này ông cũng tham gia vào nhiều hội thi diễn cồng chiêng của huyện và đạt giải Ba Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Đức Cơ năm 2019.
Trong gian nhà nhỏ của gia đình, ông Khơn trang trọng dành riêng một góc để trưng bày và gìn giữ bộ chiêng do mình sưu tầm được trước đó.
Ông kể, mỗi lần kết thúc mùa vụ cây trồng trên nương rẫy, số tiền thu được từ việc trồng trọt, ông đều trích ra một khoản để dành mua cồng chiêng. Với gia đình ông, cồng chiêng được xem là gia tài lớn nhất, là báu vật linh thiêng, vô giá mà cả cuộc đời ông đã dành dụm để mua được.
“Trong ký ức của tôi, khi còn trẻ, mỗi lần thấy các nghệ nhân cầm trên tay những chiếc chiêng với âm thanh vang vọng, tôi thấy rất thích thú và nghĩ thầm, khi làm ra tiền sẽ mua 1 bộ chiêng cho riêng mình. Sau này khi lập gia đình, tôi được gia đình ủng hộ và dần mua được bộ chiêng mà mình từng mong ước.
Không những thế, con cái trong gia đình tôi cũng đều đã biết chơi chiêng, dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, nhưng tôi vẫn luôn nhận được sự ủng hộ hết mình mình từ người thân”, ông Khơn bộc bạch với ánh mắt tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.
Ông Khơn cùng đội cồng chiêng xã Ia Krêl đạt giải Ba tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Đức Cơ năm 2019
Định kỳ một vài tháng, dù có mang cồng chiêng đi diễn, đánh ở đâu hay không, ông Khơn lại đem hết thảy những chiếc chiêng mà mình đang lưu giữ ra vệ sinh, lau chùi sạch sẽ. Theo ông Khơn, đây cũng được xem như một việc để bày tỏ sự trân trọng, gìn giữ đối với nhạc cụ linh thiêng của dân tộc mình.
Nỗ lực lưu truyền, gìn giữ và bảo tồn cồng chiêng
Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, âm hưởng cồng chiêng gắn bó với họ suốt cả cuộc đời, từ lúc sinh ra cho đến khi về với thế giới bên kia. Cồng chiêng luôn có ở hầu hết tất cả các lễ hội như: lễ đặt tên, lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ cưới, lễ Pơ thi, lễ cúng giọt nước... Âm thanh của cồng chiêng được ví như tiếng nói huyền bí kết nối giữa thế giới trần tục với thế giới tâm linh.
Chính vì vậy, cồng chiêng được xem là sợi dây gắn kết cộng đồng, trở thành một phần không thế thiếu trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng và văn hóa của người Jrai.
Cũng như bao người đồng bào dân tộc Tây Nguyên, ông Khơn xem cồng chiêng như một phần máu thịt, là di sản vô giá của dân tộc. Nhận thấy được tầm quan trọng đó, ông luôn nặng lòng với việc gìn giữ, cũng như lưu truyền cồng chiêng cho thế hệ trẻ.
Ông Khơn chia sẻ, ở làng có rất nhiều người già biết đánh chiêng. Nhưng khi họ mất đi, thì dần dần cũng không còn ai biết đánh chiêng nữa. Tôi lo sợ như vậy thì cồng chiêng sẽ bị mai một, nên đã cố gắng vận động lớp trẻ, tập trung lại rồi dạy cho chúng cách đánh cồng chiêng.
“Mỗi dịp buôn làng có lễ hội hoặc công việc, tôi đều có mặt để trình diễn cồng chiêng. Khi đó tôi đều cố gắng vận động lớp trẻ theo học. Thế nhưng cuộc sống dần thay đổi, lớp trẻ giờ thích đánh game, chơi điện tử và nhiều thứ mới mẻ hơn nên việc vận động cũng trở nên khó khăn. Nhưng tôi vẫn cố gắng thuyết phục chúng, một lần không được thì hai, ba lần”, ông Khơn nói.
Với gia đình ông Khơn, cồng chiêng được xem là gia tài lớn nhất, là báu vật linh thiêng, vô giá mà cả cuộc đời ông đã dành dụm để mua
Nhờ sự vận động của ông, những người trẻ trong làng, đặc biệt là các em nhỏ cũng dần theo học và biết đánh chiêng. Đến nay, đội cồng chiêng, múa xoang của xã Ia Krêl với hơn 20 người bao gồm cả người lớn, thanh niên và các em nhỏ tham gia. Đội cồng chiêng đánh thuần thục nhiều bài chiêng hay và tham gia nhiều hoạt động, cuộc thi của địa phương tổ chức.
Thấm thoát đã nhiều năm trôi qua, ông Khơn vẫn nhớ như in những lần tay cầm chiêng hòa tấu những nhịp điệu ngân vang giữa không gian các lễ hội văn hóa cũng như các dịp lễ trong buôn làng với tâm thế hào hùng, trang nghiêm và hãnh diện.
Ông khao khát rằng, lớp trẻ cũng sẽ hiểu được tầm quan trọng của thứ âm thanh bay bổng, trầm hùng và linh thiêng ấy, để mai này cồng chiêng cũng như văn hóa của cha ông, của dân tộc mình sẽ được tiếp nối lưu truyền bền vững.
Anh Nguyễn Thành Trung - Bí thư Đoàn thanh niên xã Ia Krêl, người đồng hành cùng các thanh niên và các em nhỏ cũng như các nghệ nhân trong đội cồng chiêng xã Ia Krêl trong suốt chặng đường hình thành và phát triển đội, chia sẻ:
“Nghệ nhân Rơ Mah Khơn là một người đam mê và rất nặng lòng với truyền thống văn hóa của dân tộc Jrai. Những năm qua, ông luôn tích cực vận động, truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho người dân trong làng, đặc biệt là các em nhỏ, các thanh niên trong xã.
Ông cũng luôn là người đi đầu trong phong trào phối hợp với các cấp chính quyền và các đoàn thể xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong cộng đồng làng, góp phần bảo tồn, lưu giữ và phát huy văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc”.
NHƯ TRANG