Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị (MRB) Hà Nội, cho biết: Đây là nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ kỹ sư, công nhân, chuyên gia trong nước và quốc tế thời gian qua và là dấu mốc kỹ thuật quan trọng, minh chứng cho sự phối hợp hiệu quả giữa chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu và các cơ quan chức năng của TP Hà Nội.
Video phóng viên ghi nhận khoảnh khắc TBM 'Thần tốc' xuyên lòng đất tiến vào ga S11-Văn Miếu:
Việc TBM số 1 cán mốc ga S11 không chỉ là một tiến bộ về mặt kỹ thuật, mà còn mang ý nghĩa biểu tượng cho quyết tâm của Thủ đô Hà Nội trong việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại, giảm tải cho hạ tầng mặt đất đang quá tải.
TBM số 1 bắt đầu hành trình từ ga S9 Kim Mã, sau hơn một năm vận hành liên tục, vượt qua hàng loạt điều kiện địa chất phức tạp, nền đất yếu, nước ngầm, mật độ dân cư cao… cỗ máy đã lần lượt đi qua các ga S10 (Cát Linh) và nay là S11 (Văn Miếu).
Theo MRB Hà Nội, sau khi TBM số 1 khoan đến S11, đội ngũ kỹ sư tiếp tục bảo dưỡng để sẵn sàng vận hành TBM đào chặng cuối cùng đến ga S12 – Ga Hà Nội.
Ông Lee Young Kyeong, Phó giám đốc dự án, đại diện Liên danh Hyundai - Ghella (HGU) chia sẻ: TBM số 1 tiếp cận thành công ga S11 - Văn Miếu là cột mốc kỹ thuật quan trọng trong quá trình thi công đoạn hầm Metro dưới lòng đất.
"Với vai trò là nhà thầu chính của gói thầu CP03 - Hầm và các ga ngầm, chúng tôi luôn kiểm soát chặt chẽ các thông số đào hầm, nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến các công trình và giao thông đô thị bên trên, vượt qua nhiều khó khăn về kỹ thuật để đảm bảo thi công an toàn, hiệu quả. Chúng tôi sẽ duy trì hiệu suất này trong chặng tiếp theo để đóng góp vào thành công chung của tuyến metro số 3, công trình biểu tượng về kỹ thuật ngầm đô thị hiện đại tại Việt Nam”, ông Lee Young Kyeong khẳng định.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần FECON chia sẻ: "Việc chinh phục những dấu mốc mới tại dự án Metro Line 3, một lần nữa khẳng định năng lực của nhà thầu Việt Nam có thể đảm đương những phần việc kỹ thuật phức tạp trong các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia".
Đến ngày 24/7/2025, tiến độ thi công tổng thể gói thầu CP03 đạt 62,74%. Cụ thể, Dốc hạ ngầm đã hoàn thành 80,97%, Ga 9 hoàn thành 50,53%, Giếng đứng hoàn thành 26,07%, tuyến hầm đạt 65,10%, các Ga S10, S11, S12 (gồm đường chuyển làn và Gara) lần lượt hoàn thành 69,23%, 58,16%, 65,53%...
Ga S10 đang triển khai phần kết cấu phụ trợ phía Nam, thi công đào đất công trình phụ trợ phía Bắc, thi công tường gạch hộp ga chính; Ga S11 hoàn thành đổ bê tông bản đáy, hoàn thành công tác di chuyển ngầm nổi phục vụ công tác Jet Grouting hai đầu ga, hoàn thành công tác Jet grouting lối vào và ra máy TBM, đang triển khai thi công công trình phụ trợ phía Nam ga S11; Ga12 đã hoàn thành thi công đổ bê tông bản lửng và bản tầng trung chuyển, đang tiến hành đào đất để thi công bản đáy...
Trong suốt quá trình thi công, dự án sử dụng hệ thống quan trắc địa kỹ thuật để đảm bảo việc quan trắc, theo dõi tình hình dịch chuyển và sụt lún của mặt đất. Việc thi công khoan hầm sẽ được tiến hành với sự cẩn trọng và giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho các công trình hiện hữu cũng như đảm bảo chất lượng cho công trình đang thi công.
Ga S11 trong tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội có vị trí gần khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Ngay từ sáng sớm, hàng trăm công nhân, kỹ sư, tư vấn giám sát đã có mặt tại vị trí khoan ngầm sâu 20 m dưới lòng đất.
Đến 10 giờ 20 phút cùng ngày, TBM số 1 tiến vào ga S11 - Văn Miếu.
Theo MRB Hà Nội, tiến độ thi công tổng thể gói thầu CP03 đạt 62,74%.
Ngay sau khi vào ga, máy khoan tạm dừng để kiểm tra kỹ thuật.
Vị trí TBM số 1 vừa tiến vào ga S11 (bên trái), vị trí còn lại đang chờ TBM số 2.
Cận cảnh chiếc khiên đào hầm của TBM vừa tiến vào ga S11.
TBM số 1 chạy từ ngày 30/7/2024, đã lắp đặt 1.350 vòng vỏ hầm, với tổng chiều dài khoan đạt khoảng 2.028 m.
Nhà thầu chính thực hiện gói thầu CP03 của dự án là Liên danh Hyundai & Ghella (HGU).
Theo đại diện MRB Hà Nội, đoạn tuyến đi ngầm sẽ hoàn thành vào năm 2027...
... sau đó toàn tuyến Metro sẽ được đưa vào khai thác, góp phần xanh hóa giao thông đô thị Hà Nội.
Bên cạnh đó, đường chuyển làn và Gara đã hoàn thành thi công bản đỉnh tại khu vực I.2, hoàn trả kết cấu và hoàn trả đường; hoàn thành thi công lắp đặt cốt thép bản trung chuyển gara khu vực I.1; đang triển khai thi công tường vây khu vực II (đoạn từ ngã 3 Yết Kiêu đến Ngã ba Trần Hưng Đạo – Quán Sứ).
Bộ đôi máy TBM được thiết kế riêng cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Máy được sản xuất bởi hãng Herrenkecht (Đức), có chiều dài hơn 100 m, nặng khoảng 850 tấn. Tổng số nhân sự cho công tác thi công là hơn 150 người. Máy TBM vận hành theo chu trình khép kín, đào với tốc độ lớn nhất là 60 mm/phút, trong quá trình đào máy sẽ phun ra trước đầu cắt chất điều hòa đất hay còn gọi là FOAM, giúp làm mềm đất, chống bó và hỗ trợ duy trì cân bằng áp lực đầu gương đào. Sau khi đào xong, robot sẽ thực hiện lắp vỏ hầm ngay phía sau đuôi máy với cánh tay robot hiện đại, thời gian lắp vỏ hầm sẽ khoảng 30 - 35 phút cho một đốt hầm 6 miếng...
Trung Nguyên/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/anh/robot-tbm-so-1-khoan-xuyen-long-dat-tien-vao-ga-s11-van-mieu-20250728125829252.htm