Theo Live Science, nhà địa chất học James Starnes từ Sở Chất lượng môi trường Mississippi đã phát hiện phần xương hóa thạch của "rồng biển" nhô ra giữa một lòng suối ở phía Nam TP Starkville, bang Mississippi - Mỹ.
"Rồng biển" kỷ Phấn Trắng - Ảnh đồ họa: EXTINCT ANIMALS
Đồng nghiệp của ông Starnes là nhà địa chất học Jonathan Leard đã cẩn thận thu thập mẫu vật. Kiểm tra sơ bộ, họ nhận thấy đó là một đốt sống có bề rộng lên tới 18 cm, cho thấy con vật rất to lớn.
Các nhà khoa học nghi ngờ rằng con "rồng biển" này thuộc về "gia tộc thương long", gồm những loài bò sát biển khổng lồ sống cùng thời với khủng long.
Họ cũng so sánh hóa thạch vừa tìm thấy với các mẫu vật thuộc về một con thương long lớn ở Bảo tàng Khoa học tự nhiên Mississippi, bao gồm hàm, hộp sọ và một chiếc răng.
Kết quả đối chiếu, phân tích kỹ càng cho thấy con "rồng biển" có đốt sống vừa được khai quật có thể lớn hơn hoặc bằng con thương long ở bảo tàng. Như vậy, họ có thể đã tìm thấy con thương long lớn nhất khu vực Mississippi.
Các phép tính dựa trên nhiều mẫu vật thương long đã biết cho thấy con "rồng biển" này sẽ dài khoảng 9 m khi còn sống.
Nó rất có thể thuộc về loài thương long Mosasaurus hoffmanni. Mẫu vật lớn nhất thuộc loài này từng được khai quật được cho là dài tới 17 m khi còn sống.
Mosasaurus hoffmanni là loài săn mồi đỉnh cao, với hàm lớn và răng hình nón. Những con thương long lớn kiểu này có thể ăn bất cứ thứ gì chúng muốn, bao gồm cá, cá mập, chim biển và thậm chí cả những con thương long khác.
Loài này cũng là một trong những loài thương long cuối cùng của hành tinh. Chúng đã kết thúc số phận cùng với tất cả thương long khác, cũng như khủng long, dực long, ngư long... sau khi tiểu hành tinh Chicxulub đâm vào Trái Đất 66 triệu năm trước.
Anh Thư