Ru con ngủ, bố vô tình khiến con 1 tuổi bị bại não suốt đời: Bác sĩ cảnh báo sai lầm nhiều cha mẹ mắc phải

Ru con ngủ, bố vô tình khiến con 1 tuổi bị bại não suốt đời: Bác sĩ cảnh báo sai lầm nhiều cha mẹ mắc phải
12 giờ trướcBài gốc
Bé trai 1 tuổi bị tổn thương não nặng chỉ vì bị rung lắc khi ru ngủ
Theo thông tin từ VTC News, Bệnh viện Tân Hoa trực thuộc Trường Y Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) mới đây tiếp nhận một trường hợp đặc biệt: bé trai 1 tuổi bị bại não do người cha vô tình gây chấn thương não khi bế con ru ngủ.
Mẹ của bé kể lại, khi bé được 4 tháng tuổi, người cha thường xuyên bế con trên tay rồi rung lắc để dỗ ngủ. Một lần, sau khi đặt con xuống giường, bé bất ngờ bật khóc, tái nhợt, liệt nửa người rồi rơi vào hôn mê. Dù được cấp cứu kịp thời, đến nay, bé đã một tuổi nhưng vẫn không biết bò, chưa thể đi lại.
Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bé mắc hội chứng rung lắc trẻ sơ sinh (SBS), một loại tổn thương não nguy hiểm do rung lắc mạnh. Bác sĩ Vương Tiểu Cường, chuyên gia phẫu thuật thần kinh nhi khoa, cho biết kết quả chụp CT cho thấy xuất huyết não, hoại tử mô não và nhuyễn não đa nang, hậu quả của việc rung lắc gây vỡ các mạch máu mỏng manh trong não trẻ.
Ông nhấn mạnh, trẻ nhỏ, đặc biệt là dưới 1 tuổi, có não bộ rất mong manh, hộp sọ chưa hoàn thiện, mạch máu trong não chỉ mảnh bằng sợi tóc. Việc rung lắc đột ngột có thể gây tổn thương nghiêm trọng, thậm chí không thể phục hồi.
Ru con ngủ, bố vô tình khiến con 1 tuổi bị bại não suốt đời. (Ảnh minh họa)
Chỉ 5 giây rung lắc cũng đủ để gây chấn thương não
Theo ThS.BS Ngô Tiến Đông (Bệnh viện Nhi Trung ương), nhiều ca SBS bị bỏ sót do biểu hiện ban đầu mờ nhạt như li bì, bỏ bú, quấy khóc. Chỉ đến khi trẻ lớn, biểu hiện chậm phát triển, thị lực kém, chậm nói... thì mới phát hiện, nhưng lúc đó đã quá muộn để can thiệp hiệu quả.
Tại Mỹ, Trung tâm quốc gia về Hội chứng rung lắc trẻ em ước tính mỗi năm có khoảng 1.000 – 1.300 ca, trong đó 25% tử vong, 80% sống sót nhưng mang di chứng vĩnh viễn như bại não, liệt, động kinh, thiểu năng trí tuệ.
Các bác sĩ cảnh báo: chỉ vài giây rung lắc mạnh cũng đủ để gây tổn thương nghiêm trọng. Những hành vi tưởng chừng vô hại như bế con rung lắc, đưa võng, lắc nôi mạnh, tung trẻ lên cao, đùa nghịch quá đà... đều tiềm ẩn rủi ro lớn.
Ở trẻ sơ sinh, trọng lượng đầu chiếm 10–15% tổng trọng lượng cơ thể, cổ yếu, não nằm “trôi nổi” trong dịch não tủy. Khi bị rung lắc, não có thể va đập vào hộp sọ, gây phù não, vỡ mạch máu, xuất huyết và tăng áp lực nội sọ.
Dấu hiệu cần lưu ý sau rung lắc mạnh
Trong vòng 4–6 giờ sau khi bị rung lắc, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng:
Mắt lờ đờ, da tái xanh, thóp phồng
Li bì, quấy khóc bất thường, bỏ bú, bỏ ăn
Buồn nôn, nôn, thở chậm, ngưng thở
Co cứng cổ, co giật, hoặc cơ thể mềm nhũn
Cổ ngoẹo sang một bên, khó cử động
Khi thấy trẻ có các dấu hiệu trên, cần đưa đến bệnh viện ngay lập tức để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Trường hợp đau lòng của bé trai 1 tuổi là lời nhắc nhở cho tất cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ: tuyệt đối không rung lắc mạnh khi ru con ngủ. Hãy dỗ trẻ bằng những cách an toàn như ôm ấp nhẹ nhàng, hát ru, vỗ nhẹ lưng… Thói quen tưởng vô hại đôi khi lại để lại hậu quả suốt đời cho một sinh mệnh bé nhỏ.
NB (T/h)
Nguồn Góc nhìn pháp lý : https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/ru-con-ngu-bo-vo-tinh-khien-con-1-tuoi-bi-bai-nao-suot-doi-bac-si-canh-bao-sai-lam-nhieu-cha-me-mac-phai-19922.html