Tại TP.HCM, hệ thống kênh rạch đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước, nhưng nghẽn dòng, vì bị nhà cửa lấn chiếm; hệ thống cống ngầm có tuổi thọ trên 100 năm, chỉ có khả năng đáp ứng nhiệm vụ tiêu thoát nước cho quy mô dân số khoảng 2 triệu người, song phải “gánh” hơn 10 triệu người. Trong khi đó, loạt công trình chống ngập, ngăn triều có vốn đầu tư ngàn tỷ đồng, vô cùng cần thiết, thì tắc nghẽn vì nhiều lý do. Nếu những nguyên nhân căn cơ này chưa được giải quyết, thì người dân TP.HCM vẫn khốn đốn mỗi mùa mưa về.
Bài 2: Hơn 30 năm di dời nhà, kênh rạch vẫn nghẽn dòng
Từ 30 năm trước, TP.HCM đã đổ hàng ngàn tỷ đồng cho 6 chương trình cải tạo, di dời nhà trên kênh rạch, tiêu thoát nước, chống ngập úng… Nhưng đa phần các “đại chương trình” đó đều vỡ kế hoạch.
Lợi thế vượt bậc
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng TP.HCM (Ban Quản lý hạ tầng TP.HCM), Thành phố có hệ thống kênh rạch khá dày, là những trục giao thông thủy quan trọng lưu chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Tây về TP.HCM.
Từ khi TP.HCM phát triển thành một đô thị lớn, thì hệ thống kênh rạch nội thành còn đóng thêm vai trò là các trục chính tiêu nước mưa và nước thải cho Thành phố.
TP.HCM có hệ thống kênh rạch chằng chịt, đây cũng là trục tiêu thoát nước chính.
Điển hình, hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (dài khoảng 8 km) là trục tiêu nước chính cho khu vực thuộc phần lớn các quận 3, Phú Nhuận và Tân Bình; một phần các quận Bình Thạnh và quận 1. Diện tích tiêu thoát của kênh khoảng 3.000 ha.
Hệ thống kênh Đôi - kênh Tẻ - Tàu Hũ - Bến Nghé tiêu nước cho các quận 5, 10, 11 và 6; một phần các quận 1, Tân Bình, Tân Phú, 4, 8 và 7.
Kênh Tân Hóa - Lò Gốm (dài khoảng 6,5 km) là trục tiêu thoát chính, phụ trách diện tích tiêu thoát nước khoảng 1.800 ha của các quận 6, 11 và Tân Phú.
Giai đoạn 2026 - 2030, TP.HCM dự kiến di dời hết 40.000 căn nhà ven kênh, rạch chưa được triển khai, gần bằng tổng số căn đã di dời trong hơn 30 năm qua. Tổng kinh phí cho chương trình này ước lên tới hơn 221.000 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là “cuộc di dời lịch sử và toàn diện”. Nhưng từ thực tế di dời nhà ven kênh, rạch ở TP.HCM trong 30 năm qua, “chương trình lịch sử” lần này khiến nhiều người băn khoăn.
Hệ thống kênh Đôi - kênh Tẻ - Tân Hóa - Lò Gốm dài khoảng 11 km là trục tiêu khá quan trọng cho khu vực Tây - Nam của Thành phố vì ảnh hưởng triều mạnh, lưu lượng ra - vào lớn.
Hệ thống Tham Lương - Bến Cát (dài 32 km) là trục tiêu thoát phía Bắc, trên địa bàn các quận Bình Thạnh, Gò Vấp (đoạn đầu), Tân Bình, Hóc Môn (đoạn giữa), Bình Tân và Bình Chánh (đoạn cuối).
Hệ thống Bến Mương - Láng The (dài 32 km, độ rộng 30 - 50 m) làm nhiệm vụ tưới kết hợp tiêu thoát nước cho vùng ven sông Sài Gòn của huyện Củ Chi và Bắc Hóc Môn.
Hệ thống Rạch Tra - Thầy Cai (dài 60 km) có vai trò quan trọng trong việc tiêu nước cho vùng phía Tây huyện Củ Chi ra hai đầu sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông.
Trong khu vực nội thành, cũng có rất nhiều trục thoát nước như rạch Thủ Đào (hơn 4,4 km); rạch Bà Lớn (trên 7,5 km); rạch Lung Mân (trên 2,5 km); rạch Xóm Củi (7,638 km); rạch Ông Bé (3,324 km); rạch Thầy Tiêu (2,6 km)…
Còn ở phía thượng lưu TP.HCM, rất nhiều hồ chứa đã được xây dựng với các mục đích khác nhau, như 2 hồ chứa lớn phục vụ thủy lợi và phòng lũ là Dầu Tiếng (1.580 triệu m3), Phước Hòa (33,75 triệu m3)…
Hệ thống kênh rạch tiêu thoát nước bị nghẽn mạch vì nhiều lý do
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hệ thống kênh rạch tiêu thoát nước của Thành phố, đặc biệt là kênh rạch trong phạm vi nội thành, đang bị thu hẹp dần từ chiều rộng lẫn chiều sâu do nhiều nguyên nhân, như xây dựng lấn chiếm làm hẹp dòng chảy, bồi lắng và rác thải.
Điển hình, sau trận mưa gây ngập lụt mới đây, đặc biệt tại khu vực chợ Thủ Đức (TP. Thủ Đức), cơ quan chức năng TP.HCM nhìn nhận: khu vực chợ Thủ Đức là vũng trũng. Nước từ khắp nơi đổ về, phía Bắc là từ lưu vực khu vực đường Hoàng Diệu, đường Kha Vạn Cân; phía Tây Bắc là từ lưu vực tỉnh Bình Dương dọc theo đường sắt Bắc - Nam và đường Phạm Văn Đồng đổ về theo suối Linh Tây; phía Đông là từ lưu vực khu vực ngã tư Thủ Đức đổ về theo đường Võ Văn Ngân.
Nước “tứ phương” đổ dồn khu vực chợ Thủ Đức để thoát ra rạch cầu Ngang và rạch Thủ Đức. Tuy nhiên, rạch Cầu Ngang có chiều rộng chỉ khoảng 5,3 m, là vị trí “thắt cổ chai”, nước thoát ra rạch Thủ Đức không kịp, nên gây ngập.
Ngoài ra, quá trình đô thị hóa và bê tông hóa cao đã làm thay đổi căn bản lớp phủ của lưu vực hứng nước mưa từ tự nhiên (dễ thấm nước), đến nay, hầu hết đã bị mất khả năng thấm nước, dẫn đến lưu lượng đỉnh mưa tăng lên làm cho hệ thống thoát nước xung quanh khu vực chợ Thủ Đức trở nên quá tải.
Một số dự án thoát nước đều tập trung thoát nước về khu vực chợ Thủ Đức. Rạch Thủ Đức là hướng thoát nước chính của khu vực để thoát ra sông Sài Gòn, nhưng chưa được cải tạo, nạo vét, nên bị đất, cát, lục bình, cỏ dại bồi lắng, hạn chế khả năng thoát nước ra sông Sài Gòn, dẫn đến tình trạng ngập khu vực chợ Thủ Đức.
Còn tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, việc ngập cục bộ ở khu vực này thời gian gần đây được xác định là do kênh Hy Vọng và kênh Tân Trụ (thuộc quận Tân Bình) bị ô nhiễm, rác dày đặc bịt dòng chảy.
Tương tự, khu vực quận 6, quận 8 dù có hệ thống kênh rạch chằng chịt, như kênh Ranh, kênh An Hạ, kênh Đôi, rạch Bàu Trâu, rạch Sáng, rạch Bén, rạch Ụ Cây, rạch Hiệp An…, nhưng đang bị cạn dần do tình trạng bồi lắng, chất bẩn lưu lại không được xử lý.
Trong đó, điển hình là rạch Xuyên Tâm nối kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận Bình Thạnh) với sông Vàm Thuật (quận Gò Vấp). Con rạch này dài hơn 6 km, là đường tiêu thoát nước thải chủ đạo cho khu vực quận Bình Thạnh (với khoảng 40.000 m3/ngày chưa qua xử lý). Nhưng suốt gần 2 thập kỷ qua, Dự án Cải tạo, nạo vét rạch Xuyên Tâm “đứng hình”, rạch bị bồi lắng, gần 2.000 hộ dân đang sinh sống bên con rạch luôn trong cảnh ăn, ngủ trên rác và nước thải.
Gần đây, Dự án Cải tạo rạch Xuyên Tâm có tổng vốn đầu tư hơn 17.200 tỷ đồng mới được khởi công và kỳ vọng tới năm 2028, dự án này sẽ hoàn thành để góp phần cải thiện hệ thống thoát nước, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, chống ngập cho khu vực.
Hơn 30 năm di dời nhà ven kênh rạch bất thành
Theo cơ quan chức năng TP.HCM, với tốc độ đô thị hóa quá nhanh và thực trạng hệ thống kênh rạch trong phạm vi nội thành bị thu hẹp dòng chảy, bồi lắng và nhiều rác thải, TP.HCM đã xác định chủ trương tập trung giải quyết tình trạng nhà trên và ven kênh rạch để tiêu thoát nước, chống ngập úng trên địa bàn Thành phố; đồng thời cải thiện môi trường kênh rạch nhằm đem lại cho người dân điều kiện sống tốt hơn…
Chương trình di dời “lịch sử” đó bắt đầu từ năm 1993, tới nay là hơn 30 năm, chia làm 6 giai đoạn, nhưng chỉ có 2 giai đoạn vượt tỷ lệ đề ra trong kế hoạch.
Cụ thể, giai đoạn 1993 - 2000, chương trình di dời, tái định cư các hộ sống trên và ven tuyến kênh chính Nhiêu Lộc - Thị Nghè được thực hiện đúng kế hoạch, khi đến năm 2000 đã di dời 9.266 căn nhà.
Giai đoạn 2002 - 2005, UBND TP.HCM phê duyệt chương trình di dời và tái định cư 10.000 căn nhà trên và ven kênh rạch thuộc địa bàn 10 quận/huyện, gồm: Dự án Đại lộ Đông Tây; Dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé và lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm; Dự án Cải tạo các tuyến kênh rạch (kênh cầu Mé, kênh Hàng Bàng, kênh Nước Đen và các chi lưu Nhiêu Lộc - Thị Nghè). Kết thúc giai đoạn, Thành phố đã di dời được hơn 15.500 căn nhà, đạt tỷ lệ hơn 155%.
Tới giai đoạn 2006 - 2010, UBND TP.HCM lại đề ra mục tiêu di dời và tái định cư 15.000 căn nhà trên và ven kênh rạch nội thành thuộc 2 tuyến kênh chính và chi lưu: tuyến kênh Đôi - kênh Tẻ; tuyến Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (giai đoạn I); các chi lưu thuộc tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè; các chi lưu thuộc tuyến Tân Hóa - Lò Gốm. Đến hạn, TP.HCM chỉ giải phóng mặt bằng được 7.542 căn, đạt tỷ lệ hơn 50%.
Sang giai đoạn 2011 - 2015, UBND TP.HCM xác định nhiệm vụ phải hoàn thành di dời 14.101 căn nhà, trong đó có 7.458 căn chưa thực hiện trong giai đoạn 2006 - 2010. Nhưng đến hết năm 2015, cơ quan chức năng cũng chỉ di dời được hơn 4.100 căn, tỷ lệ chưa tới 30%.
Giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM lại đề ra chỉ tiêu di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, nhưng tới hạn, chỉ di dời được 2.479 căn, tỷ lệ hơn 12%.
Giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM tiếp tục đặt ra chỉ tiêu di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch. Đến nay, Thành phố mới di dời được 1.447 căn. Theo Sở Xây dựng, với phương án bố trí vốn hiện nay, đến hết năm 2025, dự kiến thực hiện bồi thường, di dời được 5.378 căn/6.500 căn, đạt tỷ lệ 82,7% chỉ tiêu đề ra.
Tổng cộng, kể từ năm 1993 đến năm 2025, TP.HCM di dời, giải phóng mặt bằng được 44.338 căn nhà trên và ven kênh rạch, thuộc 4 tuyến kênh rạch chính và các chi lưu. Hiện Thành phố còn tới 398 dự án/tuyến sông, kênh, rạch chưa triển khai thuộc 16 quận, huyện và TP. Thủ Đức, với tổng quy mô di dời gần 40.000 căn nhà.
(Còn tiếp)
Ngô Nguyên