'Rót' hàng ngàn tỷ đồng, TP.HCM vẫn cứ mưa là ngập - Bài 1: Hệ thống cống trăm năm tuổi phải 'gánh' gấp 5 lần công suất

'Rót' hàng ngàn tỷ đồng, TP.HCM vẫn cứ mưa là ngập - Bài 1: Hệ thống cống trăm năm tuổi phải 'gánh' gấp 5 lần công suất
6 giờ trướcBài gốc
Tại TP.HCM, hệ thống kênh rạch đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước, nhưng nghẽn dòng, vì bị nhà cửa lấn chiếm; hệ thống cống ngầm có tuổi thọ trên 100 năm, chỉ có khả năng đáp ứng nhiệm vụ tiêu thoát nước cho quy mô dân số khoảng 2 triệu người, song phải “gánh” hơn 10 triệu người. Trong khi đó, loạt công trình chống ngập, ngăn triều có vốn đầu tư ngàn tỷ đồng, vô cùng cần thiết, thì tắc nghẽn vì nhiều lý do. Nếu những nguyên nhân căn cơ này chưa được giải quyết, thì người dân TP.HCM vẫn khốn đốn mỗi mùa mưa về.
Thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm vì ngập
Trận mưa đầu mùa mới đây tại TP.HCM làm ngập chìm nhà dân, đường phố, khu chợ, khiến hàng hóa hư hỏng, các lực lượng dân quân, công an phải đi cứu hộ… là tiếng chuông cảnh báo “lần thứ n” về tình trạng cứ mưa là ngập, là thiệt hại ở TP.HCM.
Nói tiếng chuông cảnh báo “lần thứ n”, bởi từ nhiều năm trước, không chỉ chính quyền, mà các tổ chức xã hội và tổ chức nghiên cứu đã cảnh báo. Gần nhất, năm 2024, tại một cuộc hội thảo do Trường đại học Việt Đức phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM (nay là Sở Xây dựng TP.HCM), Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM phối hợp tổ chức, các chuyên gia thống kê cho hay, 54% dân số ở TP.HCM thường xuyên trải nghiệm ngập lụt, triều cường.
TP.HCM còn 18 đường trục chính bị ngập
- Các tuyến đường trục chính ngập nước do mưa gồm: Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối, Đặng Thị Rành, Bạch Đằng
(quận Bình Thạnh), Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Quốc lộ 1 (TP. Thủ Đức), Phan Anh, Hồ Học Lãm (quận Tân Phú).
- Các tuyến đường trục chính ngập do triều gồm: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích, Phạm Hữu Lầu (huyện Nhà Bè) và Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh). Mỗi khi triều cường đạt đỉnh, nước có thể ngập từ 30 phút đến 120 phút.
Nguồn: Sở Xây dựng TP.HCM
Ngập lụt đô thị tác động lớn đến ùn tắc giao thông. Trong khi đó, ùn tắc giao thông ước tính gây thiệt hại khoảng 97 tỷ USD trong giai đoạn năm 2015 - 2045 (khoảng 3 tỷ USD mỗi năm).
Trước đó, vào năm 2020, Viện Toàn cầu McKinsey (McKinsey Global Institute, Mỹ) đưa ra một báo cáo cảnh báo, nguy cơ ngập lụt tại TP.HCM có thể tăng gấp 10 lần cho đến năm 2050. Báo cáo cho rằng, nếu không nỗ lực ngăn chặn tác động của việc mực nước biển tăng cao do biến đổi khí hậu, đồng thời cải thiện quy hoạch đô thị, thì TP.HCM sẽ thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm.
TP.HCM là một đô thị phát triển nhanh chóng, vì thế, mức độ tác động cũng dần tăng cao. Tình trạng ngập lụt tại TP.HCM hiện nay sẽ gây thiệt hại về hạ tầng nhiều gấp 20 lần so với 30 năm trước và có nguy cơ tạo ra phản ứng dây chuyền gấp 20 lần. Trong trường hợp xấu nhất, nước biển tăng tới mốc 180 cm cho đến cuối thế kỷ 21, khoảng 2/3 diện tích của TP.HCM có nguy cơ đối mặt với trận ngập lịch sử. Ngoài ra, hệ thống tàu điện có thể buộc phải ngừng hoạt động, với 60% số trạm không sử dụng được. Tổn thất về bất động sản cũng sẽ lên đến 8,4 tỷ USD, gấp 6 lần tác động ước tính hiện tại.
Cảnh quen thuộc ở TP.HCM mỗi mùa mưa tới
Cống thoát nước đã trăm năm tuổi, còn gánh gấp 5 lần sức tiêu thoát
Hệ thống cống thoát nước là căn nguyên đầu tiên dẫn tới cảnh TP.HCM cứ mưa là bung nắp cống, đường ngập; xe máy bị trôi, người dân ngã dúi dụi vì nước cuốn; hàng hóa ngập trong nước bẩn… Mới đây, khi đại diện UBND TP. Thủ Đức cho biết sẽ đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để “giải cứu” rốn ngập chợ Thủ Đức, không ít người dân… ngán ngẩm, hoặc lắc đầu, không tin có thể thoát ngập.
Lý do là, ở khu vực chợ Thủ Đức, hệ thống chống ngập được đầu tư hơn 248 tỷ đồng vừa mới đưa vào sử dụng khoảng 1 năm, song trận mưa đầu mùa vừa qua vẫn khiến chợ và các con đường chìm trong biển nước, nắp cống vẫn bung… như ngày nào. Tuyến đường Tô Ngọc Vân (TP. Thủ Đức) bị ngập nghiêm trọng dù đã hoàn tất dự án chống ngập với kinh phí hơn 154 tỷ đồng.
Theo phân tích của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng TP.HCM (gọi tắt là Ban Quản lý hạ tầng TP.HCM), dù hạ tầng thoát nước của Thành phố được đầu tư xây dựng, cải tạo hằng năm, nhưng chưa đồng bộ với quy hoạch, chưa đáp ứng được tình hình phát triển, đô thị hóa của Thành phố. Hệ thống cống mới bổ sung chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nên hệ thống thoát nước luôn trong tình trạng quá tải.
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có hơn 4.400 tuyến cống các loại, trong đó, hơn 1/3 (hơn 100 km đường ống thoát nước) được xây dựng từ thời Pháp theo dạng cống vòng, có tuổi đời hơn 100 năm, đã xuống cấp rất nghiêm trọng.
Đáng nói, hệ thống cống thoát nước này được thiết kế chỉ đáp ứng cho quy mô dân số khoảng 2 triệu người, nhưng hiện giờ, các “cống cụ”, “cống lão” phải “gánh” tiêu thoát cho hơn 10 triệu người, tức gấp 5 lần thiết kế.
Từ tháng 6/2001, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 752/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020, đặt mục tiêu cải tạo xây dựng 6.000 km cống thoát nước, 103 hồ điều tiết, 170 km đê bao, 12 cống ngăn triều lớn... với tổng vốn đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong một báo cáo gửi lãnh đạo TP.HCM gần đây, Ban Quản lý hạ tầng TP.HCM cho hay, đến năm 2021, tổng chiều dài cống thoát nước trên địa bàn Thành phố chỉ được hơn 4.455 km, còn các hồ điều tiết gần như vẫn “nằm trên giấy”.
“Kích thước cống nhỏ (trung bình khoảng 600 mm + 800 mm) chỉ phục vụ thoát nước cho từng tuyến đường cụ thể, chưa đáp ứng được nhu cầu thoát nước theo vùng, theo lưu vực”, Ban Quản lý hạ tầng TP.HCM nêu rõ.
Vào năm 2017, UBND TP.HCM cũng duyệt chủ trương đầu tư Dự án cải tạo gần 3 km cống thoát nước trên các tuyến đường Hai Bà Trưng, Yersin, Cống Quỳnh và Cách Mạng Tháng Tám. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 467,5 tỷ đồng (tương đương 20,6 triệu USD), được áp dụng công nghệ không đào hở, giúp quá trình thi công không chiếm dụng mặt đường làm ảnh hưởng tới giao thông hay chặn dòng gây cản trở thoát nước.
Nhưng đến nay, sau 7 năm, Dự án vẫn chưa được triển khai thi công do vướng nhiều thủ tục, quá trình thẩm định và phê duyệt kéo dài. Cuối cùng, năm 2024, Ban Quản lý dự án hạ tầng TP.HCM đề xuất lãnh đạo TP.HCM dừng Dự án, vì nhiều yếu tố khó khăn.
Bi hài cảnh nâng nền, nâng đường chống ngập
Mười lăm năm trước, khi mua nhà ở phường Hiệp Bình Chánh (TP. Thủ Đức), để phòng ngập lụt, anh T. Duy đã làm nền nhà cao hơn mặt đường con hẻm tới nửa mét, phải dùng cầu sắt để dắt xe lên xuống. Tới năm 2012, theo yêu cầu của quận Thủ Đức (nay là TP. Thủ Đức), chủ đầu tư khu dân cư Sông Đà (liền kề nhà anh Duy) nâng đường lên cao hơn nửa mét. Sau đó, cứ đến mùa mưa, nước lại đổ vào ngập đường con hẻm.
Anh T. Duy và hàng chục hộ dân trong hẻm gom góp tiền để nâng mặt đường con hẻm lên cao hơn mặt đường khu dân cư, rồi “be bờ” cửa nhà để chống nước tràn vào.
Kết cục, từ đó tới nay, mùa mưa hằng năm, nước ngoài đường không thể vào nhà, nhưng anh Duy và những người hàng xóm lại phải… tát nước trong nhà ra đường. Bởi, nước ngoài đường trút xuống hệ thống cống. Cống cũ kỹ, lại nhỏ, nên nước không thoát kịp, đùn ngược lên qua hệ thống thoát nước nhà vệ sinh và khu bếp, rồi trào vào ngập nhà. Nước cống hôi hám và bẩn, đáng sợ hơn cả nước mưa ngoài đường. Thế là trận mưa đầu mùa vừa qua, anh T. Duy và hàng chục hộ dân trong con hẻm đành chờ nước rút rồi tát nước trong nhà và vệ sinh nhà cửa.
Thực trạng trên xảy ra ở khắp các vùng ngập tại TP.HCM. Theo một kỹ sư, giải pháp chống ngập những năm qua trên các trục giao thông ở TP.HCM phần lớn là nâng đường. Đường cao thì nước tràn vào nhà dân, thế là dân phải nâng nền. Hệ lụy là nơi nơi cùng nhau nâng đường, nâng hẻm, nâng nền, nhưng ngập vẫn hoàn ngập. Trong khi đó, giải pháp căn cơ đầu tiên là nâng cấp, cải tao cống thì không có tiến triển.
Về vấn đề này, tại báo cáo Đề án Chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2020 - 2045 và kế hoạch chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030, Sở Giao thông công chánh TP.HCM (nay là Sở Xây dựng TP.HCM) cũng thẳng thắn chỉ ra: “Hệ thống thoát nước hiện hữu được đầu tư qua nhiều thời kỳ, không đồng bộ giữa hệ thống hiện hữu và đầu tư mới; hệ thống cống cũ chưa được sữa chữa, thay thế nhằm đảm bảo khả năng thoát nước; tình trạng xâm hại đến hệ thống thoát nước (lấp, bít miệng cống; xả chất thải rắn làm tắc nghẽn dòng chảy, ảnh hưởng tới việc thi công các công trình…) vẫn còn tiếp diễn, ảnh hưởng đến khả năng thu, thoát nước”.
Trong khi đó, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ và Tây Nguyên, từ ngày 21/5 trở đi, mưa dông có xu hướng gia tăng tại TP.HCM; trưa, chiều và tối có mưa rào diện rộng, rải rác mưa vừa và dông, thậm chí có nơi mưa to đến mưa rất to. Vậy là, mùa ngập đã tới!
(Còn tiếp)
Ngô Nguyên
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/rot-hang-ngan-ty-dong-tphcm-van-cu-mua-la-ngap---bai-1-he-thong-cong-tram-nam-tuoi-phai-ganh-gap-5-lan-cong-suat-d287384.html