Làng địa lan bên suối Vi Rơ Ngheo
Từ thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông đi về phía Tây Bắc tầm 40 km theo tỉnh lộ 676 đến cầu Măng Bút, sau đó rẽ vào đường liên thôn đi thêm 7,5 km là đến làng Vi Rơ Ngheo, ngôi làng nhỏ lọt thỏm giữa núi rừng hoang sơ và tách biệt với những ngôi làng khác.
Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo nổi tiếng với danh hiệu "làng địa lan".
Vi Rơ Ngheo theo tiếng Xơ Đăng có nghĩa là một vùng đất có khí hậu lạnh, đây cũng là tên một con suối chảy qua làng. Làng Vi Rơ Ngheo hiện có 63 hộ dân với khoảng 300 nhân khẩu, toàn bộ là người Xơ Đăng. Bao quanh làng Vi Rơ Ngheo là dãy núi Ngọc Ruông với 4 ngọn núi hợp thành. Đứng trên đỉnh núi Ngọc Ruông nhìn xuống, làng Vi Rơ Ngheo như một nét chấm phá giữa mầu xanh trùng điệp của núi rừng, uốn lượn ôm lấy ngôi làng nhỏ là dòng suối Vi Rơ Ngheo hiền hòa róc rách ngày đêm.
Khí hậu mát mẻ của thung lũng nhỏ kẹp giữa 4 bề núi xanh đã dưỡng thành một thung lũng xanh với thảm thực vật phong phú, đa dạng, và đặc biệt hơn cả là vùng khí hậu này tạo nên một “thiên đường” của hoa địa lan. Hơn thế, dãy núi Ngọc Ruông còn sở hữu một kho báu với các loại hoa rừng như: đỗ quyên, hoa sim, hoa mua, địa lan… khoe sắc bốn mùa. Bên vách đá chênh vênh của dãy núi khổng lồ là rừng cây thông 5 lá với tuổi đời hàng trăm năm, sừng sững trên đỉnh Ngọc Ruông.
Năm 2023, làng Vi Rơ Ngheo được UBND tỉnh Kon Tum công nhận điểm du lịch: Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông
Anh Hiền, chủ một homestay nơi đây cho biết, người dân làng Vi Rơ Ngheo đã sưu tầm, nhân giống trồng được khoảng 1.000 chậu địa lan và phong lan, đồng thời tổ chức khoanh nuôi, nhân giống bảo tồn 5 đồi hoa lan, sim, mua quanh làng.
Trong không gian xanh mát, rực rỡ sắc hoa lan dưới hiên nhà, chị Y Lang (làng Vi Rơ Ngheo) cho biết: “Hoa địa lan nở rộ khắp dãy núi vào mùa khô, từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 hằng năm. Mùa mưa, người dân lại mang lan từ nhà lên rừng trồng nhằm bảo tồn và nhân rộng các giống lan. Người Xơ Đăng ở Vi Rơ Ngheo không dám phá lan rừng vì sợ Yang (Giàng) phạt”.
Du khách đến thăm làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo sẽ ngỡ ngàng bởi khung cảnh khắp nơi là hoa địa lan
Làng địa lan, làng du lịch cộng đồng
Ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, năm 2023, UBND tỉnh Kon Tum công nhận Vi Rơ Ngheo là làng du lịch cộng đồng đã tạo một cơ hội để làng phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp hơn. Chính quyền địa phương đã vận động các gia đình phục dựng lại toàn bộ những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng từng nhóm hộ để phát triển du lịch, dịch vụ. Với những sản vật, ẩm thực đặc trưng của địa phương, người dân phát triển chăn nuôi, cung cấp lương thực, thực phẩm làm nên những món ăn truyền thống của người Xơ Đăng phục vụ du khách.
Địa lan ở khắp các con đường, ngõ ngách trong làng.
Du khách đến Vi Rơ Ngheo không chỉ ngỡ ngàng trước khung cảnh rực rỡ của một làng văn hóa du lịch khắp nơi nơi đều có hoa địa lan khoe sắc, hoa địa lan hai bên đường làng, trong các khu vườn, dưới mái hiên nhà và ở trên bàn trà của người dân.
Hơn thế, làng Vi Rơ Ngheo còn lưu giữ được nhiều lễ nghi truyền thống như: Hội mừng lúa mới, hội lúa thừa, nhà rông, hội đâm trâu, lễ cúng giọt nước… Cùng với những ngôi nhà sàn truyền thống của người Xơ Đăng, các ngôi nhà đều lưu giữ những giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa đa dạng, độc đáo, gắn liền với đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Xơ Đăng.
Địa lan ở trong sân vườn, dưới mái hiên nhà, địa lan ở mọi nơi gắn với đời sống của người dân làng Vi Rơ Ngheo.
Bên cạnh một số hộ dân làm dịch vụ lưu trú homestay, các hộ dân khác tạo thành tổ đội cung cấp dịch vụ ẩm thực, một số hộ khác tổ chức biểu diễn nghệ thuật xoang, cồng chiêng, dệt thổ cẩm, trưng bày bán các sản phẩm thổ cẩm và nông sản địa phương… để du khách trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng.
“Mỗi người tham gia biểu diễn văn nghệ sẽ nhận được từ 100.000 - 150.000 đồng/buổi. Bà con phục vụ thêm các dịch vụ khác, như: Nấu ăn, hoạt động trải nghiệm… thì được thêm từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày”, chị Y Lang chia sẻ.
Du khách đến làng Vi Rơ Ngheo sẽ có cơ hội được sống trong các ngôi nhà sàn truyền thống, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa đa dạng, độc đáo, gắn liền với đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Xơ Đăng.
“Hiện nay đã có 50/63 hộ dân trong làng Vi Rơ Ngheo tham gia hợp tác xã du lịch. Với sự giúp đỡ từ chính quyền và nỗ lực của người dân, làng Vi Rơ Ngheo đã hình thành các đội múa xoang, cồng chiêng với nhiều lứa tuổi tham gia”, ông Phạm Văn Thắng cho biết thêm.
Trải nghiệm văn hóa, ẩm thực đậm đà bản sắc của người Xơ Đăng.
Thưởng thức cà phê theo cách riêng giữa không gian rực rỡ sắc hoa.
Thư Vũ/VOV.VN