Rủi ro lạm phát cao hơn sau kết quả bầu cử tổng thống Mỹ

Rủi ro lạm phát cao hơn sau kết quả bầu cử tổng thống Mỹ
3 giờ trướcBài gốc
Có ba rủi ro chính sẽ tác động đến nền kinh tế và thị trường Đông Nam Á trong phần còn lại của năm 2024 và đến năm 2025.
Đầu tiên, các xung đột ngày càng lan rộng ở Trung Đông, có thể làm gia tăng hơn nữa rủi ro địa chính trị và đẩy giá năng lượng lên cao.
Sự không chắc chắn thứ hai là liệu các biện pháp kích thích trên diện rộng của Trung Quốc có đủ để thúc đẩy nền kinh tế của nước này hay không.
Tuy nhiên, sự bất ổn thứ ba có lẽ là sự bất ổn có tác động lớn nhất – cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang diễn ra.
Kết quả của cuộc bầu cử này có thể có tác động đáng kể đến nền kinh tế Mỹ và theo đó là chính sách tiền tệ, lãi suất và đồng USD. Các nền kinh tế trên toàn thế giới, bao gồm cả Đông Nam Á, sẽ bị ảnh hưởng.
Các chính sách mà ông Trump mong muốn hầu hết đều mang theo rủi ro lạm phát
Nhiều thảo luận đã được thực hiện về khả năng gây ra lạm phát tiềm ẩn từ những chính sách kết hợp mà ông Donald Trump mong muốn. Trong quá trình vận động tranh cử, vị cựu tổng thống này đã ủng hộ một loạt biện pháp thuế quan leo thang.
Những mức thuế này dao động từ mức tăng đáng kể thuế quan thương mại đối với Trung Quốc lên 60%, đến mức thuế trừng phạt 200% đối với xe nhập khẩu từ Mexico.
Những mức thuế này sẽ được cộng vào mức thuế quan chung mà ông đề xuất là 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Ông Trump cũng đã gợi ý rằng, thuế quan thương mại có thể được sử dụng để chi trả cho việc cắt giảm thuế. Ông muốn các công ty sản xuất hàng hóa tại Mỹ sẽ chỉ trả mức thuế ưu đãi là 15%, giảm từ mức 21% hiện tại.
Tuy nhiên, điều này có thể gây ra lạm phát, vì việc gia tăng thuế quan thương mại như vậy sẽ dẫn đến giá hàng nhập khẩu cao hơn.
Nếu kết quả bầu cử tổng thống Mỹ là ông Trump, thị trường lao động có thể bị thắt chặt và đẩy tiền lương lên cao, tạo ra một áp lực gây ra lạm phát khác khi vị này muốn hồi hương và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp.
Trên bề mặt, các chính sách mà ông đề xuất có thể kéo dài chu kỳ tăng trưởng mạnh hơn dự kiến của nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, các chính sách này, ngay cả khi chỉ được thực hiện một phần, cũng có thể gây ra lạm phát cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Viện Kinh tế quốc tế Peterson đã cảnh báo rằng, các đề xuất thuế quan của ông Trump có thể khiến một hộ gia đình Mỹ điển hình phải trả hơn 2.600 USD một năm.
Mức lạm phát cao hơn này có thể dẫn đến một lộ trình cắt giảm lãi suất ít hơn từ Fed so với dự đoán của thị trường.
Các chính sách kinh tế mà Harris đề xuất có mục tiêu cụ thể hơn và ít cực đoan hơn
Ngược lại với ông Trump, ứng cử viên đảng Dân chủ - bà Kamala Harris cho đến nay đã phác họa các chính sách mong muốn của mình một cách khái quát.
Về chính sách thương mại, bà có khả năng sẽ tiếp tục cách tiếp cận "sân nhỏ, hàng rào cao" của chính quyền Biden, áp dụng mức thuế quan có mục tiêu cụ thể hơn cho các ngành công nghiệp cụ thể với cách tiếp cận ít đối đầu hơn so với cách tiếp cận do Trump đề xuất.
Về chính sách thuế, bà đã đề xuất tăng thuế thu nhập đối với những người có thu nhập cao nhất, tăng thuế đối với nhóm có mức tăng vốn cao nhất và tăng thuế đối với các tập đoàn, trong khi việc giảm thuế dành riêng cho các ngành chiến lược và các ngành công nghiệp sạch.
Bà muốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và các hộ gia đình nghèo ứng phó với chi phí sinh hoạt gia tăng.
Nói chung, các chính sách kinh tế mà bà đề xuất có mục tiêu cụ thể hơn và ít cực đoan hơn so với Trump, và có khả năng ít gây ra lạm phát cho nền kinh tế Mỹ.
Không giống như các đề xuất của ông Trump về việc tổng thống giám sát nhiều hơn đối với các quyết định về chính sách tiền tệ, bà Harris đã ủng hộ sự độc lập đang diễn ra của Fed. Harris cũng không đề xuất bất kỳ biện pháp nào để đơn phương phá giá đồng USD – một đề xuất mà Trump cũng đã đưa ra nhiều lần.
Tác động từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ
Đối với các nền kinh tế trong khu vực, các chính sách của ông Trump có thể dẫn đến một kịch bản lạm phát mới, điều đó có thể góp phần làm cho lãi suất khó điều chỉnh hơn và góp phần củng cố sức mạnh của đồng bạc xanh.
Các chính sách đối ngoại và thương mại mang tính đối đầu với Trung Quốc của ông Trump cũng có thể làm tăng rủi ro địa chính trị trên toàn khu vực. Có rủi ro kéo theo là ông có thể kìm hãm sự phục hồi của tăng trưởng và dòng chảy thương mại đối với Trung Quốc và trên khắp Đông Nam Á.
Điều này có thể khiến các chính quyền khu vực và ngân hàng trung ương phải hiệu chỉnh lại chính sách tài khóa và tiền tệ tương ứng của họ vào năm 2025.
Hiện tại, tăng trưởng kinh tế và triển vọng thương mại của Đông Nam Á vẫn tươi sáng nhờ sự phục hồi của chi tiêu bán lẻ và xuất khẩu hàng điện tử trên toàn khu vực. Hầu hết các quốc gia trong khu vực dự kiến sẽ chứng kiến tăng trưởng GDP và sức mạnh tiền tệ cao hơn vào năm sau.
Về lâu dài, các xu hướng lớn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khu vực như dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang phát triển, hoạt động thương mại xuyên biên giới và hội nhập sâu rộng hơn trong các ngành công nghiệp khu vực sẽ tạo tiền đề cho tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Trong những năm tới, chúng tôi dự báo FDI vào Đông Nam Á sẽ tăng thêm 38% lên 312 tỷ USD vào năm 2027 và lên 373 tỷ USD vào năm 2030.
Trong bối cảnh bất ổn sắp tới đối với thương mại toàn cầu phát sinh từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, điều quan trọng là phải lưu ý đến mối quan hệ thương mại mạnh mẽ và hỗ trợ được thiết lập bởi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực neo giữ các quốc gia ASEAN trong một hiệp định thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand. ASEAN cũng dự kiến sẽ làm mới hiệp định thương mại tự do lâu đời của mình với Trung Quốc.
*Bài viết thể hiện quan điểm của ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore).
Ông Heng Koon How, Ngân hàng UOB*
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/rui-ro-lam-phat-cao-hon-sau-ket-qua-bau-cu-tong-thong-my-d37800.html