Niềm vui gặp mặt của những nhân chứng sống Bến tàu Không số Vũng Rô. Từ trái sang: Thiếu tá Ngô Văn Định, trung úy Ngô Minh Thơ, dân công Nguyễn Thị Tảng, Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, trung tá Hồ Thanh Bình, thượng úy Tống Trọng Điểm. Ảnh: TRẦN QUỚI
Cách đây 1 năm, các thành viên Ban liên lạc Bến tàu Không số Vũng Rô gồm Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, thiếu tá Ngô Văn Định - Trưởng ban liên lạc, thượng úy Tống Trọng Điểm, trung úy Ngô Minh Thơ đã tổ chức chuyến thăm đồng đội xưa là trung tá Hồ Thanh Bình (đang sống ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) và dân công Nguyễn Thị Tảng (nữ dân công thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp, ở xã An Dân, huyện Tuy An).
Niềm vui lần đầu được khám phá tàu biển
Kể về ngày đầu tiên xuống thuyền trở lại miền Trung, trung tá Hồ Thanh Bình, người lính bộ binh, quê Quảng Nam, có cảm giác vô cùng mới lạ, phấn khích. Lão cựu binh Hồ Thanh Bình nhớ lại: “Vừa nhảy xuống tàu, chúng tôi đã kêu lên: ra trận như đi du lịch thế này thì còn gì bằng. Lính hải quân sướng thật”.
Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh lúc đó cười tươi đáp lại: “Trước đồng chí, nhiều người cũng nói y như vậy, nhưng để rồi xem nhé! Không lâu nữa sẽ nếm mùi say sóng!”. Giữa mùa đông, mùa của gió chướng cấp 7, cấp 8 mà biển lặng như thế này là hiếm. Nhưng đó là cái yên lặng đáng sợ, chỉ những người lính biển hiểu rất rõ sự yên lặng lúc này là giao thời của những trận gió mùa đông bắc, chỉ có trong chốc lát. Gần sáng, biển bắt đầu lên tiếng. Nhiều người bắt đầu nôn mửa. Càng về trưa, sóng càng lớn không nấu cơm được phải ăn bằng lương khô.
Lúc này, cảm giác “đi chiến trường như đi du lịch” của các đồng chí bộ binh theo tàu tăng cường cho bến không còn nữa. Trung tá Hồ Thanh Bình cho hay, trong chuyến đi này ngoài ông còn có các đồng chí Phạm Ân, Dương Văn Kính (quê Quảng Nam) và Nguyễn Ngọc Cảnh (quê Phú Yên).
Trung tá Hồ Thanh Bình kể tiếp: Sau khi đã quen với sóng gió, người ổn định lại, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh tập hợp tất cả anh em bộ binh quán triệt nội quy và phương án tác chiến khi gặp sự cố. Thuyền trưởng giao cho mỗi người 3 quả lựu đạn chống tăng. Ai cũng ngạc nhiên: sao đi tàu biển lại phát lựu đạn chống tăng làm gì?
Đang lăn tăn chưa hiểu, thuyền trưởng giải thích: Tàu mình chỉ trang bị súng máy 12,7mm, B40, B41 tầm bắn không xa. Trường hợp tàu địch phát hiện, chúng thường tìm cách tiếp cận, cập mạn để bắt sống. Lúc này, chúng ta sẽ nhảy sang tàu họ và dùng lựu đạn chống tăng giáp lá cà, chấp nhận hy sinh. Lúc này, chúng tôi mới hiểu sự ác liệt và hy sinh mất mát của lính hải quân.
Chen vào câu chuyện của Đại đội trưởng K60 Hồ Thanh Bình, thiếu tá Ngô Văn Định nhắc lại câu chuyện đón chuyến tàu đầu tiên bị “việt vị” gần 30 phút mới bắt được tín hiệu của nhau. “Khi đã nhận đúng tín hiệu. Một chiếc ghe máy kéo theo chiếc xuồng ba lá cập mạn. Chúng tôi lên tàu, lần đầu tiên được khám phá chiếc tàu biển thật sự hiện đại chưa thấy bao giờ”, ông Định nói.
Thượng úy Tống Trọng Điểm nói: “Nhưng vui sướng nhất là nhìn thấy “hầm hàng” của tàu. Súng đủ các loại, được bó thành từng bó, từng thùng. Chuyến tàu thứ hai được nhận gạo tám thơm. Chuyến thứ ba, anh em được nhận quà tết miền Bắc và cùng đón giao thừa, mừng năm mới Ất Tỵ (1965) trên tàu”.
Còn dân công năm xưa Nguyễn Thị Tảng cho rằng trong cuộc đời mình, bà luôn nhớ mãi lần gặp thuyền trưởng tàu Không số Hồ Đắc Thạnh. “Giữa rừng xanh thiếu thốn, không biết lấy gì để tặng các anh mang về miền Bắc. Tôi hành động như bản năng, rút chiếc khăn tay gói vào một nắm đất Vũng Rô, rồi chạy thật nhanh gọi với theo tàu đang chuẩn bị nhổ neo rời bến: Xin được gặp thuyền trưởng để trao nắm đất quê hương.
Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh bước ra mạn tàu đón lấy chiếc khăn tay gói trọn nắm đất Vũng Rô, hỏi lớn trong tiếng sóng và gió biển: Cô em tên gì? - Em là Nguyễn Thị Tảng - nền tảng - dân công xã Hòa Hiệp xin gửi nắm đất quê hương, là tấm lòng của quân, dân Phú Yên với Đảng, Bác Hồ và Nhân dân miền Bắc ruột thịt”, bà Nguyễn Thị Tảng nhớ lại trong niềm xúc động.
Nghĩa tình người lính
Trước những ngày chuẩn bị kỷ niệm 60 năm bến Vũng Rô đón tàu Không số, thiếu tá Ngô Văn Định lục lại danh sách các liệt sĩ K60 trong cuộc chiến đấu bảo vệ bến và tàu 143 bị địch phát hiện ngày 15/2/1965; tìm lại những dân công tham gia vận chuyển, xem ai còn, ai mất, ai đã nhận Kỷ niệm chương Đường Hồ Chí Minh trên biển…
Thiếu tá Định nói: “Sự hy sinh của 12 chiến sĩ K60 trong trận càn, thả bom ở Gò Dinh không bao giờ chúng tôi quên. Chúng tôi đã gom thi thể đồng đội chôn tạm, ngụy trang và đánh dấu để sau hòa bình tìm lại”.
Thiếu úy Ngô Minh Thơ góp vào câu chuyện: “Trong “sự kiện Vũng Rô”, địch dường như dồn tất cả hỏa lực về đây, mấy ngày liền, bên ta thương vong nhiều. Chiến đấu đến ngày thứ ba thì tôi bị thương ở chân phải, anh Nguyễn Ẩn ở Phú Thọ 3, cõng tôi chạy về trạm xá căn cứ Miền Đông, sau đó đưa lên trạm xá Hòa Thịnh rồi về Bệnh viện Y13”.
Nhắc đến những đồng đội hy sinh, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh luôn nhớ đến đồng chí Trần Nhợ (quê Bình Định) và thuyền phó Dương Văn Lộc (quê Quảng Nam), những người gắn bó với ông và tàu 41 nhiều chuyến tàu vào Nam.
Sau “sự kiện Vũng Rô”, tàu 41 của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh được lệnh tập luyện và thay đổi phương thức chi viện vào miền Trung bằng cách vào biển bãi ngang Quảng Ngãi để thả hàng trên biển, sau đó lực lượng bờ sẽ bơi ra đưa vào.
Trong chuyến tàu này, khi lượng hàng đã được thả xuống biển 2/3 thì tàu địch phát hiện. Oái ăm lúc này, tàu 41 bị sóng đánh cong chân vịt không thể cơ động. Để bảo đảm bí mật nơi thả hàng và tránh cho tàu ta rơi vào tay địch, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh yêu cầu thủy thủ bơi hết vào bờ.
Trên tàu chỉ còn lại thuyền trưởng và máy trưởng Phan Nhạn, trước khi rời tàu thuyền trưởng đã hủy hết tất cả tài liệu chuyến đi, định giờ nổ bộc phá là 30 phút (đồng thời cả ba loại kíp: hóa học, kíp đồng hồ định giờ và kíp dây cháy chậm), sau đó mang áo phao, buộc lá cờ Tổ quốc vào cổ, dắt khẩu súng ngắn vào hông, thả neo dài 50-60m, rời tàu bơi vào bờ.
Khoảng 20 phút sau, một con sóng lớn đã hất tung hai người dạt vào bờ. Trong lúc đó, đồng chí Trần Nhợ và Dương Văn Lộc và một số thủy thủ, du kích trên bờ sợ bộc phá không nổ, tàu không phá được nên lao ra để điểm hỏa.
“Sau trận chiến, tôi tập hợp anh em lại thì không thấy hai người. Đó là thiếu úy Dương Văn Lộc - thuyền phó và chuẩn úy Trần Nhợ - thủy thủ trưởng đã vĩnh viễn nằm lại bến bãi ngang này. Chúng tôi tìm kiếm thi hài đồng đội hy sinh, nhờ địa phương chôn cất, đánh dấu để sau này dễ tìm kiếm, quy tập.”, vị thuyền trưởng già hấp háy đôi mắt xúc động.
Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh cùng những người lính hải quân năm xưa đã thành lập Ban liên lạc truyền thống Đoàn tàu Không số, đi dọc dài bờ biển để tìm mộ đồng đội, thăm hỏi, giúp đỡ những đồng đội có cuộc sống khó khăn. May mắn là nỗi day dứt của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh với hai liệt sĩ Dương Văn Lộc và Trần Nhợ đã được tìm thấy, và đưa các anh về nghĩa trang liệt sĩ, hoàn thành tâm nguyện.
Được sự giúp đỡ tận tình của các cơ quan, đơn vị và các nhà tài trợ, Ban liên lạc Bến tàu Không số Vũng Rô xây được 5 nhà Nghĩa tình đồng đội cho CCB Nguyễn Văn Lãnh (Đà Nẵng), Lê Kim Tự, Trần Kim Hiền, Nguyễn Thanh Xuân, Ngô Dầu (Phú Yên)...
“Anh em chúng tôi là những người may mắn so với nhiều đồng đội. May mắn vì đã vượt qua hòn tên mũi đạn, được chứng kiến đất nước hòa bình và phát triển. Xin được thắp nén tâm nhang lên bàn thờ các liệt sĩ với lời tri ân sâu sắc của rất ít người may mắn còn sống sót đến hôm nay!”, Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh chia sẻ.
TRẦN QUỚI