“Điệp viên 007” của di sản nghệ thuật
Trong Thế chiến thứ hai, Đức Quốc xã đã thu thập vô số tác phẩm nghệ thuật từ khắp thế giới. Những kiệt tác của người Do Thái, các tác phẩm bằng đá cẩm thạch của Đền Parthenon cho tới những đồ tạo tác bằng đồng… tất cả đều bị đem về Berlin như chiến lợi phẩm trên hành trình xâm lược của chúng.
Trong Thế chiến thứ hai, phát xít Đức đã chiếm đoạt hàng trăm tác phẩm nghệ thuật có từ thời kỳ La Mã và Phục hưng của Ý.
Sau khi phát xít Đức bị tiêu diệt, một câu hỏi đặt ra là liệu có nên trả lại các tác phẩm nghệ thuật này cho chủ sở hữu hợp pháp, vì chúng đã bị đánh cắp, bán hoặc bị lấy đi một cách cưỡng bức? Và, đối với nhiều tác phẩm vốn đã ba chìm bảy nổi qua tay nhiều nơi, chúng ta có thể quay ngược lại bao xa để xác định chủ sở hữu hợp pháp hiện nay là ai? Chúng ta có thể dựa trên cơ sở nào để đưa ra những tuyên bố này?
Tất cả những câu hỏi ấy, đều được một người bắt tay vào giải quyết ngay từ khi Thế chiến hai kết thúc, người sau này được hậu thế gọi là “Điệp viên 007” của di sản nghệ thuật. Đó là Rodolfo Siviero, một nhà tình báo Ý từng phục vụ trong quân đội của Mussolini nhưng sau đó gia nhập phong trào chống phát xít.
Rodolfo Siviero đã đạt được thành công ngay trong nhiệm vụ chính thức được giao vào tháng 4/1945, ngay sau khi Thế chiến hai kết thúc, để mang về hơn 600 tác phẩm từ các bảo tàng Uffizi và Palatina mà Đức Quốc xã đã lấy đi và vận chuyển đến Nam Tyrol, Ý.
Nhưng đóng góp quan trọng nhất của ông có lẽ là đưa sức mạnh của lý trí và văn hóa vào việc bảo vệ di sản nghệ thuật quốc tế, xóa bỏ các quyền cổ xưa của những kẻ xâm lược về việc cướp bóc và chiếm đoạt các di sản văn hóa và khẳng định lại giá trị của tác phẩm nghệ thuật thuộc về người dân. Nỗ lực quan trọng nhất của Siviero cho nhiệm vụ này diễn ra vào năm 1948. Năm đó, ông đã thành công trong việc thúc đẩy sửa đổi Điều 77 của Hiệp ước hòa bình được ký kết giữa Ý và các lực lượng Đồng minh sau Hiệp định đình chiến ngày 8/9/1943.
Rodolfo Siviero đã dành cả đời để truy tìm, thu hồi và bảo vệ các di sản nghệ thuật của Ý. Ảnh: Wikipedia.
Ban đầu, điều khoản này quy định việc trả lại các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp cho Ý và đặt ngày đình chiến là giới hạn sau đó có thể yêu cầu trả lại các tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, việc lấy ngày đình chiến làm mốc tham chiếu vô hình trung đã loại trừ tất cả những tác phẩm đã bị lấy khỏi Ý trước đó, đặc biệt là những tác phẩm bị lấy đi dưới áp lực của các nhà lãnh đạo phát xít.
Bằng những mối quan hệ của mình trong giai đoạn hoạt động tình báo, Siviero đã xoay xở để hội nghị thay đổi mốc thời gian thành năm 1937, đồng thời thuyết phục phe Đồng minh chấp nhận rằng, ngay cả những tác phẩm mà phát xít Đức đã mua và trả tiền cũng phải được trả lại nơi xuất xứ.
Rodolfo Siviero là ai?
Rodolfo Siviero là một nhân vật độc đáo, kết hợp các đặc điểm của một nhà điều tra, một điệp viên bí mật, một người sành nghệ thuật và một nhà bảo tồn văn hóa. Ông là một nhân vật gây tranh cãi, với một đội ngũ đông đảo các bạn bè tận tụy và một danh sách kẻ thù truyền kiếp cũng rất dài.
Sinh ra tại Guardistallo, Pisa (Ý), ngày 24/12/1911, Rodolfo Siviero chuyển đến Florence vào năm 1924 do công việc của cha mình. Tuy nhiên, ông không được nhận vào Trường trung học Michelangelo năm 1924 vì kết quả kỳ thi tuyển sinh của ông không tốt. Không nản lòng, Siviero quyết định tự học.
Bức tượng Lancellotti Discobolus, một trong những tác phẩm vô giá của Ý đã được Rodolfo Siviero thu hồi sau khi rơi vào tay phát xít Đức. Ảnh: Artandobject.
Năm 1936 chứng kiến một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Siviero: ông trở thành điệp viên cho Cục Tình báo Quân đội Ý (SIM), cơ quan tình báo quân sự của chế độ phát xít Mussolini. Năm 1937, dưới vỏ bọc là sinh viên nhận học bổng về lịch sử nghệ thuật, ông được cử đến đến Berlin để thu thập thông tin về chế độ Đức Quốc xã ở đó.
Tuy nhiên, vào năm 1938, ông bị trục xuất. Siviero kể lại lý do trong hồi ký của mình rằng ông đã bắt đầu liên lạc với người Anh-Mỹ và bị phát hiện, dẫn tới lệnh trục xuất. Đấy là giai đoạn mà nhận thức về sự liên kết ngày càng tăng của chế độ Mussolini với chủ nghĩa Quốc xã, và phẫn nộ với cuộc đàn áp tàn khốc của phát xít Đức đối với người Do Thái đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong niềm tin của Siviero, khiến ông quyết định xa lánh chế độ phát xít.
Năm 1943, Siviero gia nhập mặt trận chống phát xít. Nhiệm vụ của ông từ đó trở đi là lợi dụng vị trí được chính quyền Mussolini giao để giám sát các hoạt động vơ vét tác phẩm nghệ thuật vô giá tại Ý do phát xít Đức tiến hành. Kẻ tổ chức tham lam khác của những vụ vơ vét này là Thống chế Hermann Goering, người đã đích thân đến Florence vào tháng 12/1942 để tìm kiếm “con mồi”. Nhân vật quyền lực số hai của Đức Quốc xã là kẻ chủ mưu đằng sau tất cả, đặc biệt là phương pháp chiếm đoạt tác phẩm nghệ thuật khác, phương pháp mà Goering đã thực hiện ở Ba Lan vào năm 1939, nơi ông ta tịch thu toàn bộ di sản nghệ thuật, và cũng đã làm như vậy ở Pháp từ năm 1942 và ở Ý từ năm 1943.
Từ tháng 11/1943, Kunstschutz, một văn phòng của Đức do Goering thành lập, đã hoạt động ở cả Rome và Florence (với trụ sở chính tại Kunsthistorisches Institut ở Piazza Santo Spirito, Florence). Về mặt chính thức, văn phòng này được cho là bảo vệ nghệ thuật Ý, nhưng trên thực tế, Kunstschutz đã thực hiện một cách có hệ thống việc cướp bóc các tài sản nghệ thuật của Ý, chuyển chúng đến Bảo tàng Linz của Hitler và đến bộ sưu tập cá nhân của Goering.
Từ ngôi nhà của nhà sử học nghệ thuật Do Thái Giorgio Castelfranco trên đường Lungarno Serristori ở Florence, Siviero đã tổ chức một mạng lưới theo dõi việc vận chuyển những tác phẩm nghệ thuật khỏi nước Ý và sau khi chế độ Mussolini sụp đổ, họ chuyển tất cả thông tin này tới quân Đồng minh. Ngoài ra, bản thân ông, bằng đủ mọi cách cũng bí mật đoạt được một số tác phẩm từ tay phát xít Đức, chẳng hạn như bức “Annunciazione di San Giovanni Valdarno” của danh họa Beato Angelico, và cất giấu chúng trong các tu viện.
Nhờ danh tiếng trong giai đoạn kháng chiến, cũng như kinh nghiệm làm việc với với các cơ quan của Ý và Đồng minh để giải quyết vấn đề tài sản của người Do Thái bị tước đoạt ngay sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Siviero được Thủ tướng Ý Alcide De Gasperi phong làm Đại diện toàn quyền để chỉ đạo một phái đoàn ngoại giao đến chính phủ quân sự Đồng minh của Đức để thiết lập nguyên tắc trả lại các tác phẩm nghệ thuật của Ý bị Đức cướp bóc vào năm 1946.
Và, như đã đề cập ở phần đầu của bài viết, sau rất nhiều nỗ lực thì Siviero thành công trong việc đưa hầu hết các tác phẩm bị cướp bóc đó trở lại Ý, đồng thời thuyết phục các lãnh đạo phe Đồng minh thay đổi quan điểm về việc trả lại các di sản nghệ thuật bị phát xít Đức mua hợp pháp rồi mang khỏi nước Ý.
Binh lính Đức vận chuyển những thùng gỗ chứa các tác phẩm nghệ thuật chiếm đoạt được ở Rome năm 1943. Ảnh: Wikipedia.
Dành cả đời để bảo vệ di sản văn hóa
Sau khi nhiệm vụ thu hồi cổ vật về Ý sau khi Thế chiến hai kết thúc, từ năm 1963 đến năm 1983, với tư cách là lãnh đạo Tổng cục Cổ vật và Mỹ thuật, Siviero tiếp tục truy tìm các tác phẩm nghệ thuật bị phân tán trong chiến tranh trên khắp châu Âu. Và, trên hành trình này, ông phải đối mặt với một nỗi đau mới của người Ý: Nạn trộm cắp cổ vật và khai quật di chỉ khảo cổ bất hợp pháp.
Trong cuộc chiến mới, ông cũng đã đạt được nhiều thành công. Nhưng càng thành công thì ông lại càng có nhiều kẻ thù. Siviero nhận được vô số lời đe dọa lấy mạng của các băng đảng mafia vốn đang ăn nên làm ra trong lĩnh vực buôn lậu cổ vật. Dù vậy, nhà tình báo kỳ cựu vẫn không hề lùi bước.
Vào giai đoạn cuối đời, Siviero đã tặng ngôi nhà và bộ sưu tập của mình cho Vùng Tuscany để tạo ra một bảo tàng về các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp gửi lại di sản của mình cho các thế hệ tương lai. Được khánh thành vào năm 1992, Bảo tàng Casa Siviero ở Florence chiếm trọn cả ba tầng của tòa nhà nơi Siviero sống, trưng bày bản sao của tất cả những tác phẩm mà ông thu thập được cũng như kể lại hành trình đưa những tác phẩm ấy trở lại với nước Ý.
Rodolfo Siviero qua đời vì bệnh ung thư vào ngày 26/10/1983, khi ông sắp đón sinh nhật thứ 72. Và dường như đó cũng là dấu chấm hết cho hoạt động truy tìm những di sản văn hóa thất lạc của Ý trong Thế chiến thứ hai. Bởi 4 năm sau đó, Phái đoàn Bồi thường của Ý, vốn được thành lập năm 1953, cũng đã bị giải thể.
Siviero được chôn cất tại Nhà nguyện Họa sĩ ở Tiểu vương cung thánh đường Annunziata tại Florence. Khi chia tay thế giới này, ông muốn được nhớ đến như một người yêu nghệ thuật, một người sẵn sàng đánh đổi mạng sống để bảo vệ những di sản văn hóa Ý, rồi sau đó mới là một điệp viên. Với Siviero, tình báo chỉ là công cụ giúp ông thực hiện sứ mệnh của đời mình: Thuyết phục thế giới rằng, đã đến lúc chấm dứt việc lợi dụng chiến tranh để cướp bóc và chiếm đoạt các di sản văn hóa, như thứ luật bất thành văn đã kéo dài suốt nhiều thế kỷ.
Quang Anh