Rong ruổi trên quốc lộ 55

Rong ruổi trên quốc lộ 55
5 giờ trướcBài gốc
Bảng chỉ dẫn cho xe cộ từ quốc lộ 55 rẽ vào đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: V.Phong
Du khách có thể lựa chọn cho mình những lộ trình mới để khám phá những cung đường xanh trên hành trình từ Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây Nam Bộ để đến với cao nguyên Lang Biang, thu vào tầm mắt khung cảnh núi non hùng vĩ của đất nước.
Những cung đường xanh mát
Theo lời khuyên của anh Phú, một người Đà Lạt làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh từng thực hiện nhiều chuyến du khảo những cung đường mới, một ngày đầu tháng 3 âm lịch, tôi quyết định chọn quốc lộ 55 để đi về Biên Hòa thay cho đi quốc lộ 20 qua đèo Bảo Lộc.
Từ ngã ba Đại Bình (nơi giao nhau giữa quốc lộ 55 với quốc lộ 20, cách trung tâm thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng khoảng 3km) rẽ trái vào quốc lộ 55, cảm nhận đầu tiên là khung cảnh rất gần gũi với nhà cửa đông đúc, ra dáng phố thị khác hẳn cách đây nhiều năm. Trong đó, đoạn qua xã Lộc Thành dân cư đông đúc, đường trải nhựa láng bóng tạo cảm giác khoan khoái. Đến đoạn qua xã Lộc Nam (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), mặt đường có một số chỗ bị ổ gà nhưng không quá dày đặc và không quá dài nên cũng không bị cảm giác mệt mỏi xâm chiếm.
Qua khỏi xã Lộc Nam là tiếp giáp đến xã Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận), nhà cửa thưa dần và thay vào đó là khung cảnh núi đồi xanh mát, hùng vĩ. Nhìn qua phía bên trái, ở dưới sâu, xa xa là khung cảnh hồ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi đang còn trong sương mù bảng lảng rất quyến rũ. Một bên là đồi núi, một bên là vực sâu nhưng không quá dốc và không có nhiều cua gắt nên cũng không quá vất vả cho các bác tài xe du lịch như tôi.
Một cung đường đèo xanh mát trên quốc lộ 55.
Đường được thiết kế men theo chân núi, chân đồi nên không cao ngất như so với quốc lộ 28B và cũng không quá ngoằn ngoèo nhiều cua gắt như quốc lộ 28. Đặc biệt, chất lượng mặt đường là quá tốt so với quốc lộ 28 gồ ghề, ổ gà còn quốc lộ 28B thì mặt đường đã bị bong tróc, tạo vô số ổ gà, ổ voi.
Tiếp tục rong ruổi, xe đi qua những cây cầu, xóm nhà với tên địa danh mang đậm văn hóa của người dân tộc bản địa như Tà Pao, La Ngâu, Đồng Kho... Đường tốt, xe cộ lưu thông ít nên khá thoải mái cho người lái. Càng gần về phía quốc lộ 1, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, mặt đường được mở rộng hơn khi qua huyện Tánh Linh, Hàm Tân. Kỷ niệm chợt ùa về khi nhớ lại chuyến công tác những năm 2000-2001, tôi cùng đồng nghiệp “đi săn” voi dữ ở Tánh Linh suốt nhiều ngày và cảm giác “chộp” được tấm ảnh đầu tiên khi con voi rừng bị bắn thuốc mê và bị xích lại giữa rừng tự nhiên…
Mới đó đã 1/4 thế kỷ và nhà cửa, công trình, đường sá thay đổi quá nhanh khiến tôi không nhận ra. Ngày trước, đường từ ngã ba Tân Minh vào xã Suối Cát và chạy đến thị trấn trung tâm huyện mặt đường còn hẹp và chưa được trải nhựa nóng, nhiều đoạn còn lòi nền đất đá lẫn lộn, nước đọng thành vũng trên mặt đường khi mưa đến; đi cả 2-3km có khi không có một ngôi nhà nào. Nhưng nay, dân cư ở khá đông, rải đều dọc hai bên tuyến tỉnh lộ 720 mang đến một diện mạo khác hẳn.
Đã lâu lâu không đi nên khi đến trước cầu Tà Pao, tôi phải dừng xe để nhờ người dân địa phương chỉ dẫn: “Qua cầu rẽ trái cứ chạy thẳng hoài hơn 30km là đụng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây”. Mải mê ngắm cánh đồng lúa vừa gặt xong với đàn trâu đang chậm rãi ăn cỏ thì biển báo hiệu cho biết đã đến địa phận huyện Hàm Tân. Thêm một hồi lượn lờ qua các xóm nhà trù phú, xe tôi đã đến cầu sông Dinh (xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) và ở bên kia đầu cầu có bảng chỉ dẫn lớn cho xe cộ biết đường rẽ vào đường cao tốc và hướng đi vào Dầu Giây, Thành phố Hồ Chí Minh hay hướng ra Phan Thiết, Nha Trang.
Thêm lựa chọn hữu ích cho du khách
Sau khi từ đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây rẽ vào quốc lộ 51, tôi chạy một mạch về tới thành phố Biên Hòa, đồng hồ lúc này chỉ 12h30. Tính ra tổng cộng thời gian di chuyển từ thành phố Đà Lạt đến trung tâm Biên Hòa chỉ mất hơn 6 tiếng, nhanh hơn nếu đi theo quốc lộ 20, qua đèo Bảo Lộc khoảng 1-1,5 tiếng đồng hồ. Đó là không kể tình trạng kẹt xe do xảy ra va chạm, tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên trên đèo Bảo Lộc thời gian gần đây khiến thời gian di chuyển của khách tăng lên đến 8-9 tiếng đồng hồ.
Thật xui xẻo cho những ai bị tắc đường giữa đèo Bảo Lộc khi không có quán xá hoặc chỗ nghỉ ngơi lịch sự đề chờ thông xe. Càng khổ sở hơn khi bác tài quên đổ đầy bình xăng có thể rơi vào cảnh khóc ròng vì xe hết xăng giữa đèo do đường bị tắc phải bật máy lạnh ngồi trong xe chờ lực lượng chức năng điều phối mới “bò” được hết con đèo dài 10km.
Vài năm gần đây, lưu lượng xe trên quốc lộ 20 tăng đột biến, nhất là sự xuất hiện của các xe tải hạng nặng, xe container cùng lưu thông qua đèo khiến tốc độ khi lên xuống đèo khá chậm. Nhất là khi 2-3 xe dài siêu trường, siêu trọng chở quặng bô xít dẫn đầu thì xem như các xe khác đành “bò” theo chứ không dám vượt do đường lạ, hẹp và dốc. Đặc biệt, vào dịp lễ như 30-4 hay đầu hè, lượng xe du lịch từ 5-7 chỗ đến 45 chỗ đưa khách đi nghỉ mát thì lượng xe còn tăng cao hơn và nguy cơ xảy ra tắc đường càng lớn và thời gian chờ đợi cũng lâu hơn, có khi khách phải mất 9-10 tiếng cho hành trình di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Đồng Nai lên Đà Lạt.
Vì thế, vào đợt cao điểm đi lại, quốc lộ 55 chính là phương án tốt cho những du khách muốn có chuyến du lịch thư thái, vừa tốn thời gian đi lại ít hơn khi không chọn qua đèo Bảo Lộc mà đi - về theo quốc lộ 55 vừa được ngắm khung cảnh núi non hùng vĩ. Nếu có thời gian, du khách có thể dành thời gian ghé lại, tìm hiểu thêm về văn hóa, ẩm thực của đồng bào dân tộc bản địa để làm giàu thêm hành trình du lịch khám phá của mình.
Từ khoảng 2-3 năm nay, vào dịp lễ, Tết, nhiều người đã chọn quốc lộ 28B để di chuyển từ Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh lên Đà Lạt với thời gian di chuyển chỉ mất 5-5,5 tiếng. Nhưng đường ngày càng xuống cấp, đang được thi công sửa chữa, mở rông suốt tuyến nên việc đi lại khá bất tiện, hại xe. Do đó, nếu mở Google lên, nhiều người đều đồng tình rằng: cung đường đi theo quốc lộ 55 hiện là lộ trình hài hòa, hữu ích nhất cho du khách khi đi Đà Lạt, né được đèo Bảo Lộc.
Đặc biệt, với du khách đi từ Đà Lạt về các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ nên dự liệu cho mình phương án 2 nếu đèo Bảo Lộc bị tắc đường, ùn ứ nghiêm trọng thì quốc lộ 55 chính là phương án “giải cứu” hữu hiệu - duy nhất để không phải mất thời gian chờ đợi thông xe.
Quốc lộ 55 là con đường nối các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Lâm Đồng, dài 219km; có điểm khởi đầu tại thành phố Bà Rịa, qua các huyện Long Đất, Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Hàm Tân, thị xã La Gi, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận), Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) và kết thúc tại thành phố Bảo Lộc. Đây là con đường trục Đông - Tây liên kết các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Quốc lộ 55 giao với quốc lộ 1 tại thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân và giao với đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tại xã Sông Phan (huyện Hàm Tân).
Quốc lộ 55 có đoạn được hình thành từ đường phục vụ thi công thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi trước đây. Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1-9-2021, quốc lộ 55 sẽ được kéo dài đến địa phận huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, có điểm cuối giao với quốc lộ 28 với tổng chiều dài toàn tuyến là 290km.
Văn Phong
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202505/rong-ruoi-tren-quoc-lo-55-6761eb7/