Rủi ro gián đoạn sản xuất đồng do thiếu nước đe dọa nguồn cung chip

Rủi ro gián đoạn sản xuất đồng do thiếu nước đe dọa nguồn cung chip
11 giờ trướcBài gốc
Hoạt động khai thác và tinh chế quặng đồng đòi hỏi sử dụng rất nhiều nước, trong khi đó, mỗi bản mạch tích hợp bán dẫn chứa hàng tỉ dây đồng siêu nhỏ, với kích cỡ chỉ vài nanomet.
Quặng đồng được nung chảy ở nhà máy tinh luyện đồng Copper Refineries tại Townsville, Úc. Ảnh: glencore
Báo cáo công bố hôm 8-7 của PwC cho biết biến đổi khí hậu, dẫn đến tình trạng thời tiết khô hạn thường xuyên hơn, có thể là tai họa cho hoạt động sản xuất bán dẫn vốn dựa vào vật liệu đồng.
Quá trình khai thác và tinh chế đồng từ quặng (như mài, rửa và xử lý hóa học) sử dụng rất nhiều nước. Báo cáo của PwC trích dẫn dữ liệu từ Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và khoa học của Khối thịnh vương chung ở Úc (CSIRO) cho biết, cứ 19kg đồng thành phẩm cần đến 1.600 lít nước, tức là khoảng 84 lít nước cho mỗi kg đồng.
Hiện tại, chỉ riêng nguồn cung đồng từ Chile, nước sản xuất đồng hàng đầu thế giới, đóng góp đến 7% sản lượng chip toàn cầu. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất đồng ở nước này đang chậm lại do hạn hán nghiêm trọng.
Đến năm 2035, có khoảng 17 nước cung cấp đồng cho ngành công nghiệp bán dẫn sẽ đối mặt rủi ro hạn hán thường xuyên, khiến 32% sản lượng chip toàn cầu bị đe dọa, theo PwC.
Tỷ lệ này có thể tăng lên 58% vào năm 2050 trong trường hợp xấu nhất khi rủi ro khí hậu ảnh hưởng đến các nhà sản xuất đồng chủ chốt, gồm Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Theo Hiệp hội Đồng quốc tế (ICA), gần 28 triệu tấn đồng được tiêu thụ hàng năm. Ngành công nghiệp bán dẫn chỉ sử dụng một phần nhỏ trong số này. Nhưng các loại chip tiên tiến đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington.
Chip là một phần không thể thiếu của thiết bị điện tử tiêu dùng, bao gồm máy tính và điện thoại thông minh. Theo báo cáo của PwC, ngành công nghiệp bán dẫn dự kiến sẽ đạt giá trị 1.000 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030, chủ yếu là nhờ những tiến bộ về trí tuệ nhân tạo (AI).
Tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu gần đây nhất, do nhu cầu tăng đột biến trong thời kỳ đại dịch Covid-19 giữa lúc nhiều nhà máy đóng cửa, đã làm tê liệt ngành công nghiệp ô tô và dừng các dây chuyền sản xuất trên khắp các lĩnh vực khác phụ thuộc vào chip.
“Chip bán dẫn là mạch máu ẩn giấu của công nghệ hiện đại. Thật khó để hình dung một doanh nghiệp không phụ thuộc vào chip theo một cách nào đó”, Glenn Burm, giám đốc bán dẫn toàn cầu tại chi nhánh của PwC ở Hàn Quốc nói.
Thách thức đối với ngành công nghiệp bán dẫn càng trầm trọng hơn khi nhu cầu về đồng dự kiến sẽ tăng mạnh ở các lĩnh vực khác, chẳng hạn như hệ thống truyền tải điện và năng lượng mặt trời do nhu cầu sử dụng năng lượng điện toán và các công nghệ sạch ngày càng tăng.
Theo báo cáo của tổ chức Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) hồi tháng Năm, nhu cầu đồng toàn cầu dự kiến tăng hơn 40% vào năm 2040, vượt xa nguồn cung.
Trong năm 2023, Trung Quốc , nước tiêu thụ bán dẫn hàng đầu, là nhà nhập khẩu quặng đồng và đồng chưa tinh chế lớn nhất thế giới.
Theo PwC, để giảm thiểu các thách thức về khí hậu, một số nước sản xuất đồng đã tăng cường hiệu quả sản xuất, tái chế nước và đầu tư vào các nhà máy khử muối từ nước biển để tăng nguồn cung nước.
Các nhà sản xuất chip cũng đang khám phá các giải pháp thay thế cho đồng, chẳng hạn như vật liệu nano gốc bạc hoặc carbon. Họ cũng đang thiết kế các bản mạch tích hợp nhỏ gọn, hiệu quả hơn.
Dù vậy, hiện tại vẫn chưa có giải pháp thay thế nào có thể sánh được với đồng về giá cả và hiệu suất.
PwC cảnh báo, rủi ro đối với ngành chip sẽ tăng theo thời gian nếu cải tiến về vật liệu không thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn cung cấp nước an toàn hơn không được phát triển ở các nước sản xuất đồng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Tái chế đồng cũng đóng vai trò quan trọng. Theo Nhóm Nghiên cứu Đồng quốc tế (ICSG), khoảng 1/3 lượng đồng tiêu thụ toàn cầu vào năm 2022 có nguồn gốc từ vật liệu tái chế.
“Đồng là một trong số ít vật liệu có thể tái sử dụng mà không làm giảm hiệu suất, khiến nó trở thành ứng cử viên tuyệt vời cho hoạt động tái chế”, báo cáo của PwC cho biết.
Bên cạnh khai thác đồng, hạn hán cũng gây ra rủi ro đáng kể cho quá trình chế tạo tấm silicon (làm tấm nền cho mạch tích hợp bán dẫn) cũng đòi hỏi sử dụng nhiều nước.
Vào năm 2021, một đợt khô hạn bất thường đã gây áp lực rất lớn lên chính quyền Đài Loan nhằm đảm bảo hoạt động liên tục của TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Theo SCMP, Reuters
Khánh Lan
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/rui-ro-gian-doan-san-xuat-dong-do-thieu-nuoc-de-doa-nguon-cung-chip/