Rộng mở cơ hội phát triển đường sắt

Rộng mở cơ hội phát triển đường sắt
9 giờ trướcBài gốc
Huy động tối đa nguồn lực đầu tư
Trao đổi với Báo Xây dựng, ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, Luật Đường sắt 2025 thể hiện rõ nét quan điểm về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; chỉ quy định những vấn đề khung mang tính nguyên tắc, thuộc thẩm quyền của Quốc hội và lược bỏ các quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ trưởng, các bộ ngành.
Luật Đường sắt 2025 đã có các quy định nhằm thúc đẩy, khuyến khích phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao khoa học công nghệ (ảnh minh họa).
Đồng thời, Luật cũng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Xây dựng và từ Bộ Xây dựng cho chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện.
Đặc biệt, với việc bổ sung những cơ chế, chính sách mới, Luật Đường sắt 2025 đã tập trung vào những vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá, tạo hành lang pháp lý phát triển đường sắt.
Theo ông Cảnh, Luật đã có nhiều quy định nhằm huy động tối đa nguồn lực của địa phương, nguồn lực ngoài Nhà nước tham gia đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt.
Trong đó có quy định rõ việc phát triển, khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất vùng phụ cận ga đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị để tạo thêm nguồn vốn đầu tư trở lại cho đường sắt. Số tiền khai thác được từ quỹ đất khu vực TOD, đối với đường sắt quốc gia, địa phương được giữ lại 50%, nộp ngân sách Trung ương 50%...
Cùng đó, Luật cũng khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư dự án đường sắt bằng nguồn vốn ngoài Nhà nước. Các dự án đầu tư này được Nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Luật cũng có các quy định nhằm rút ngắn thời gian, thủ tục đầu tư dự án đường sắt. Như với các dự án quan trọng quốc gia, dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Luật quy định cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư được quyết định phân chia dự án thành các dự án thành phần, tiểu dự án trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng. Việc phân chia dự án thành phần, tiểu dự án không phải áp dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Với các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD, không phải thực hiện thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và các thủ tục khác có liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó là loạt quy định liên quan đến triển khai dự án như: Được lập thiết kế FEED thay cho thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi; Cho phép thực hiện một số hoạt động trước, đồng thời trong quá trình chuẩn bị đầu tư; Cho phép chỉ định thầu đối với việc lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng đường sắt, xây dựng tổ hợp công nghiệp và chuyển giao công nghệ đường sắt…
Không chỉ tập trung vào đầu tư hạ tầng, Luật Đường sắt 2025 cũng có các quy định nhằm thúc đẩy, khuyến khích phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao khoa học công nghệ.
Rộng mở đầu tư ngoài Nhà nước
Liên quan đến huy động nguồn lực đầu tư, Cục trưởng Trần Thiện Cảnh cho biết, Luật Đường sắt 2025 đã có quy định cụ thể về đầu tư dự án đường sắt bằng nguồn vốn ngoài Nhà nước (Điều 24).
Trong đó, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án đường sắt theo phương thức đối tác công tư hoặc đầu tư trực tiếp. Các dự án này được Nhà nước đảm bảo kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư và phần kinh phí này không tính vào tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào dự án khi thực hiện theo phương thức PPP.
Luật cũng quy định lựa chọn nhà đầu tư, các điều kiện ràng buộc, kiểm soát chuyển nhượng dự án nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát tài sản.
Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh đường sắt được hưởng ưu đãi, hỗ trợ như: Được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước khi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương, mua sắm phương tiện giao thông đường sắt, máy móc, thiết bị phục vụ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; phát triển công nghiệp đường sắt…
"Với những quy định tại Luật Đường sắt 2025, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể tham gia đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương, đường sắt chuyên dùng phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt", ông Cảnh nhấn mạnh.
Quy định cụ thể, mang tính khả thi
Ở góc độ doanh nghiệp trực tiếp quản lý, khai thác đường sắt quốc gia, ông Nguyễn Chính Nam, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho rằng, Luật Đường sắt 2025 đã được chỉnh lý theo hướng minh bạch, rõ ràng và khả thi hơn. Theo đó, đã làm rõ, cụ thể hóa nội hàm "ưu tiên" trong dự thảo Luật; mở rộng và xác định rõ đối tượng được hưởng ưu đãi.
Đồng thời, Luật quy định cụ thể đầu tư kết cấu hạ tầng và khai thác kết cấu hạ tầng. Trong đó, quy định cụ thể doanh nghiệp được giao quản lý, cho thuê, chuyển nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng có quyền và nghĩa vụ trong khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đồng bộ và thống nhất.
Với VNR là một doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, các quy định này đã tạo thuận lợi lớn để triển khai các nhiệm vụ được giao trong hoạt động đường sắt. Đồng thời tạo chủ động cho VNR trong cung cấp dịch vụ khai thác kết cấu hạ tầng.
"VNR hoàn toàn có thể tự đầu tư bằng nguồn vốn huy động hay liên kết trong hoạt động đầu tư", ông Nam cho hay.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng): Luật Đường sắt 2025 đã đưa ra được các cơ chế ưu đãi, về đất đai, thuế… cho các chủ thể tham gia hoạt động đường sắt, từ đầu tư đến quản lý, khai thác, công nghiệp.
Cùng đó, tăng cường vai trò của Nhà nước về đầu tư nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực để hỗ trợ cho các chủ thể phát triển.
"Luật có nhiều điểm mới về huy động nguồn lực ngoài Nhà nước, nhất là luật hóa các chính sách đặc thù, đặc biệt áp dụng cho các dự án đường sắt quan trọng quốc gia, rộng mở hành lang pháp lý với các quy định cụ thể hơn, có tính khả thi hơn cho đầu tư lĩnh vực đường sắt", ông Đông nhìn nhận.
Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, để kịp thời triển khai thi hành Luật Đường sắt 2025, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng 3 Nghị định và 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để triển khai thi hành đối với các quy định của Luật có hiệu lực từ 1/7/2025.
Cụ thể: Nghị định quy định chi tiết về thiết kế kỹ thuật tổng thể, cơ chế đặc thù, đặc biệt thực hiện các dự án đường sắt (hiện đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 123/2025 ngày 11/6/2025); Nghị định quy định về tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; Nghị định quy định về nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đường sắt.
Cùng đó, Bộ Xây dựng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt; 3 Thông tư hướng dẫn thi hành, để bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với Luật có hiệu lực là từ ngày 1/1/2026.
Kỳ Nam
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/rong-mo-co-hoi-phat-trien-duong-sat-192250702081226523.htm