Rủi ro nguồn cung hàng hóa gia tăng sau cú sốc thuế quan

Rủi ro nguồn cung hàng hóa gia tăng sau cú sốc thuế quan
5 giờ trướcBài gốc
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Từ đầu tháng 4/2025 khi Mỹ nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 145%, lượng hàng vận chuyển giữa hai nước đã giảm mạnh tới 60%. Dù sự sụt giảm nguồn cung từ một trong những đối tác thương mại lớn nhất này chưa tác động rõ rệt đến nhiều người dân Mỹ, tình hình sắp thay đổi.
Đến giữa tháng Năm, hàng nghìn doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ sẽ đối mặt với nhu cầu bổ sung hàng tồn kho. Các nhà bán lẻ hàng đầu như Walmart và Target đã thông báo với ông Trump trong cuộc họp tuần trước về nguy cơ kệ hàng trống và giá cả tăng cao.
Nhà kinh tế trưởng Torsten Slok của công ty quản lý tài chính Apollo Management cảnh báo về khả năng thiếu hụt hàng hóa tương tự thời kỳ COVID-19. Đồng thời, các ngành vận tải, logistics và bán lẻ có thể tiến hành các đợt sa thải nhân viên quy mô lớn.
Mặc dù ông Trump gần đây tỏ ý linh hoạt về thuế nhập khẩu có thể đã quá muộn để ngăn chặn cú sốc nguồn cung lan rộng khắp kinh tế Mỹ. Cú sốc này tiềm ẩn nguy cơ kéo dài đến Giáng sinh.
Ngay cả khi căng thẳng dịu bớt, việc tái khởi động thương mại xuyên Thái Bình Dương cũng tiềm ẩn rủi ro, ngành vận tải đã cắt giảm công suất để phù hợp với giai đoạn nhu cầu yếu đi. Do đó, sự gia tăng đột ngột đơn hàng có thể gây quá tải, chậm trễ và tăng chi phí, tương tự kịch bản tắc nghẽn cảng biển và giá cước tăng gấp bốn lần trong đại dịch.
Ông Lars Jensen, Giám đốc điều hành (CEO) của công ty tư vấn vận tải biển Vespucci Maritime, lưu ý rằng các cảng được thiết kế cho hoạt động lưu thông hàng hóa ổn định, không phải sự biến động thất thường về khối lượng vận tải.
Thuế quan được Chính phủ Mỹ áp vào thời điểm quan trọng của ngành bán lẻ, khi các nhà cung cấp bắt đầu chuẩn bị hàng hóa cho mùa mua sắm tựu trường và Giáng sinh.
Ông Jay Foreman, CEO hãng đồ chơi Basic Fun cảnh bảo thuế quan cao sẽ khiến các khách hàng của công ty như Amazon và Walmart tạm dừng đơn hàng, thậm chí có thể hủy đơn nếu tình hình kéo dài. Với 90% sản phẩm từ Trung Quốc, công ty ông nhận định thiệt hại sẽ tăng lên mỗi tuần.
Dấu hiệu ban đầu của cú sốc nguồn cung này thể hiện rõ ở châu Á. Theo dữ liệu theo dõi tàu do hãng tin Bloomberg tổng hợp, hiện có khoảng 40 tàu chở hàng từ các cảng ở Trung Quốc đang hướng đến Mỹ, giảm khoảng 40% so với đầu tháng Tư. Những con tàu này chở khoảng 320.000 container, ít hơn khoảng 30% so với ngay sau khi ông Trump tuyên bố tăng thuế lên 145% đối với hầu hết hàng hóa từ Trung Quốc.
Ông Judah Levine, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại nền tảng đặt hàng vận chuyển hàng hóa Freightos cho biết nhiều nhà nhập khẩu Mỹ sẽ tranh thủ đặt hàng trước từ các đối tác khác trong thời gian 90 ngày tạm hoãn thuế đối ứng. Điều này có thể giúp các công ty giảm bớt cú sốc liên quan tới Trung Quốc thông qua các cảng và mạng lưới logistics của họ.
Một số đang chuyển hướng sang các nhà cung cấp Đông Nam Á, Hãng tàu Hapag-Lloyd ghi nhận lượng hủy đơn hàng từ Trung Quốc tới Mỹ khoảng 30%, nhưng đơn hàng từ các nhà xuất khẩu Campuchia, Thái Lan, Việt Nam lại tăng mạnh.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã từng cảnh báo thương mại hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc có thể giảm tới 80%, củng cố mô tả của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent rằng tình hình hiện tại về cơ bản là một lệnh cấm vận thương mại.
Sự không chắc chắn này góp phần khiến các nhà kinh tế đánh giá nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ ở mức 50/50. Các nhà dự báo được Bloomberg khảo sát dự kiến nhập khẩu trong quý II/2025 sẽ giảm 7% so với cùng kỳ năm trước mức giảm lớn nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19.
Giới chuyên gia cũng điều chỉnh tăng dự báo lạm phát tại Mỹ do giá cả có thể leo thang khi một số mặt hàng từ Trung Quốc có thể tăng giá gấp đôi, trong bối cảnh tâm lý người tiêu dùng đang xấu đi.
Nếu căng thẳng thương mại kéo dài thêm vài tuần nữa, các nhà cung cấp và nhà bán lẻ Mỹ sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn cho nửa cuối năm, bao gồm việc vận chuyển những mặt hàng nào và tăng giá bao nhiêu. Các nhà cung cấp dự kiến sẽ có nhiều đơn hàng bị hủy bỏ, điều sẽ thúc đẩy các nhà bán lẻ tìm kiếm hàng hóa ở Mỹ và các thị trường khác ngay cả khi đó là hàng từ Giáng sinh năm ngoái.
Đây cũng sẽ là một cú sốc tài chính lớn mà nhiều công ty có thể sẽ đối phó bằng cách cắt giảm chi phí, bao gồm cả việc làm, hoặc gánh thêm nợ với lãi suất cao.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan này có thể được giải quyết nếu ông Trump dỡ bỏ thuế quan.
Một số nhà quan sát đã so sánh tình hình hiện tại với thời kỳ đại dịch. Nhưng họ chỉ ra sự khác biệt: cú sốc lần này có thể nguy hiểm hơn những gián đoạn thời COVID-19 nếu kéo dài. Dù vậy, giải pháp cho cú sốc này có thể đến nhanh hơn so với việc chờ đợi sự phục hồi từ dịch bệnh.
Hương Thủy/TTXVN (Tổng hợp)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/rui-ro-nguon-cung-hang-hoa-gia-tang-sau-cu-soc-thue-quan-20250428164439276.htm