Rủi ro giao dịch mua BĐS hình thành trong tương lai

Rủi ro giao dịch mua BĐS hình thành trong tương lai
3 giờ trướcBài gốc
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, không ít những dự án chung cư bỏ hoang, dang dở hàng chục năm, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Không những thế, việc chậm tiến độ, chậm bàn giao của một số dự án như Athena Pháp Vân (quận Hoàng Mai), dự án nhà ở xã hội THT New City (huyện Hoài Đức)… đã khiến niềm tin nơi người dân sụt giảm nghiêm trọng. Mặc dù Luật đất đai 2024 đã có những chế tài đối với những dự án chậm tiến độ, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, các thông tư, nghị định hướng dẫn cần phải diễn giải rõ ràng, tránh tạo lỗ hổng để các chủ đầu tư lách luật.
TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cho biết: “Trước hết, chúng ta phải hiểu quy định là quy định, vấn đề áp dụng thực tiễn đến đâu nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đặc biệt là diễn giải nội hàm thế nào là dự án chậm triển khai. Bởi theo quy định hiện hành thì cũng khá dễ lách luật. Ví dụ, sau 2 năm không có động thái đầu tư nào thì sẽ bị coi là chậm. Thế nhưng, nhà đầu tư chỉ cần đầu tư một tí thôi cũng là khởi động. Do đó, diễn đạt nội dung là cực kỳ quan trọng”.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, không ít những dự án chung cư bỏ hoang, dang dở hàng chục năm, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 95 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Nhà ở 2023, có 8 trường hợp nhà ở được giao dịch khi chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ, sổ hồng). Trong đó, đối với nhà ở hình thành trong tương lai (mua bán nhà trên giấy) không thuộc dự án, chủ đầu tư muốn mua bán, cho thuê chỉ cần có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là trong việc cấp sổ đỏ cho người mua.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho biết: “Theo luật sửa đổi mới, việc giao dịch không có sổ đỏ vẫn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, trong đó có một số rủi ro. Nếu không có sổ đỏ, tức là chúng ta chưa có tính pháp lý hoàn thiện cho bất động sản mà chúng ta mua và trong tương lai, vấn đề sổ đỏ chừng nào được ban hành chúng ta cũng không biết được”.
So với Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 99, quy định mới nêu chi tiết hơn về trường hợp mua bán, thuê mua nhà trên giấy. Quy định mới cũng siết giao dịch thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai của chủ đầu tư dự án, hạn chế tình trạng doanh nghiệp đã thế chấp dự án nhưng vẫn ký hợp đồng mua bán, góp vốn với người dân nhằm huy động vốn.
Có thể thấy, các Luật mới đã mở ra những điều kiện thông thoáng hơn trong việc mua bán nhà ở trong tương lai cho cả phía chủ đầu tư cũng như người mua. Tuy nhiên, trước khi có những văn bản hướng dẫn thi hành luật, người dân cần tự mình trang bị những kiến thức, tìm hiểu rõ pháp lý dự án, năng lực chủ đầu tư để tránh những tranh chấp về sau.
Hải Châu
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/rui-ro-giao-dich-mua-bds-hinh-thanh-trong-tuong-lai-273976.htm