Giữa lúc nhiều cánh rừng ở Tây Bắc vẫn oằn mình trước những vết chặt phá và lấn chiếm, huyện Mai Châu lặng lẽ giữ rừng như giữ vàng. Hơn 30.156 ha rừng tự nhiên vẫn xanh nguyên trên bản đồ, không phải nhờ may mắn, mà nhờ một hệ thống bảo vệ vững từ cộng đồng và chính quyền. Tỷ lệ che phủ rừng trên 65% là minh chứng cho sự kiên trì trong suốt nhiều năm qua. Mai Châu không dừng lại ở việc giữ rừng, huyện đang chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới, khi lâm nghiệp không chỉ là trách nhiệm, mà còn là kinh tế, sinh kế và tương lai.
Nhiều hộ dân ở xã Nà Phòn (Mai Châu) trồng cây dược liệu dưới tán rừng, mở ra hướng phát triển mới.
Với địa hình chủ yếu là đồi núi, Mai Châu được thiên nhiên ban tặng những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn cùng hệ sinh thái rừng phong phú. Thế nhưng, tài nguyên ấy không thể tự mình tồn tại nếu không có những bàn tay gìn giữ. Trong suốt giai đoạn 2021 - 2025, toàn huyện đã bảo vệ thành công hơn 30.000 ha rừng tự nhiên, duy trì độ che phủ rừng ổn định trên 65% - tỷ lệ vượt xa mức trung bình toàn quốc và là kết quả của một chiến lược bài bản, đồng bộ.
Điều đáng nói, Mai Châu không chỉ trông cậy vào lực lượng kiểm lâm chuyên trách mà đã xây dựng được một mạng lưới quản lý rừng dựa vào cộng đồng bền vững và hiệu quả. Với 16 Ban Chỉ đạo cấp xã và 105 tổ đội quản lý, bảo vệ rừng ở thôn, bản, người dân trở thành chủ thể thực sự trong bảo vệ tài nguyên. Mô hình không mới, nhưng cách triển khai ở Mai Châu lại có chiều sâu khi lồng ghép tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật và giao quyền rõ ràng, đi kèm với trách nhiệm cụ thể. Nhờ vậy, nhiều năm liền, Mai Châu không xảy ra điểm nóng về chặt phá, lấn chiếm hay khai thác rừng trái phép. Không phải vì rừng ở đây quá sâu, quá xa, mà bởi ý thức cộng đồng đã trở thành một "hàng rào mềm” bền vững nhất. Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu Hà Trung Thảo cho biết: "Chúng tôi xác định ngay từ đầu, muốn giữ rừng phải giữ được lòng dân. Chính vì vậy, huyện tập trung xây dựng hệ thống bảo vệ từ thôn, bản lên tới xã, vừa gắn trách nhiệm, vừa tạo động lực. Kết quả là nhiều năm nay, Mai Châu không có điểm nóng phá rừng và người dân đã thực sự trở thành chủ rừng đúng nghĩa.”
Giữ được rừng đã khó, giúp người dân sống được từ rừng còn khó hơn. Do đó, Mai Châu lựa chọn hướng đi song hành giữa bảo vệ tài nguyên và phát triển sinh kế bằng những chính sách cụ thể, mang lại hiệu quả rõ rệt. Giai đoạn 2021 - 2024, huyện đã giao hơn 12.000 ha rừng tự nhiên cho cộng đồng và hộ gia đình quản lý. Song song với đó là việc giải ngân hơn 15 tỷ đồng hỗ trợ bảo vệ rừng thông qua chính sách khoán bảo vệ và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Những khoản thu nhập ổn định này đã giúp nhiều hộ dân vùng sâu, vùng xa yên tâm hơn với cuộc sống và gắn bó lâu dài hơn với rừng.
Không dừng lại ở việc giữ, Mai Châu còn bắt đầu "nuôi” rừng theo hướng đa giá trị. Ở các xã Bao La, Xăm Khòe, Nà Phòn, người dân đã trồng thử nghiệm hơn 13 ha cây dược liệu như Cát sâm, Khôi tía dưới tán rừng tự nhiên. Mô hình bước đầu cho hiệu quả tích cực, mở ra một hướng đi mới cho lâm nghiệp vùng cao. Vừa tận dụng được sinh thái rừng, vừa nâng cao giá trị kinh tế, những cây thuốc quý ấy giờ không chỉ là sản phẩm, mà còn là lý do để người dân gắn bó với rừng nhiều hơn. "Không ai phá rừng khi trong rừng có tiền. Chúng tôi trồng thuốc, giữ cây, giữ cả niềm tin với đất này” - ông Hà Văn Khay ở xóm Xăm Pà, xã Nà Phòn nói như một lời cam kết bình dị.
Nhìn về chặng đường tới, Mai Châu không chỉ muốn giữ được rừng, mà còn muốn rừng trở thành một ngành kinh tế thực sự. Giai đoạn 2026 - 2030, huyện đặt mục tiêu bảo vệ toàn bộ 37.000 ha rừng hiện có, đồng thời trồng mới và phục hồi khoảng 600 ha/năm. Lâm nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động mỗi năm, góp phần giảm nghèo, ổn định dân cư và nâng cao chất lượng môi trường sinh thái.
Để đạt được điều đó, theo đồng chí Phó Chủ tịch huyện, Mai Châu xác định cần phải có một hệ sinh thái lâm nghiệp đồng bộ. Huyện sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các vùng nguyên liệu rừng gỗ lớn, phát triển cơ sở chế biến lâm sản phù hợp với điều kiện từng khu vực. Bên cạnh đó là định hướng tổ chức lại sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi khép kín, từ trồng trọt đến khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đáng chú ý, địa phương còn đưa vào kế hoạch ứng dụng những công nghệ hiện đại như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo trong quản lý, giám sát tài nguyên và phòng cháy chữa cháy rừng, điều từng được cho là "xa xỉ” với một huyện miền núi.
Đây sẽ là bước chuyển từ cách làm lâm nghiệp mang tính hành chính sang một ngành sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng, có sức cạnh tranh, có thương hiệu, và cũng là bước tiến từ tư duy "giữ cho không mất” sang khát vọng "phát triển để cùng sống”.
Rừng không thể lớn lên trong hoài nghi và khai thác tận diệt. Ở Mai Châu, rừng vẫn đang được nuôi dưỡng bằng niềm tin rằng, giữ rừng là giữ lấy mai sau.
Minh Vũ