Rớt giá, bỏ cọc và… lo lắng

Rớt giá, bỏ cọc và… lo lắng
4 giờ trướcBài gốc
Giá lúa giảm mạnh từ ngày 15/12/2024 đến nay được xem là diễn biến khá bất ngờ. Bất ngờ là bởi ngay từ khi vụ lúa Đông - Xuân sớm còn chưa thu hoạch, thương lái, doanh nghiệp đã tranh nhau bỏ cọc, đẩy giá lên cao ngất ngưỡng. Nông dân hồ hởi trước viễn cảnh sẽ có một vụ lúa bội thu, nên có người nhanh tay nhận cọc mức giá cao, có người kỳ kèo chưa chịu nhận cọc chờ giá lên thêm.
Anh Huỳnh Chí Phương - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gạo Tôm chia sẻ: “Lúc đầu vụ, thấy giá lúa lên, công ty tôi có họp với nông dân mà mình đã đầu tư lúa giống ST24, ST25 đề nghị nâng mức giá thu mua lên 12.500 đồng/kg nhưng họ không chịu, đòi phải là 13.000 đồng như các “anh cò”, nên công ty đành để nông dân tự nhận cọc cao của cò. Kết quả là công ty chỉ mua được 12ha trong tổng số 100ha đầu tư trước đó. Số còn lại, nông dân bị cò bỏ cọc, tính ra thiệt hại là rất lớn”.
Do giá lúa giảm mạnh nên những diện tích lúa Đông - Xuân sớm thu hoạch từ sau ngày 15/12/2024 đến nay không mang lại hiệu quả cao cho nhà nông. Ảnh: TÍCH CHU
Theo nông dân đã nhận cọc, mức tiền cọc phổ biến là 300.000 đồng/công (1.000m2) đối với lúa ST24, ST25. Đây là mức cọc khá cao, nhưng nếu so với mức giảm giá lúa trên thị trường thì thiệt hại của cò khi bỏ cọc vẫn còn khá thấp nếu mua theo mức giá đã đặt cọc. Cụ thể, giá lúa ST25 lúc đặt cọc phổ biến trong khoảng 13.000 - 13.500 đồng/kg nhưng hiện tại giá trên thị trường chỉ còn khoảng 8.500 - 9.000 đồng/kg. Những chiêu trò đặt cọc, rồi bỏ cọc khi giá lúa giảm là không mới, nếu không muốn nói là thường xuyên mỗi khi thị trường biến động theo chiều hướng giảm. Tuy nhiên, không ít nông dân chỉ vì lợi ích trước mắt vẫn chấp nhận quay lưng với doanh nghiệp đã gắn bó, đầu tư cho mình trước đó và tất nhiên, khi có rủi ro thị trường, không ai khác, chính họ mới là người nhận lấy hậu quả.
Trở lại với từ khóa bỏ cọc. Tất nhiên là cò sẽ mất đi một khoản tiền cọc nhất định mà cụ thể ở đây là 300.000 đồng/công, nhưng nếu nhìn vào mức giảm của giá lúa thì cò vẫn có lợi hơn so với khi mua theo giá đặt cọc. Tuy nhiên, trên thực tế, số tiền đặt cọc đó thường sẽ không bị mất đi, mà cò vẫn có cơ hội lấy lại theo một cách khác. Thông thường, mỗi khi cò bỏ cọc, nông dân gần như không thể bán được cho doanh nghiệp đã hợp đồng trước đó, thậm chí là bán bằng với giá thị trường. Khi đó, sẽ có cò hay thương lái khác đến ép giá vì biết rằng, nông dân đang gặp khó trong khâu tiêu thụ. Hệ quả là nông dân chỉ bán được với mức giá từ bằng đến thấp hơn giá thị trường tại thời điểm thu hoạch. Và theo tìm hiểu nhiều năm của người viết, thường những cò hay thương lái đến sau này không ai khác là người “cùng phe” với cò đã bỏ cọc.
Giá lúa giảm trong gần 1 tháng nay có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh, sau khi Ấn Độ chính thức quay lại thị trường xuất khẩu. Mặt khác, trước thông tin Indonesia và Philippines sẽ giảm nhập khẩu trong năm 2025 do tự chủ được một phần nguồn lúa gạo trong nước đã khiến cho cả giá gạo Việt Nam và của Thái Lan hay Pakistan… đều giảm mạnh, với mức giảm bình quân khoảng 18 - 25 USD/tấn. Khi giá gạo thế giới giảm, nhiều doanh nghiệp lo lắng, chào giá thấp để có hợp đồng nhằm quay nhanh vòng vốn, khiến mặt bằng giá lúa gạo trong nước cũng như thế giới giảm theo. Tương tự như vậy, một khi giá lúa giảm, nông dân cũng ồ ạt bán ra để có tiền trả nợ vật tư nông nghiệp, giống và chi tiêu dịp Tết, tạo điều kiện cho thương lái ép giá thêm.
Theo dự báo của các doanh nghiệp, giá lúa từ nay đến tết Nguyên đán sẽ không tăng mà khả năng giảm và đi ngang sẽ nhiều hơn. Do đó, có ý kiến cho rằng nông dân nếu có điều kiện không nên vội bán ra thời điểm này, mà nên trữ lại để vừa giảm áp lực nguồn cung, vừa chờ thời cơ giá lúa quay lại sau tết Nguyên đán. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác là sau Tết cũng là lúc thu hoạch lúa Đông - Xuân chính vụ, sản lượng rất cao, chất lượng lại tốt nên giá lúa sẽ khó có khả năng phục hồi. Mặt khác, theo các doanh nghiệp, hiện có rất ít hợp đồng được ký kết giao hàng sau Tết, nên chuyện tiêu thụ lúa Đông - Xuân chính vụ sẽ còn là một ẩn số.
Tất cả đều là những thông tin kém vui đối với nông dân trồng lúa sau 1 năm bội thu cả về mặt năng suất lẫn giá bán. Do đó, tất cả hy vọng thị trường xuất khẩu gạo sẽ nhộn nhịp trở lại sau tết Nguyên đán, nhất là đối với phân khúc gạo thơm đặc sản và gạo thơm nhẹ để kéo giá lúa vụ Đông - Xuân 2024 - 2025 về mức chí ít đảm bảo cho nông dân có lãi 30%.
TÍCH CHU
Nguồn Sóc Trăng : https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/202501/rot-gia-bo-coc-va-lo-lang-1353e53/