Rủi ro tăng trưởng kinh tế 2025 từ nhiệm kỳ 'Trump 2.0'

Rủi ro tăng trưởng kinh tế 2025 từ nhiệm kỳ 'Trump 2.0'
2 ngày trướcBài gốc
Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã đạt kết quả tốt hơn dự kiến trong quý vừa qua, ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ quý III/2022, cho thấy các hoạt động kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ.
Các dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam vẫn đi đúng hướng. Do đó, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng UOB duy trì dự báo tốc độ tăng GDP cả năm của Việt Nam ở mức 6,4% với dự báo cho quý cuối là 5,2%.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế 2025 của Việt Nam được nhận định ở mức 6,6%, nằm trong mục tiêu Quốc hội đề ra nhưng thấp hơn đáng kể mức phấn đấu 8% được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra mới đây.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lưu ý, với việc Hoa Kỳ chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ "Trump 2.0", khả năng căng thẳng thương mại toàn cầu và các rủi ro có thể sớm xuất hiện.
Rủi ro chính mà Việt Nam cần lưu ý là các hạn chế thương mại tiềm tàng do thâm hụt thương mại hàng năm của Hoa Kỳ với Việt Nam đã tăng vọt hơn 2,5 lần trong giai đoạn 2018 – 2023.
Ở mức độ khu vực, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với ASEAN đã tăng gần gấp đôi vào năm ngoái với các diễn biến thương mại toàn cầu và chuỗi cung ứng thay đổi để ứng phó với các hạn chế được áp dụng trong nhiệm kỳ của ông Trump trước đây.
Dự báo căng thẳng thương mại toàn cầu tiếp tục gia tăng dưới thời ‘Trump 2.0’ và sức mạnh của đồng USD đi kèm là mối lo ngại đang gia tăng, theo UOB, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chú ý tới áp lực giảm giá đối với VND.
Với quan điểm cứng rắn của ông Trump về thâm hụt thương mại, chiến thắng gần đây của vị tổng thống này được đánh giá sẽ phủ bóng đen lên con đường tăng trưởng dựa trên xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nếu thuế quan tăng, Fitch Solution phân tích.
“Điều chắc chắn là lập trường bảo hộ hơn mà ông Trump đã từng hứa sẽ áp dụng sẽ tác động tiêu cực đến Việt Nam – nền kinh tế dựa trên xuất khẩu và nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, Fitch Solution nhấn mạnh.
Hoa Kỳ có thể sẽ áp thuế đối với các sản phẩm của Việt Nam có ít liên kết với chuỗi cung ứng nhưng lại chiếm tỷ trọng tương đối cao trong tổng lượng nhập khẩu của nước này.
Đơn cử, gỗ và gỗ xẻ - dòng sản phẩm hiện Việt Nam đang đứng thứ sáu toàn cầu về xuất khẩu sang Hoa Kỳ - có thể đối mặt rủi ro bị tăng thuế.
Nguy cơ căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng sau khi ông Trump quay trở lại Nhà Trắng cũng được Ngân hàng Thế giới cảnh báo gần đây. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, khiến dòng dịch chuyển thương mại tiếp tục chảy nhanh.
Khả năng tái thực thi những chính sách bảo hộ mà ông Trump đã từng thực hiện liệu có xảy ra hay không là vấn đề được cả thế giới quan tâm. Các chính sách này có thể bao gồm việc tăng thuế suất đối với hàng nhập khẩu nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với các đối tác và thu hút việc làm quay trở lại nước này.
Các biện pháp gần đây của Mỹ về quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Mexico và điều tra chống phá giá đối với tấm pin điện mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam có thể là dấu hiệu về những chính sách chặt chẽ hơn với các quốc gia kết nối.
Phương Anh
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/rui-ro-tang-truong-kinh-te-2025-tu-nhiem-ky-trump-20-d38198.html