Rủi ro pháp lý từ file review ẩn danh nói xấu hơn 100 công ty

Rủi ro pháp lý từ file review ẩn danh nói xấu hơn 100 công ty
3 ngày trướcBài gốc
"Quỵt lương nhân viên, ép KPI, giám đốc thích đề ra luật rừng. Công ty chèn ép sinh viên làm full time (toàn thời gian - PV), sinh viên mới ra trường. Mập mờ hợp đồng lao động để trục lợi". "Sếp bảo thủ, công ty gia đình, lãnh đạo công ty toàn anh chị em trong nhà làm việc với nhau". "Công ty chậm lương không một lời giải thích, sếp thích giam lương ai là giam"...
Đó là vài trong số hàng trăm nhận xét được đóng góp cho một file có tên "review công ty" đang lan truyền trên mạng xã hội. Theo đó, có hơn 500 doanh nghiệp được chỉ đích danh trong các phần review, hơn 100 doanh nghiệp nhận bình luận tiêu cực.
Người tạo file đánh giá ghi chú ngay đầu trang rằng: "Bảng đánh giá này được tạo ra nhằm mục đích chia sẻ trải nghiệm cá nhân một cách ẩn danh, không đại diện cho ý kiến chính thức của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào, không chịu trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ thông tin nào được đăng tải" đồng thời kêu gọi các cá nhân cân nhắc kỹ trước khi đóng góp nội dung hay lan truyền thông tin.
Trong một khoảng thời gian nhất định, file review được mở công khai cho mọi người tự do đóng góp, sau đó người tạo file khóa quyền chỉnh sửa.
Dù người tạo file ghi chú "không chịu trách nhiệm pháp lý với thông tin được đăng tải" và tất cả người tham gia đóng góp nội dung cho file này đều ẩn danh, theo luật sư, các cá nhân vẫn có thể đối diện nguy cơ vi phạm pháp luật khi khởi tạo, lan truyền những thông tin liên quan đến các doanh nghiệp cụ thể, đặc biệt khi các thông tin đó chưa được kiểm chứng.
Rủi ro pháp lý
Theo luật sư Trần Thị Huyền Trân thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, xuất phát từ các tài khoản ẩn danh song những dòng nhận xét trong file được lan truyền phần lớn đã mang tính chất định tính, định danh.
Ví dụ, có những người đóng góp chỉ đích danh "tổng giám đốc", "kế toán" của công ty mình review, khiến họ dễ dàng bị nhận diện. Một số dùng những từ ngữ như "biến thái", "ăn nói như phường du côn", đều là những từ mang tính chất miệt thị, phán xét đối tượng bị hướng đến.
"Nếu người viết review không chứng minh được những vấn đề mình đưa ra, rõ ràng là họ đang vu khống, xúc phạm cá nhân tổ chức khác, tức là hành vi vi phạm pháp luật", luật sư nhận định.
Các cá nhân tham gia đóng góp cho file review công ty ẩn danh có thể bị truy cứu trách nhiệm. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
Còn theo luật sư Duy Anh, Công ty Luật TNHH A+, việc tạo và cung cấp thông tin ẩn danh vào file review có thể bị xem là vi phạm quy định về trách nhiệm sử dụng mạng xã hội. Các cá nhân cung cấp, chia sẻ thông tin vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức có thể bị xử phạt hành chính lên đến 20 triệu đồng và chịu trách nhiệm hình sự.
“Hành vi này có thể bị các tổ chức, cá nhân bị xâm phạm về nhân phẩm, uy tín khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm, yêu cầu cải chính, xin lỗi công khai”, luật sư Duy Anh nói thêm về trách nhiệm dân sự của những người tạo và điền vào “file review công ty”.
Ghi nhận của Tri Thức - Znews, các nội dung trong file xoay quanh vấn đề khái quát và khó xác minh như công ty có quy định hà khắc, chậm lương, “sếp” xấu tính, hay chèn ép nhân viên… Tuy nhiên, luật sư Duy Anh khẳng định người đưa ra các nhận xét này vẫn phải chịu trách nhiệm hành chính, dân sự lẫn hình sự, dù có đúng sự thật hay không.
“Không nhất thiết phải chứng minh rằng thông tin được đưa ra là sai sự thật thì mới cấu thành tội phạm”, ông chia sẻ. Theo đó, mọi hành vi liên quan đến cung cấp, truyền bá thông tin xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức và cá nhân đều có thể bị xem là vi phạm pháp luật và xử lý theo quy định pháp luật.
Hậu quả tiềm ẩn từ những dòng review ẩn danh
Những người phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này là người tạo và kêu gọi cung cấp thông tin “review” công ty trên mạng xã hội, theo luật sư Duy Anh. Hậu quả mà những người này phải chịu có thể kể đến là bồi thường thiệt hại về danh dự, uy tín, buộc tháo gỡ thông tin sai lệch, xin lỗi, cải chính…
Luật sư Huyền Trân đồng tình, cho rằng nếu bị truy cứu, người chịu trách nhiệm chính sẽ là những người đã "chỉnh sửa" đóng góp cho file. Ngoài ra, người tạo ra file cũng sẽ chịu trách nhiệm chung cho tất cả thông tin người chỉnh sửa cung cấp vì đã đăng tải các thông tin này mà không kiểm duyệt nội dung. Cũng không loại trừ khả năng họ cố tình tạo ra trang tính này để gây hiểu nhầm, xúc phạm uy tín của tổ chức khác.
Các công ty bị “chỉ mặt gọi tên” trong file review cũng có thể tố cáo, đề nghị cơ quan chức năng xử phạt hành chính, thậm chí truy tố hình sự với các đối tượng vi phạm.
Các công ty bị ảnh hưởng bởi file review ẩn danh có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
Từ ngày 25/12, Nghị định 147 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cũng có hiệu lực. Người dùng mạng xã hội buộc phải xác minh thông tin cá nhân bằng số điện thoại. Nhờ đó, việc tiến hành các biện pháp điều tra hình sự, thu thập chứng cứ cũng trở nên thuận lợi hơn cho các công ty bị xâm phạm uy tín qua file review.
Luật sư Duy Anh lưu ý các công ty cũng cần đảm bảo quyền lợi cho người lao động về lương thưởng, phúc lợi, kỷ luật và môi trường làm việc. “Điều này sẽ đảm bảo sự hài hòa trong mối quan hệ lao động và phòng ngừa các rủi ro về pháp lý”, ông cho hay.
Luật sư Huyền Trân cho rằng bên cạnh những nơi bị nhận xét tiêu cực, cũng có những công ty trong file được đánh giá tốt. Theo bà, trước hết các công ty được điểm tên nên một lần nữa đánh giá tình hình sử dụng lao động ở công ty mình, cải thiện chất lượng môi trường làm việc hơn nữa.
Trong trường hợp có người cố tình bôi nhọ, xúc phạm uy tín của công ty thì công ty hoàn toàn có thể dựa vào công cụ pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Mai An - Đức An
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/rui-ro-phap-ly-tu-file-review-an-danh-noi-xau-hon-100-cong-ty-post1521875.html