Rủi ro khôn lường nếu EU tịch thu 'hạm đội bóng tối' của Nga ở biển Baltic

Rủi ro khôn lường nếu EU tịch thu 'hạm đội bóng tối' của Nga ở biển Baltic
12 giờ trướcBài gốc
Con tàu Eagle S của Nga bị bắt giữ ở gần khu bảo tồn thiên nhiên Klobbudden tại Porvoo, miền nam Phần Lan. Ảnh: Politico
“Hạm đội bóng tối” là biệt danh mà các nước phương Tây dùng để chỉ đội tàu Nga vận chuyển dầu từ Nga đến biển Baltic, sau đó dầu được chuyển sang tàu khác giữa biển. Cuối cùng dầu được bán dưới danh nghĩa từ nước trung gian (thường là các công ty ở Trung Đông hoặc châu Á) để lách các lệnh trừng phạt chống Nga.
Tuần trước, tờ Politico đưa tin rằng một số nước EU có thể tịch thu "hạm đội bóng tối" của Nga ở biển Baltic với lý do tuân thủ luật môi trường và luật chống cướp biển quốc tế.
Họ cũng có thể thông qua luật quốc gia mới để hợp pháp hóa điều này. Việc Phần Lan bắt giữ một con tàu như vậy vào tháng 12 năm ngoái với lý do nó có liên quan đến vụ cắt cáp ngầm được cho là đã "truyền cảm hứng" cho các nước EU cân nhắc việc làm như vậy thường xuyên. Mục đích là cắt giảm dòng doanh thu nước ngoài của Điện Kremlin từ việc bán dầu giảm giá cho châu Á.
Theo Politico, khoảng 40% đội tàu lách các lệnh trừng phạt (còn gọi là "hạm đội bóng tối") của Nga đi qua Biển Baltic, tương đương với gần 350 tàu, đem lại tổng doanh thu tương đương khoảng 1/3 ngân sách quốc phòng hàng năm của Nga. Vì vậy tờ báo cho rằng việc ngăn chặn chúng hoạt động có thể giáng một đòn mạnh vào Điện Kremlin về mặt tài chính.
Thách thức với kế hoạch bắt giữ "hạm đội bóng tối"
Tuy nhiên, có một số thách thức đối với các kế hoạch này khiến chúng khó thực hiện hơn nhiều so với những gì các nhà hoạch định chính sách đã nghĩ, và điều này đã được đề cập trong báo cáo của tờ Politico.
Trước hết, luật pháp quốc tế và quyền sở hữu của các nước thứ ba đối với một số tàu thuộc "hạm đội bóng tối" có thể khiến việc tịch thu dù chỉ một con tàu cũng kéo theo những hậu quả chính trị và pháp lý nặng nề. Đây chính là điều mà Phần Lan đang bắt đầu nhận ra sau vụ việc đầy kịch tính vào tháng 12 năm ngoái.
Những hậu quả này có thể khiến họ phải suy nghĩ lại về sự khôn ngoan khi bắt giữ thêm bất kỳ con tàu nào, đặc biệt là nếu họ không thể trông cậy vào EU để tìm sự ủng hộ, chứ đừng nói đến nhà lãnh đạo Mỹ trong NATO.
Thách thức thứ hai là nguy cơ leo thang xung đột trong trường hợp Nga điều động tàu chiến hộ tống "hạm đội bóng tối" của mình qua biển Baltic.
Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của quốc hội Nga cảnh báo rằng "bất kỳ cuộc tấn công nào vào tàu của chúng tôi đều có thể được coi là cuộc tấn công vào lãnh thổ của chúng tôi, ngay cả khi con tàu đó treo cờ nước ngoài".
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AA/TTXVN
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump không ủng hộ việc leo thang chống lại Nga, ít nhất là tại thời điểm này, vì vậy ông có thể không mở rộng các bảo đảm theo Điều 5 cho các đồng minh nếu họ bắt giữ các tàu Nga như vậy.
Và cuối cùng, tất cả những hành động như vậy có thể chỉ đơn giản là quá ít, quá muộn. Nga và Mỹ đã bắt đầu đàm phán bí mật về Ukraine nên cuộc chiến ủy nhiệm của họ tại Ukraine có thể kết thúc vào thời điểm mà một EU chậm chạp cuối cùng cũng phải quyết định có ủng hộ việc bắt giữ "hạm đội bóng tối" của Nga ở Baltic hay không.
Lý do EU vẫn tính nhắm đến "hạm đội bóng tối"
Những thách thức đó đặt ra câu hỏi tại sao kế hoạch này thậm chí còn được xem xét. Theo phân tích của Politico, có thể đơn giản là một số quốc gia EU, như những quốc gia Baltic theo quan điểm quá cứng rắn, muốn chứng tỏ họ vẫn chưa cạn kiệt các lựa chọn chính sách chống lại Nga.
Việc nhận ra rằng không còn điều gì họ có thể thực sự làm để kiềm chế Moskva có thể dẫn đến sự suy sụp tinh thần sâu sắc vì mọi thứ họ đã làm đều không ngăn chặn được bước tiến trên thực địa của Nga hay làm sụp đổ nền kinh tế của nước này như họ mong đợi.
Hai lý do còn lại thậm chí còn đơn giản hơn theo nghĩa là họ cũng có thể tự thuyết phục mình rằng chỉ cần nói về điều này cũng có thể ngăn chặn "hạm đội bóng tối" của Nga hoạt động ở Baltic và/hoặc khuyến khích Mỹ hỗ trợ mạnh hơn ở Ukraine.
Cả hai kết quả đều không có khả năng thành hiện thực nhưng điều đó không có nghĩa là các nước này vẫn không thực sự tin rằng chúng có thể xảy ra. Tuy nhiên, những tưởng tượng chính trị này có thể nhanh chóng trở nên nguy hiểm nếu bất kỳ quốc gia liên quan nào tìm cách đơn phương biến chúng thành hiện thực.
Rủi ro khó lường
Một sự cố lớn trên biển có thể ngay lập tức châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng Chiến tranh Lạnh mới khiến mặt trận Baltic trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu.
Nếu điều này xảy ra trong khi Tổng thống Trump vẫn đang đàm phán với người đồng cấp Putin, thì rất khó có khả năng ông sẽ ủng hộ phía tấn công chống lại Nga vì rõ ràng đây là hành động khiêu khích nhằm phá hoại một thỏa thuận hòa bình. Nhưng cách tiếp cận của ông có thể thay đổi nếu các cuộc đàm phán đó sụp đổ và sau đó ông quyết định "leo thang để hạ nhiệt" xung đột Ukraine theo các điều khoản tốt hơn cho Mỹ.
Vụ bắt giữ tàu Eagle S là một ví dụ điển hình về những thách thức khi châu Âu đối đầu với Nga ở biển Baltic. Ảnh: Getty Images
Tuy nhiên, điều đó có thể phản tác dụng nếu ông Putin cho phép hải quân bảo vệ "hạm đội bóng tối" của mình như một sự leo thang đáp trả sau tiền lệ mà ông đã thiết lập vào tháng 11 năm ngoái. Khi đó, nhà lãnh đạo Nga đã cho phép lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu vượt âm Oreshnik để đáp trả việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây chống lại các mục tiêu trong biên giới của Nga, hành động báo hiệu rằng những ngày ông "nhún nhường" đã qua.
Do đó, Tổng thống Putin dự kiến sẽ phản ứng mạnh mẽ với kịch bản các nước châu Âu bắt giữ "hạm đội bóng tối" của Nga ở Baltic, điều này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị.
Trong khi đó, Tổng thống Trump dường như không muốn mạo hiểm Thế chiến thứ III để cắt giảm dòng doanh thu nước ngoài của Điện Kremlin, nên có lẽ ông sẽ từ chối chấp thuận một hành động khiêu khích như vậy hoặc sẽ từ bỏ bất kỳ đồng minh nào đơn phương thực hiện hành động đó bất chấp cảnh báo của ông.
Như vậy, "hạm đội bóng tối" của Nga không có gì phải lo lắng vì khả năng các nước châu Âu tịch thu tàu của họ một cách có hệ thống là thấp, mặc dù một số nước vẫn có thể tìm cách bắt giữ một vài tàu với lý do giả tạo như sự kiện tháng 12 năm ngoái của Phần Lan.
Tuy vậy, bất kỳ sự gia tăng nào của hành động đó chắc chắn sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Nga.
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Politico)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/rui-ro-khon-luong-neueu-tich-thu-ham-doi-bong-toi-cua-nga-o-bien-baltic-20250215105402991.htm