Với trữ lượng khổng lồ từ Neptun Deep, Romania sẵn sàng thay đổi cán cân năng lượng châu Âu giữa khủng hoảng khí đốt toàn cầu. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang tin châu Âu Euractiv.com ngày 10/1, trong bối cảnh Nga cắt giảm mạnh nguồn cung khí đốt cho châu Âu và dừng vận chuyển qua Ukraine, một thỏa thuận quan trọng vừa được ký kết giữa OMV của Áo và Uniper của Đức về việc cung cấp khí đốt từ dự án Biển Đen của Romania đã thu hút sự chú ý đặc biệt.
Hãng Reuters đưa tin, thỏa thuận có thời hạn 5 năm này sẽ cung cấp 15 terawatt giờ khí đốt tự nhiên từ dự án Neptun Deep, chiếm khoảng 1,5% lượng khí đốt nhập khẩu của Đức trong năm 2024. Đây được xem là thỏa thuận đầu tiên hỗ trợ cho dự án khai thác nước sâu được mong đợi từ lâu, sau hơn một thập kỷ kể từ khi phát hiện mỏ khí đốt tại khu vực Biển Đen của Romania.
Neptun Deep là một trong những trữ lượng khí đốt tự nhiên quan trọng nhất của EU với lượng dự trữ ước tính lên tới 100 tỷ mét khối. Dự án dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2027. Theo ước tính, tổng trữ lượng khí đốt ngoài khơi của Romania vào khoảng 200 tỷ mét khối, mở ra triển vọng đa dạng hóa nguồn cung năng lượng cho châu lục.
George Scutaru, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Mới của Romania, cho biết Neptun Deep sẽ khai thác từ 7-8 tỷ mét khối mỗi năm, với doanh thu tiềm năng hơn 25 tỷ đô la Mỹ - tương đương với 3,5 năm chi tiêu quốc phòng hiện tại của Bucharest. Khi dự án này đi vào hoạt động, Romania không chỉ trở thành quốc gia sản xuất khí đốt lớn nhất EU mà còn lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu khí đốt ròng.
Arnold C. Dupuy, chuyên gia của Hội đồng Đại Tây Dương nhận định, trong khi nhiều quốc gia Biển Đen phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt của Nga, Romania đã tự đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu trong nước. Với sản lượng từ Neptun Deep và mỏ Ana, cùng với nguồn cung hiện có, Romania không chỉ có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa khoảng 12 tỷ mét khối hàng năm mà còn có thể xuất khẩu lượng dư thừa sang các nước láng giềng.
Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm sự phụ thuộc của khu vực vào đường ống TurkStream của Nga. So sánh về nhu cầu tiêu thụ, Moldova cần 2,9 tỷ mét khối mỗi năm, Bulgaria 3 tỷ mét khối và Serbia 2,4 tỷ mét khối. Romania đã bắt đầu những bước đi nhằm thay thế nguồn cung khí đốt từ Nga cho Moldova.
Tuy nhiên, chuyên gia Dupuy cũng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn. Sau khi sáp nhập Crimea năm 2014, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Romania giáp ranh với EEZ của Nga. Moskva có thể sẽ phản đối các dự án khí đốt ngoài khơi của Romania. Vấn đề gây tranh cãi là liệu các cơ sở khí đốt ngoài khơi trong EEZ có được hưởng sự bảo vệ theo Điều 5 hay Điều 6 của NATO mà Romania là 1 thành viên hay không.
Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo euractiv.com)