Robot Daystar Bot GS nổi bật nhờ độ ổn định và khả năng di chuyển vượt trội hơn hẳn so với các nền tảng robot thông thường. Chú chó robot này đã được đưa vào hoạt động tại chùa Fogong (Phật Cung Tự) thuộc tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc, trong khuôn khổ dự án AI Smart Pagoda 2.0.
Dự án do Lenovo dẫn dắt, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu chung di sản văn hóa Đại học Thanh Hoa - Bảo tàng Cố Cung, được xem là một bước tiến lớn trong việc bảo tồn di sản bằng công nghệ số, đồng thời mở rộng giới hạn ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI).
Chú robot sáu chân này hỗ trợ việc bảo vệ lâu dài cho chùa Phật Cung nghìn năm tuổi được xây dựng từ năm 1056 dưới thời Liêu, thông qua các nhiệm vụ như quét 3D thông minh, mô hình hóa kỹ thuật số và tuần tra an toàn định kỳ.
Cao 67,31 mét với 9 tầng, ngôi chùa là công trình gỗ nhiều tầng cổ nhất còn tồn tại trên thế giới, đồng thời cũng là công trình cao nhất thuộc loại hình này. Nhờ giá trị lịch sử và kiến trúc đặc biệt, chùa đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Thị giác 3D thông minh
Trong khuôn khổ dự án, Daystar Bot GS đã hoàn thành việc tái dựng kỹ thuật số chi tiết của trần chùa được trang trí công phu, tạo nền tảng vững chắc cho việc đánh giá cấu trúc, phân tích lịch sử và bảo tồn trong tương lai. Với hệ thống điều khiển tiên tiến, thuật toán cảm biến hiện đại và khả năng chống nước bụi đạt chuẩn IP66, Daystar Bot GS được thiết kế để hoạt động đáng tin cậy trong những môi trường khó dự đoán.
Được trang bị hệ thống thị giác 3D thông minh, robot sáu chân có thể tái tạo các chi tiết di sản ở cấp độ từng milimet mà không cần tiếp xúc vật lý. AI tích hợp cho phép robot tự động cảm nhận và ra quyết định theo thời gian thực, giúp điều hướng ổn định và thu thập dữ liệu chính xác ngay cả trên địa hình phức tạp, không bằng phẳng.
Theo Lenovo, robot được thiết kế cho các ứng dụng công nghiệp và dịch vụ công, đặc biệt phù hợp với những địa hình gồ ghề. Khả năng tự di chuyển và ra quyết định giúp robot thích hợp cho các nhiệm vụ đòi hỏi cả độ chính xác và khả năng thích ứng – hai yếu tố then chốt trong việc bảo vệ di sản văn hóa mong manh.
“Các ứng dụng đổi mới như giám sát thông minh và kiểm tra bằng robot cho phép chúng tôi bảo vệ những tài sản văn hóa quý giá một cách hiệu quả và an toàn hơn”, ông Wang Xiaolong, Phó giám đốc Viện Bảo tồn kiến trúc cổ và tượng đất màu Sơn Tây, cho biết. “Các di tích văn hóa lưu giữ tinh hoa của nền văn minh, truyền tải văn hóa lịch sử và tinh thần dân tộc. Đó là những di sản vô giá mà tổ tiên để lại”, ông nói.
Robot Daystar Bot GS nổi bật nhờ độ ổn định và khả năng di chuyển vượt trội hơn hẳn so với các nền tảng robot thông thường. Ảnh: Lenovo.
Giám sát theo thời gian thực
Dự án còn tích hợp các thuật toán học sâu, cảm biến đa mô-đun và mô hình hóa môi trường. Bằng cách so sánh dữ liệu lịch sử và dữ liệu thời gian thực do robot quét được, hệ thống AI có thể tự động phát hiện các thay đổi về cấu trúc bề mặt, lớp sơn và độ ổn định của gỗ.
“Mục tiêu của chúng tôi là mở rộng khả năng của trí tuệ hiện thân bằng cách ứng dụng vào những tình huống thực tế và có giá trị cao như bảo vệ di sản văn hóa”, ông Mao Shijie, Phó chủ tịch Lenovo kiêm Giám đốc Lenovo Nghiên cứu Thượng Hải, chia sẻ.
Dự án “Chùa gỗ thông minh” được khởi động vào năm 2023. Giai đoạn 2.0 hiện nay là bản nâng cấp công nghệ dựa trên dữ liệu thu được từ giai đoạn đầu. Dự án cũng được chọn là một trong những chủ đề đầu tiên của “Kế hoạch đổi mới giải nghĩa giá trị di sản kiến trúc” do Đại học Thanh Hoa và Viện Cố Cung hợp tác thực hiện.
Phật Cung Tự. Ảnh: Charlie Fong.
Lenovo và các đối tác cho biết họ sẽ tiếp tục nghiên cứu cách mà AI có thể hỗ trợ bảo tồn các di sản kiến trúc đa dạng, kết hợp tri thức truyền thống với hệ thống thông minh nhằm gìn giữ lịch sử cho các thế hệ tương lai.
Thái An
Theo Interesting Engineering