Đến làng hương Văn Trai Thượng, du khách dễ dàng bắt gặp không gian làng nghề đầy chất thơ. Ảnh: Sơn Tùng
Làng nghề rộn ràng vào Tết
Làng tăm hương Văn Trai Thượng là niềm tự hào của vùng chiêm trũng Hà Nội, có vẻ đẹp và nét độc đáo không thua kém bất kỳ làng hương nổi tiếng nào trên cả nước. Những ngày cận Tết, cả làng bừng sáng bởi sắc màu của những mẻ hương phơi, hương thơm lan tỏa khắp không gian. Cụ già, người lớn, trẻ nhỏ đều góp phần làm nên làng nghề truyền thống vừa thân thiện, gần gũi, vừa rực rỡ sắc Tết...
Theo lời kể của người làng nghề, làng hương bắt nguồn từ năm 1944, khi ông Tạ Văn Nguyên (người huyện Thanh Oai) mang nghề đến và truyền lại cho ông Tạ Văn Nhiễu tại thôn Thượng, xã Văn Hoàng. Từ đó, nghề làm hương phát triển, trở thành nghề kinh tế chủ lực của nhiều hộ gia đình. Hiện xã Văn Hoàng có hơn 50 hộ sản xuất hương.
Hương tại làng Văn Trai Thượng được đánh giá cao, nhờ mùi thơm đặc biệt, hoàn toàn từ thảo mộc tự nhiên. Nguyên liệu làm bột hương bao gồm nhiều vị thuốc Bắc như đại hoàng, hương nhu, quế hồi, xuyên hương, bạch chỉ, độc hoạt, đan bì, đinh hương... Tất cả được tán nhỏ, trộn với bột gỗ để tạo độ kết dính.
Làng nghề Văn Trai Thượng hài hòa giữa công nghệ hiện đại với công đoạn thủ công. Ảnh: Sơn Tùng
Tới thăm cơ sở sản xuất hương của gia đình anh Đỗ Văn Thắng, mùi thơm thảo mộc lan tỏa ngay từ ngõ. Gia đình anh Thắng là một trong những hộ sản xuất lớn của làng. Những người thợ cần mẫn dậy từ 5 giờ sáng để tranh thủ phơi hương. Những ngày mưa, hương được mang vào lò sấy. Sản phẩm hương đặc biệt được thương lái đánh giá cao, chiếm được thị phần trên thị trường quốc tế, nhất là Trung Quốc.
Nguyên liệu làm hương ở làng Văn Trai Thượng đều từ các thảo dược. Ảnh: Sơn Tùng
Tại cơ sở sản xuất hương Hoàng Tiến, ông Phạm Văn Kế chia sẻ: "Gia đình tôi đã gắn bó với nghề được hơn 50 năm gắn bó với hương nén. Trước kia, bắn hương hoàn toàn thủ công, tự nhúng và vẩy tần tay, giờ đã có máy móc giúp tối ưu quy trình. Vợ chồng ông Kế hiện tận dụng lúc nhàn rỗi để giữ lửa nghề và tăng thu nhập. Hương nén Hoàng Tiến đã trở thành thương hiệu uy tín với quy trình đầy đủ, sản phẩm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Theo Trưởng thôn Văn Trai Thượng Phạm Thị Luyến, làng Văn Trai Thượng không chỉ nổi tiếng với nghề tăm hương truyền thống, mà còn là ngôi làng có cảnh quan sạch - đẹp, bình yên; đời sống nhân dân hiền hòa. Làng hiện có 272 hộ gia đình, hơn 1.000 nhân khẩu, tất cả cùng xây dựng nếp sống văn minh, sạch sẽ.
Làng nghề Văn Trai Thượng sản xuất hết công suất phục vụ thị trường Tết. Ảnh: Sơn Tùng
Trưởng thôn Văn Trai Thượng cho biết thêm, năm 2024, thôn tự hào đạt giải cao trong cuộc thi xanh - sạch - đẹp của huyện Phú Xuyên. Ngành nghề truyền thống phát triển mạnh, nhất là vào dịp Tết khi các cơ sở làm tăm hương hoạt động nhộn nhịp, đáp ứng nhu cầu người dân. Tuy vậy, chúng tôi luôn chú trọng giữ môi trường làng nghề xanh, sạch, đẹp, tạo sự hài hòa giữa sản xuất và đời sống. Bên cạnh đó, cảnh quan của làng ngày càng được cải thiện nhờ xã hội hóa trong đầu tư xây dựng và tôn tạo đình, chùa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...
Hướng tới làng nghề xanh, số hóa, gắn kết du lịch
Theo Chủ tịch UBND xã Văn Hoàng Nguyễn Thị Hiệp, làng nghề tăm hương Văn Trai Thượng không chỉ là niềm tự hào của xã Văn Hoàng, mà còn mang trong mình tiềm năng lớn để phát triển du lịch trải nghiệm. Khách đến với làng nghề sẽ được chiêm ngưỡng các cơ sở sản xuất tăm hương lâu đời, hòa mình vào không gian làng quê Bắc Bộ với nét cổ kính đậm chất truyền thống, nhưng không kém phần hiện đại, phản ánh sự chuyển mình của làng ven đô.
Làng nghề Văn Trai Thượng tấp nập vào Tết. Ảnh: Sơn Tùng
Chúng tôi mong muốn du khách khi đến đây không chỉ tham quan, mà còn được trải nghiệm sâu sắc đời sống người dân làng nghề. Tuy nhiên, để phát triển du lịch gắn với làng nghề, còn rất nhiều việc phải làm. Từ việc tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân hiểu giá trị của nghề gắn với du lịch..., đến việc xây dựng các điểm tham quan, trải nghiệm, tổ chức lại không gian chợ quê, cải thiện hạ tầng giao thông, tất cả đều cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Đến làng hương Văn Trai Thượng du khách dễ dàng bắt gặp không gian làng nghề đầy chất thơ. Ảnh: Sơn Tùng
Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính cho biết, Phú Xuyên là vùng đất giàu truyền thống, có nhiều làng nghề. Huyện đang từng bước định hình hướng đi mới để phát huy tiềm năng, khuyến khích các làng nghề duy trì sản xuất, phát triển theo xu thế hiện đại, bền vững. Huyện cũng khuyến khích các làng nghề tham gia trục phát triển mới, ứng dụng công nghệ số, kết nối giao thương qua mạng internet và các kênh bán hàng hiện đại. Việc đưa sản phẩm của làng nghề lên các nền tảng số, không chỉ giúp mở rộng thị trường, mà còn mang lại giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, phát triển làng nghề phải gắn liền với bảo vệ môi trường sống.
"Mục tiêu của chúng tôi là không chỉ giúp dân làm giàu, mà còn hướng đến môi trường sống xanh, sạch, đẹp, hạnh phúc... Một chiến lược trọng tâm nữa là kết hợp phát triển làng nghề với du lịch trải nghiệm. Chúng tôi muốn tạo không gian kết nối, nơi du khách không chỉ chiêm ngưỡng, mà còn hiểu sâu sắc giá trị văn hóa, lao động của các làng nghề. Sự kết hợp hài hòa giữa sản xuất, thương mại, dịch vụ và du lịch, giúp các làng nghề phát triển tốt hơn...", Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính nhấn mạnh.
Bạch Thanh