Rừng phòng hộ Bắc Ia Grai ở Gia Lai bị chặt phá

Rừng phòng hộ Bắc Ia Grai ở Gia Lai bị chặt phá
3 giờ trướcBài gốc
Những cây gỗ bị chặt phá tại lô 9, khoảnh 7, tiểu khu 317 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai quản lý. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN
Tại tiểu khu 317, ngày 26/11, phóng viên TTXVN đã chứng kiến một vạt rừng bị chặt phá không thương tiếc, bất chấp tấm biển “Cấm chặt phá rừng, làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép” được đặt ngay tại hiện trường. Hàng trăm cây rừng lớn nhỏ nằm la liệt, bị cưa hạ một cách không thương tiếc.
Theo báo cáo sơ bộ từ Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai, diện tích rừng bị thiệt hại ước tính khoảng 0,69ha, thuộc lô 9, khoảnh 7, tiểu khu 317. Qua kiểm tra và đo đếm ban đầu đã phát hiện có 56 cây rừng bị chặt hạ. Các cây này có đường kính từ 12 cm đến 65 cm với các chủng loại như: Thành ngạnh, SP6, Vừng, Móng bò... Trạng thái rừng là rừng gỗ tự nhiên, thuộc loại trung bình và được phân loại là rừng sản xuất.
Hiện trường vụ phá rừng tại lô 9, khoảnh 7, tiểu khu 317 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai quản lý. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN
Vụ việc xảy ra ngay tại khu vực giáp ranh với diện tích đất lâm nghiệp do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Cường (làng H' Lũ, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai) quản lý. Đơn vị này đã được giao nhiệm vụ trồng rừng. Ông Hồ Sỹ Cường, Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai giải thích "Khu vực xảy ra sự việc nằm khá xa, phải đi bộ khoảng 20km để tiếp cận. Chúng tôi đã báo cáo và đang tìm cách để khắc phục hậu quả đối với diện tích rừng bị thiệt hại".
Trao đổi về vụ việc, ông Đinh Ích Hiệp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai, cho biết thời gian vừa qua, Thường trực Huyện ủy và UBND huyện đã rất sát sao trong việc chỉ đạo cũng như nắm bắt tình hình. Hầu hết các vụ việc xâm hại rừng đều được phát hiện và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Đối với vụ phá rừng xảy ra tại khu vực rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai quản lý, Hạt Kiểm lâm đang phối hợp cùng với đơn vị chủ rừng tiếp tục kiểm tra, xác minh và báo cáo lên huyện để có hướng xử lý.
Hiện trường vụ phá rừng tại lô 9, khoảnh 7, tiểu khu 317 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai quản lý. Ảnh: TTXVN phát
“Theo quy định, trách nhiệm chính trong việc để mất rừng thuộc về đơn vị chủ rừng được Nhà nước giao quản lý. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình phức tạp khiến cho việc tuần tra, kiểm soát của đơn vị chủ rừng gặp nhiều khó khăn, chưa sát với thực tế hiện trường trong khi vụ việc xảy ra tại khu vực giáp ranh. Ngoài ra, phía đơn vị chủ rừng chưa chủ động ngăn chặn khi sự việc mới phát sinh, dẫn đến sự việc đáng tiếc”, ông Hiệp thông tin thêm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai Đỗ Văn Đông cho biết, ngay khi nắm được thông tin vụ việc, UBND huyện đã có văn bản khẩn số 1909/UBND-VP chỉ đạo khẩn trương kiểm tra nội dung phản ánh về khai thác, phá rừng tại xã Ia Grăng và yêu cầu các đơn vị tập trung xử lý vụ việc.
“Chúng tôi đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai, UBND xã Ia Grăng cùng các lực lượng chức năng kiểm tra thực tế, lập hồ sơ xử lý nghiêm. Kết quả phải được báo cáo về UBND huyện chậm nhất ngày 29/11”, ông Đông nhấn mạnh.
Vụ việc phá rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai không chỉ là vụ việc đơn lẻ mà còn là hồi chuông cảnh báo về tình trạng “chảy máu rừng” vẫn âm thầm diễn ra tại nhiều địa phương. Câu hỏi đặt ra là tại sao rừng vẫn bị tàn phá ngay dưới các biển cấm?
Khu vực giáp ranh giữa các đơn vị quản lý đang trở thành điểm nóng của các hành vi phá rừng trái phép. Những tấm biển "cấm" sẽ chỉ mang ý nghĩa tượng trưng nếu công tác giám sát, tuần tra không được thực hiện nghiêm túc và thường xuyên. Vì vậy, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý rừng và chính quyền địa phương là hết sức cần thiết để ngăn chặn tình trạng "chảy máu rừng" kéo dài.
Hoài Nam – Xuân Huy (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phap-luat/rung-phong-ho-bac-ia-grai-o-gia-lai-bi-chat-pha-20241127180718280.htm