Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Chợ Đồn, chính quyền địa phương đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống các hộ dân có lợn nhiễm bệnh để tuyên truyền, vận động tiêu hủy, xử lý nhằm bảo đảm môi trường, tránh lây lan bệnh trên diện rộng...
Cán bộ thú y xã Chợ Đồn hướng dẫn người dân khử trùng chuồng trại chăn nuôi sau khi tiêu hủy lợn nhiễm bệnh.
Tại gia đình bà Nông Thị Chuyên, thôn Bản Làn, xã Chợ Đồn, khu vực chuồng trại chăn nuôi có hai chuồng được xây dựng kiên cố rộng khoảng 25m2. Hai chuồng này có 9 con lợn (một con lợn mẹ và 8 con lợn con), tổng trọng lượng đàn lợn gần 150kg, trong đó đàn lợn con đã có thể xuất bán nên thiệt hại khoảng 20 triệu đồng, đây là một tài sản lớn của gia đình.
Bà Chuyên cho biết: Lợn mẹ được gia đình đem về nuôi để làm lợn nái gây giống, đã được tiêm phòng một đợt, đợt hai chưa được tiêm nhắc lại vì đến thời điểm tiêm đã mang thai và sau khi lợn con đẻ cũng chưa đủ ngày tuổi để tiêm, đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến cả đàn lợn bị nhiễm bệnh.
Sau khi phát hiện đàn lợn bị bệnh và khó có thể cứu chữa được, gia đình bà Chuyên đã thông báo với cán bộ Thú y của xã Chợ Đồn xuống kiểm tra thực tế và hướng dẫn các biện pháp tiêu hủy lợn để tránh ô nhiễm môi trường xung quanh.
Ông Nguyễn Văn Lũy, cán bộ thú y xã Chợ Đồn, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND xã Chợ Đồn, tôi trực tiếp xuống các thôn tuyên truyền, đề nghị hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch (cách ly đàn lợn ốm, theo dõi diễn biến sức khỏe đàn lợn, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại bằng vôi bột, hóa).
Bà Nông Thị Chuyên khử trùng chuồng nuôi sau khi đàn lợn đã được đưa đi tiêu hủy.
Trên địa bàn xã Chợ Đồn, từ cuối tháng 6, tại các thôn Bản Làn, Bằng Viễn 1, Bản Lanh, có xuất hiện lợn ốm và chết triệu trứng bệnh giống dịch tả lợn châu Phi. Thời gian lợn có biểu hiện ốm và chết vào cuối tháng 6 là 4 hộ gia đình với 19 con lợn.
Đến đầu tháng 7 có thêm một hộ. Tổng đàn lợn bị ốm và chết đến nay là 28 con. Lợn ốm có biểu hiện: Sốt, bỏ ăn, trên thân có nốt xuất huyết lấm chấm đen, vành tai và chỗ da mỏng tím. Việc tiêu hủy lợn được các hộ gia đình chú trọng không để ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Bà Hoàng Thị Phương Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Chợ Đồn, cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại địa phương, UBND xã đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với trưởng thôn và các hộ dân chăn nuôi kiểm tra, xác minh tình trạng lợn ốm; hướng dẫn các hộ xử lý, thống kê cụ thể để hỗ trợ các hộ dân theo quy định. Đồng thời tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán lợn đã nhiễm bệnh, thực hiện nghiêm công tác giám sát dịch bệnh, phát hiện và tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch mới xuất hiện, không để dịch lây lan ra diện rộng.
Để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, xã Chợ Đồn mong muốn cơ quan chuyên môn của tỉnh cân đối nguồn hóa chất sát trùng cung ứng cho xã để phun khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh chuồng nuôi, nhất là những nơi hiện có lợn ốm, chết vì hiện nay xã không còn hóa chất khử trùng tiêu độc. Hỗ trợ địa phương lấy mẫu bệnh phẩm khi báo có lợn ốm, chết tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn để xét nghiệm xác định bệnh theo quy định.
Văn Lạ