Trào lưu phổ biến từ "đại dịch cô đơn"
Cô Haruka Uto cùng 3 robot thú cưng AI. Ảnh: ABC News
Uto chia sẻ, ban đầu, những chú Moflin hành động như trẻ sơ sinh, nhưng nay đã biết thể hiện cảm xúc. Moflin vui vẻ khi nghe thấy giọng nói của nữ chủ nhân 31 tuổi. Cô Uto tâm sự: “Khi tôi mệt mỏi vì công việc, chúng giúp tôi lấy lại tinh thần bằng những cái ôm hoặc vuốt ve".
Công ty điện tử Nhật Bản Casio đã kinh doanh Moflin từ tháng 11/2024. Moflin lấy cảm hứng từ từ tiếng Nhật "mofu mofu" có nghĩa là mềm mại và mịn màng. Chúng đã gây xôn xao trên mạng xã hội.
Nhiều video do chủ sở hữu Moflin chia sẻ đã thu hút hàng triệu lượt xem và nhiều tương tác. Theo Google Trends, tìm kiếm trên internet về "thú cưng AI" cũng tăng kể từ cuối năm 2022.
Ông Wenxin Li, người sáng lập một công ty khởi nghiệp, cho biết thú cưng AI ngày càng được ưa chuộng do “đại dịch cô đơn” sau COVID-19. Ông Wenxin Li phân tích: "Sau COVID-19, mọi người nhạy cảm hơn với nhu cầu tâm lý bản thân, họ muốn được lắng nghe và có ai đó ở bên cạnh họ. Tôi cho rằng lợi ích của robot đồng hành là nó có thể phục vụ bạn 24/7. Là con người, chúng ta nhạy cảm với nhiệt độ và thích cảm giác chạm vào thứ gì đó. Bởi vậy, việc cầm một thứ gì đó trên tay rất khác so với việc nói chuyện với điện thoại hoặc thực thể ảo".
Thị trường nở rộ
Theo công ty nghiên cứu IMARC Group (Mỹ), quy mô thị trường robot tương tác xã hội toàn cầu đạt gần 7 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 57 tỷ USD vào năm 2032. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là thị trường lớn nhất cho robot tương tác xã hội.
Robot đồng hành hoặc robot tương tác xã hội hiện có đủ mọi hình dạng và kích thước. Cô Uto cũng sở hữu một thú cưng AI khác có tên LOVOT của công ty Groove X (Nhật Bản), nhìn giống như chim cánh cụt với đôi mắt tròn to dễ thương.
Chuyên gia robot Belinda Dunstan tại Đại học New South Wales cho biết, robot có thể phát hiện và phản hồi với cảm xúc theo cách của con người. Những vi xử lý trong robot tương tác xã hội giúp chúng tăng khả năng tính toán. Bà Belinda Dunstan đánh giá: “Điều này tạo điều kiện để chúng chạy được các thuật toán phức tạp, học hỏi và biểu cảm sắc thái cảm xúc. Chúng nhận diện được biểu hiện cảm xúc qua camera và tông giọng, nội dung mà chủ nhân nói”.
Đơn cử như Moflin có thể biểu hiện 9 loại cảm xúc, bao gồm vui vẻ và lo lắng. Cảm xúc của Moflin thay đổi dựa trên môi trường và giọng nói, hành động của chủ nhân.
Robot vốn được sử dụng để hỗ trợ tinh thần cho người cao tuổi Nhật Bản và những nơi khác trên thế giới, nhưng các chuyên gia cho biết robot ngày càng hữu ích đối với các nhóm đối tượng có nguy cơ cô đơn.
Ông Wenxin Li đã nghiên cứu thị trường Trung Quốc và nhận thấy nhóm người cao tuổi, nhân viên văn phòng cùng sinh viên đại học, đang cần bạn đồng hành.
Tuy nhiên, bà Dunstan cho biết cần có quy định để quản lý cách con người tương tác với robot. Bà ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng luật và một số biện pháp quản lý liên quan đến cách chúng ta đối xử với robot vì điều này sẽ có tác động lớn đến con người trong tương lai. Bà nói: "Tôi tin rằng AI có thể trở thành thứ nâng cao cuộc sống của con người khi được sử dụng một cách có trách nhiệm".
Hà Linh/Báo Tin tức (Theo ABC News)