Rau ngót là một loài rau quý, vừa ngon vừa bổ dưỡng và lành tính. Theo Đông y, rau ngót tính mát, vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, bổ huyết, nhuận tràng.... Loại rau này chứa lượng đạm thực vật cao nên thường được khuyên dùng thay thế một phần đạm động vật. Rau ngót cũng giàu canxi, sắt, magiê... là những khoáng chất quý giá. Hàm lượng vitamin A, vitamin C trong loại rau này cũng rất cao.
Rau ngót thường được sử dụng làm món canh, xào hay nước ép.
Rửa rau ngót thế nào cho đúng?
Rửa rau ngót như thế nào cho đúng để loại bỏ bụi bẩn, hóa chất và vi khuẩn mà vẫn giữ nguyên được các giá trị dinh dưỡng là điều mà nhiều người quan tâm.
Trước khi rửa rau ngót, bạn cần nhặt bỏ các lá héo, lá vàng hoặc có dấu hiệu bị sâu bệnh. Các lá này không chỉ làm giảm giá trị dinh dưỡng mà còn có thể chứa các vi khuẩn, nấm mốc, sau đó nhẹ nhàng tuốt lá rau ngót.
Rau ngót cần được vò trước khi nấu để được mềm và tăng độ ngọt. Điều nhiều người băn khoăn nhất về cách rửa rau ngót là nên vò trước khi rửa hay rửa trước khi vò.
Rửa rau ngót thế nào cho đúng, vò trước khi rửa hay rửa trước khi vò? (Ảnh: The Kitchn)
Câu trả lời của các chuyên gia dinh dưỡng là chỉ vò sau khi rửa sạch, nhớ chỉ vò nhẹ chứ không vò nát. Việc vò nát rau sẽ làm giảm một số chất dinh dưỡng trong rau ngót, nhất là các vitamin. Vò càng sớm, rau càng mất chất, đặc biệt là nếu rửa sau khi vò thì chất dinh dưỡng càng thất thoát nhiều, món ăn kém ngon, chưa kể chất bẩn càng dính vào rau dễ dàng hơn. Do đó, bạn chỉ nên vò nhẹ ngay trước khi cho rau vào nấu.
Để làm sạch rau ngót, bạn nên thao tác nhẹ nhàng trong chậu nước đủ rộng để bụi bẩn và tạp chất có thể rơi ra. Sau khi rửa sạch, bạn nên ngâm rau trong dung dịch nước muối loãng (pha theo tỷ lệ 1 thìa muối ăn với 1 lít nước) trong 5 đến 10 phút để loại bỏ các vi khuẩn có thể còn sót lại. Sau đó, bạn vớt rau ra và đặt rổ rau dưới vòi nước sạch để rửa trôi muối và các tạp chất đó.
Ngoài nước muối, giấm cũng là một lựa chọn tốt để làm sạch rau ngót. Giấm có tính axit nhẹ, có thể giúp loại bỏ thuốc trừ sâu và các vi khuẩn bám trên bề mặt rau. Bạn có thể pha giấm với nước theo tỷ lệ 1:10 (1 phần giấm và 10 phần nước). Ngâm rau ngót trong dung dịch giấm khoảng 5 phút, sau đó rửa lại với nước sạch.
Một số loại nước rửa rau chuyên dụng cũng có thể được sử dụng để làm sạch rau ngót. Chúng có tác dụng làm sạch vi khuẩn và dư lượng hóa chất, đồng thời giúp rau giữ được độ tươi lâu hơn.
Ngoài ra để rửa rau ngót đúng cách, bạn cần lưu ý :Việc ngâm quá lâu trong nước có thể làm mất đi một phần vitamin và khoáng chất có trong rau ngót. Vì vậy, hãy ngâm rau trong thời gian vừa phải.
Cách nấu canh rau ngót
Cách nấu canh rau ngót thơm ngon. (Ảnh: EatingWell)
- Chuẩn bị một ít thịt nạc vai hoặc tôm nõn, 2 củ hành khô, các loại gia vị cùng rau ngót đã sơ chế theo cách nêu trên.
- Bắc nồi lên bếp, phi thơm hành với một chút dầu ăn rồi cho thịt bằm hoặc tôm nõn vào xào săn; sau đó cho rau ngót vào đảo cùng một lúc cho rau mềm.
- Đổ một lượng nước vừa đủ, đun sôi, nêm nếm lại gia vị cho vừa với khẩu vị của gia đình bạn. Khuấy đều canh 1-2 lần cho gia vị hòa tan đều, sau đó tắt bếp và múc canh ra tô để thưởng thức. Rau ngót thơm ngon nhất là được ăn ngay sau khi nấu chín.
Một cách khác là bạn không xào rau ngót mà đun sôi nước với các loại gia vị, sau đó vò nhẹ rau ngót đã rửa sạch, cho vào đun vài phút cho mềm, nêm nếm lại là được.
Cách chọn rau ngót tươi ngon
- Rau ngót tươi sẽ có lá xanh mướt, không có dấu hiệu vàng úa hay héo. Những lá có màu sắc tươi sáng thường chứa nhiều dinh dưỡng và ít bị ảnh hưởng bởi các hóa chất bảo vệ thực vật.
- Kiểm tra thân rau: Chọn những mớ rau ngót mà phần thân không bị dập, mềm hay có dấu hiệu bị sâu bệnh. Khi bạn ngửi, rau sẽ có mùi thơm đặc trưng, không có mùi lạ hoặc mùi hóa chất.
- Để đảm bảo rau sạch, bạn nên mua rau ngót từ những nơi có uy tín, như các cửa hàng thực phẩm sạch hoặc chợ có chứng nhận an toàn thực phẩm.
NGUYỆT ÁNH (Tổng hợp)