Rưng rưng nhớ rừng

Rưng rưng nhớ rừng
7 giờ trướcBài gốc
Kỷ niệm như khói rừng khét nồng xộc nghẹn buồng phổi. Đài quan sát trên tàng cây cao dõi theo làn khói xám buổi chiều đông. Tọa độ X ẩn mình trong ngút ngàn xanh thẳm. Khi nỗi nhớ tràn về, tôi rưng rưng khóc thương đồng đội đã gởi thân xác nơi cánh rừng biên giới khói lửa khét lẹt bom đạn.
Tôi đi bộ đội chiến trường biên giới Tây Nam, đội hình trung đoàn bộ binh truy kích giặc thù, liên tục di chuyển đơn vị đóng quân trong rừng sâu núi thẳm. Kỷ niệm thời chiến tranh không phai nhạt trong tâm trí cho dù bước thời gian đã phủ sương mờ. Quân phục xanh màu lá trải rộng khắp miền biên giới. Cánh rừng khộp sơn mộc lưa thưa trên triền đồi đá sỏi; rừng già ken kịt cây lớn, cây nhỏ, dây leo um tùm quanh năm không thấy ánh mặt trời; khe suối đẫm vạt bùn ngai ngái sau cơn lũ dầm dề; lèn đá tai mèo xám ngoét nơi núi rừng hiểm trở.
Đoàn xe vận tải rùng rùng hướng về biên giới. Tôi cảm thấy ấm lòng chiến sĩ khi quân mình hiện diện trên khắp nẻo đường chinh chiến. Mái tóc anh đẫm bụi đường xa. Tiếng gọi đồng hương yêu thương lắm. Vẫy bàn tay thân ái chào nhau. Điếu thuốc thơm môi cười hào sảng.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, vì chính nghĩa duy nhất là xóa bỏ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, dáng thế người lính tình nguyện Việt Nam đã khắc ghi trên tượng đài vinh quang. Nhưng phải hy sinh tính mạng hàng ngàn chiến sĩ, kể cả những vị chỉ huy dạn dày trận mạc. Kẻ thù đã từng là bạn tráo trở hiểm độc. Kẻ thù là đồng chí phản bội. Bài học đau thương này phải được ghi vào trang sử bi tráng, oanh liệt.
Cánh võng xanh đung đưa giăng đôi gốc cây rừng, đêm ngắm ánh sao trời len qua vòm lá, tôi ngâm nga lời hát: “Khi nghĩ về đời người, tôi thường nhớ về rừng cây. Khi nghĩ về rừng cây, tôi thường nhớ về nhiều người, trẻ trung như cụm hoa hồng, hồn nhiên như ngàn ánh lửa, chiều hôm khi gió về…”(1). Trên đường hành quân, đồng đội lắng nghe tôi hát, vơi bớt lao lung nơi chiến trận khắc nghiệt.
Bốn mùa xuân, hè, thu, đông, bộ đội gắn bó với rừng cây. Không thể nào quên đời lính chiến ở rừng trong giai đoạn gian khổ. Thiếu thực phẩm, suy dinh dưỡng, thân thể chiến sĩ xanh tái bủng beo. Cải thiện và tăng gia là việc cần thiết.
Phút bình yên sau cuộc hành quân chiến đấu, chợt thấy mùa xuân trắng trời bông khộp chay rộ nở, để bữa cơm bộ đội có canh chua bông khộp nấu cá suối, hương vị thơm lạ, thanh mát, ăn một lần là nhớ hoài. Mùa hè mưa về hàng tre ven suối no nước, búp măng non kìn kìn đội lên, măng luộc kho cá suối, măng xào mỡ heo. Mùa thu tôi vác súng len lỏi trong rừng già rậm rạp tìm gặp dây sâm nam, hái được balô lá sâm, về rửa sạch, vò nát, lọc bỏ bã. Nước sâm nam đông đặc ăn với đường cát ngon mát. Mùa đông rừng khộp xao xác lá rụng. Bầu trời đỏ ối nung đất rừng bốc khói. Mồ hôi muối dày cộp áo trận, loang lổ, rằn rện như bản đồ địa hình. Tôi vác súng rảo bước khắp cánh rừng khét cháy trơ trụi xương xẩu chỉ còn cây móng bò có lá chua nấu canh.
Chiến sĩ hành quân tuần tra trên chốt gác biên giới, bất chợt mềm lòng rung cảm trước phong cảnh núi rừng. Tôi dừng bước bên đồi, lặng yên, chiêm ngắm sức sống thiên nhiên mãnh liệt. Chồi xuân hồng, chồi xuân biếc, chồi xuân non tơ. Búp chen búp, nụ chen nụ, chi nhánh dâng tràn trùng điệp đồi rừng nối tiếp đồi rừng. Sương sớm trong trẻo long lanh ánh dương tỏa rạng. Cảnh sắc buổi bình minh yên tĩnh, thăng hoa phong tình diễm lệ. Tôi mộng tưởng viễn du tâm hồn về quê hương miền sơn địa có nàng Xuân, em gái hậu phương đang ngóng đợi tôi về.
Đợt hành quân truy quét xong, đêm khuya tôi cùng đồng đội vác súng cải thiện chất tươi cho đơn vị, đội đèn pin săn thú rừng. Phải tránh, đừng bắn hai đốm đỏ rực cách nhau chừng gang tay là mắt cọp, beo. Hai đốm xanh lét chụm lại là mắt nai, mễn. Tôi nhớ thượng úy Ngọc là tay súng thiện xạ. Anh bắn nai, mễn toác đầu, thủng tim, ngã rật tại chỗ. Cả đại đội tới nhận phần thịt rừng. Tôi nhớ hạ sĩ Trí, anh nuôi khơi bếp Hoàng Cầm(2) ấm áp rừng khuya. Cháo thịt thơm ngon, nóng hổi tẩm bổ chiến sĩ. Tôi lại nhớ trung úy Hưởng hào sảng, “mình vì mọi người”, đổi áo đờ-nin mới, đổi cả võng mới cho dân lấy gà mái tơ về nấu cháo cho cả trung đội bồi dưỡng sức khỏe. Tình đồng đội yêu thương nhau như anh em thân thiết.
Điểm cao 547 ngạo nghễ chồm lên giữa chập chùng đồi rừng. Vách đá tai mèo lởm chởm xám ngoét như chọc gan người lính. Con đường chiến lược như vệt rắn bò loằng ngoằng giữa rừng khộp điệp trùng. Xe vận tải như con bọ sắt di chuyển lẫn khuất, ẩn hiện sau vòng cua ngoặt, bò trườn lên xuống dốc hai bờ suối cạn. Mây khói mờ mịt chân trời xa, hoàng hôn buông màn nhung rực lửa, rồi chìm dần trong rừng núi hoang vu.
Đồng đội tôi trẻ măng, mặt bụ bẫm lông tơ. Đồng đội tôi chưa một lần yêu đương. Giới tính nguyên bản khỏe đẹp như tượng thần Hercules(3). Thu thân thiết như người tình của tôi. Ba tháng huấn luyện nơi quân trường Phú Tài, tôi thương mến cậu, chia sẻ vui buồn. Thu và tôi được phiên chế cùng trung đoàn, hành quân lên biên giới. Trước ngày đi chiến dịch, hai gã trai tân ôm nhau ngủ, khen nhau thân thể thơm mát. Thu hy sinh trong trận đánh điểm cao 547, cậu giẫm mìn KP2 của địch nổ phá toác vồng ngực trai trẻ. Thu hai mươi tuổi, tuổi đẹp nhất đời người. Thôi đành đóng lại ước mơ, hoài bão. Tôi nuốt nghẹn nước mắt trong lòng. Nhiều khi một mình tôi đêm khuya nơi vọng gác nhớ Thu, nước mắt òa như mưa tuôn. Hàng ngàn người lính trẻ như cậu đã ngã xuống đất rừng biên giới.
Trận chiến tôi và đồng đội bị thất bại là trận đánh điểm cao 547 mùa khô năm 1983. Riêng sư đoàn mình có hàng trăm đồng đội hy sinh trên đường hành quân trong rừng vì khát nước. Đến mùa khô năm 1984 quân tình nguyện Việt Nam thắng trận xóa sổ bộ chỉ huy sư đoàn quân Pôn Pốt.
Trước hàng quân, đại pháo 105 ly hùng dũng giương nòng lên điểm cao. Vị tướng tư lệnh vầng trán nếp nhăn ngang dọc như bàn cờ. Ông nghiêm cẩn điều nghiên sa bàn chiến tranh, điểm danh quân sĩ, hô vang mệnh lệnh, sẵn sàng xuất kích.
Balô, súng thép trên vai, bước quân hành, đồng đội tôi hát:“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng. Gian khổ sẽ dành phần ai. Ai cũng một thời trẻ trai. Cũng từng nghĩ về đời mình. Phải đâu may nhờ rủi chịu. Phải đâu trong đục cũng đành. Phải không anh. Phải không em”(4) …Tôi nhớ tiếng thét “xung phong” rền vang của trung đội trưởng Thành khiến quân thù rúng động lùi bước. Tôi lại nhớ tiểu đoàn trưởng Nghị băng qua chiến hào tiến về phía trước mũi xung kích. Mùi thuốc súng khét lẹt kích thích thần kinh, thúc giục cơ bắp cường lực. Bước giày trận đoàn quân rầm rập rung chuyển núi rừng.
Trên mỗi tấc đất núi rừng biên giới thấm đẫm xương máu của đồng đội và nhân dân mình. Bộ đội chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hy sinh trên khắp miền biên giới Tây Nam. Thân xác vùi xuống đất rừng. Thịt rữa, xương tan, máu tưới cây rừng. Thế hệ sau này phải biết tỏ tường lịch sử để mà ghi ơn, hành xử hướng thiện, nhân văn, yêu thương dân mình.
Bóng chiều vàng khơi nỗi nhớ thương đồng đội, tôi tới nghĩa trang sư đoàn chuyện trò với người nằm xuống. Mưa dầm dề thấm đất, cỏ non phủ lên những nấm mộ xanh. Thân xác các anh trở về đất, linh hồn lẩn khuất bờ cây ngọn cỏ. Những hàng huyệt mộ xếp hàng thẳng tắp, rừng biên giới xòe tán lá che bóng mát. Tâm trí tôi chìm trong sương khói hoàng hôn, đọng lại giọt lệ rưng rưng xót thương, tôi thầm thì khấn nguyện: “Đồng đội ơi! vong linh các anh xin được bằng an trở về đất mẹ”.
Sau cuộc chiến, tôi trở về quê hương miền sơn địa, thân thể tôi vài mảnh đạn pháo găm da thịt có đáng kể gì. Nàng Xuân ôm chặt tôi, vùi mặt hoa vào ngực tôi giấu giọt lệ mừng hạnh ngộ. Trong giấc ngủ tôi vẫn mơ tiếng xung trận vang rền, đạn nổ đì đùng, những thân xác đẫm máu. Tôi dẫn em leo đồi Chớp Mau tìm về kỷ niệm. Cây bằng lăng trên đỉnh đồi sừng sững vươn tán lên bầu trời như tướng linh nghiêm cẩn canh giữ rừng xanh bảo tồn. Họ tên đôi tình nhân hồi ấy yêu nhau được khắc trên thân cây. Bây giờ thành dấu chỉ tình yêu dễ thương, chạm tay vào thấy lòng sướng vui chi lạ. Đôi hàng chữ to hơn xưa, nu nần, gồ ghề chứng minh tình yêu thủy chung son sắt của em và tôi.
Tôi ngắm vạt rừng xanh trên đồi, thân cây lớn thêm, ngọn cây cao hơn, tán lá xòe rộng. Ba năm tôi đi chiến trường như được học trường đại học lớn. Ăn cơm quân đội. Suy nghĩ quân đội. Học tập quân đội. Rèn luyện bản thân đứng giữa hàng quân tôi vững mạnh đôi chân, trí óc mở mang kiến thức. Tôi như một cây chỉnh tề xếp hàng trong đội ngũ rừng cây. Trở về sau cuộc chiến tranh, tôi thấy yêu quý cuộc sống miền sơn địa thêm bội phần.
Tôi quan sát, sờ nắn, kiểm đếm thấy số lượng cây rừng trên đồi thêm tăng trưởng. Những cây nhỏ trước kia khuất lấp dưới thảm cỏ mềm bây giờ vươn cành cao ngang vai tôi. Một số cây lớn bị thợ rừng cưa cắt lấy gỗ, gốc cây đang nẩy chồi non tái sinh. Rừng cây sinh tồn mạnh mẽ nhất vào tiết lập xuân, thời tiết ấm áp hơn. Rừng cây ngủ đông đủ giấc, tích trữ đầy nhựa sống, bật lên muôn vạn chồi xuân. Ngút ngàn sơn mộc lừng lững khoe tán lá rộng vươn cao lên bầu trời, cội rễ phát triển cắm sâu vào lòng đất.
Thảm lá rừng mát rợi êm ái để tôi yêu em.
(1), (4): Lời bài hát “Một đời người một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn; (2): Bếp được âm trong lòng đất, ẩn giấu lửa khói, tác giả Hoàng Cầm sáng chế; (3): Vị thần biểu tượng sức mạnh trong thần thoại Hy Lạp.
BÚT KÝ: NGUYỄN BÁ KHƯƠNG
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/rung-rung-nho-rung-129720.html