Rủi ro khi mua hàng trực tuyến

Rủi ro khi mua hàng trực tuyến
một ngày trướcBài gốc
"Cướp" đơn
Gần đây, tình trạng cướp đơn hàng của các shop kinh doanh online nổi tiếng đã diễn ra khá thường xuyên. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng nhiều chiêu trò khác nhau để chiếm đoạt tài sản của khách hàng và làm giảm uy tín của các cửa hàng trực tuyến.
Một số hình thức phổ biến như: các đối tượng mạo danh nhân viên giao hàng (shipper) gọi điện cho khách hàng, thông báo về đơn hàng sắp được giao và yêu cầu khách hàng chuyển khoản trước để nhận hàng. Nếu khách hàng không cảnh giác và thực hiện theo yêu cầu, họ sẽ bị chiếm đoạt số tiền đã chuyển. Khách hàng thường dễ bị lừa trong trường hợp này là do nội dung các đối tượng trao đổi thường trùng khớp với đơn hàng mà trước đó khách vừa đặt mua trên một shop online, cả tên họ và địa chỉ cư trú. Điều này được một số người kinh doanh trong nghề chia sẻ, do các đối tượng đã hack tài khoản của các cửa hàng hoặc hệ thống của đơn vị vận chuyển. Sau khi có được thông tin đơn hàng và khách hàng, chúng liền ra tay trước, gọi điện đến khách hàng (trước khi nhân viên của shop gọi chốt đơn) yêu cầu chuyển khoản hoặc giao hàng giả mạo.
Hiện, các đối tượng không yêu cầu chuyển khoản toàn bộ đơn hàng mà chỉ đề nghị khách chuyển phí ship, tùy khu vực mà giá giao động từ 15-30.000 đồng/đơn. Nếu khách hàng mất cảnh giác chuyển khoản số tiền trên sẽ tiếp tục bị các đối tượng dẫn dắt vào kịch bản đã được sắp đặt sẵn (đường link giả...). Ngoài ra, kẻ lừa đảo còn tạo ra các trang web hoặc tài khoản mạng xã hội giả mạo các cửa hàng uy tín để bán hàng kém chất lượng hoặc lừa đảo khách hàng chuyển khoản trước nhưng không giao hàng. Chị Trần Ngọc D. (ngụ P.Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu), nhận được cuộc gọi từ đối tượng giả danh shipper thông báo có đơn hàng của bà chủ cửa hàng nơi chị làm việc. Tin tưởng, chị T. đã chuyển khoản phí giao hàng 30.000 đồng theo yêu cầu. Sau đó, đối tượng tiếp tục hướng dẫn chị T. nhấn vào đường link để thanh toán và đe dọa nếu không trả tiền thì hàng tháng tài khoản ngân hàng sẽ bị trừ 4 triệu đồng. Lo sợ, chị T. đã nhấn vào đường link và nhập thông tin tài khoản, dẫn đến việc bị trừ 90 triệu đồng.
Tin nhắn yêu cầu chuyển khoản
May mắn hơn, do thường xuyên được cảnh báo về các hình thức lừa đảo tương tự, chị Ngô Phương L. (ngụ P10, Gò Vấp) đã thận trọng hơn với cuộc gọi từ các số điện thoại lạ. Trưa 22/3, khi đang nấu ăn, chị nhận được cuộc gọi của một nam thanh niên từ số điện thoại 0932.2016840 báo chị có một đơn hàng quần áo của shop H đang được giao đến, tổng đơn là 230.000 đồng. Biết là bị lừa vì trước giờ chị từng mua hàng từ shop H trên 30 đơn, giao qua nhân viên bưu điện, chưa bao giờ đổi đơn vị vận chuyển khác. Chị L. vờ "nhử": "Giờ này chị không có nhà, sao đây em?". "Em ném hàng vào sân cho chị nhé, chị chuyển khoản hộ em, em gửi chị tài khoản đây". Ít giây sau, tin nhắn được gửi đến từ số điện thoại 0329.533827 với nội dung: "Lâm Tuyết Nhi, số TK: 00336511794131 CIM bank. 230k chị nhé, chuyển luôn giúp em để em báo lên kho xác nhận". Chị L lặp tức chặn số 0932.201... thì cuộc gọi từ số 0329.533827 đến: "Chị ơi, sao chị chưa chuyển khoản?". "Em chụp hình gói hàng cho chị xem rồi chị chuyển cho!". "Ôi, em đi mất rồi, sao chị không nói trước, chị chuyển cho em đi...". "Hi, em gửi hình ảnh hoặc là... hẹn em lần sau hen!". Điện thoại phía anh "shipper" vang tiếng tít tít tít...
Giải pháp phòng tránh
Để bảo vệ bản thân trước các chiêu trò lừa đảo, khách hàng nên xác minh thông tin đơn hàng. Khi nhận được cuộc gọi từ shipper, hãy kiểm tra lại thông tin đơn hàng qua các kênh chính thức của cửa hàng hoặc sàn thương mại điện tử trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào. Cần kiểm tra danh tính shipper: yêu cầu shipper xuất trình thẻ nhân viên và đối chiếu thông tin trên đơn hàng với thông tin cá nhân của mình. Nếu có nghi ngờ, liên hệ ngay với cửa hàng hoặc đơn vị giao hàng để xác minh. Hạn chế chuyển khoản trước, nếu có thể cần lựa chọn hình thức thanh toán khi nhận hàng (COD) và kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi thanh toán. Tránh chuyển khoản trước khi nhận hàng, đặc biệt khi có yêu cầu bất thường từ người giao hàng. Và điều quan trọng, cần bảo mật thông tin cá nhân. Không chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng hoặc mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên cửa hàng hoặc đơn vị giao hàng.
Nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng lừa đảo trong mua sắm trực tuyến, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần tăng cường giám sát và xử lý vi phạm. Các cơ quan chức năng cần theo dõi chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử, nhanh chóng phát hiện và xử lý các trường hợp lừa đảo, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức cộng đồng. Tổ chức các chương trình tuyên truyền, giáo dục người dân về các chiêu trò lừa đảo phổ biến và cách phòng tránh, giúp họ nâng cao cảnh giác khi tham gia mua sắm trực tuyến. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào hệ thống bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn cho dữ liệu khách hàng và giao dịch trực tuyến, ngăn chặn kẻ gian lợi dụng lỗ hổng để thực hiện hành vi lừa đảo. Mặt khác, doanh nghiệp, đơn vị giao hàng và cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin, cảnh báo sớm về các hình thức lừa đảo mới, tạo ra môi trường mua sắm trực tuyến an toàn cho người tiêu dùng.
Minh Thư
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/vu-an/phong-chong-toi-pham-tren-khong-gian-mang/rui-ro-khi-mua-hang-truc-tuyen_175956.html